Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Nhạc Pháp, tình khúc mùa đông còn vương nắng

Đăng ngày:

Trước những ngày lễ cuối năm, số lượng album mới được phát hành khá nhiều. Các hãng đĩa tung ra các sản phẩm đúng vào thời điểm mà người Pháp bắt đầu đi mua quà, chuẩn bị tặng cho bạn bè, người thân. Một số tập nhạc đã được ghi âm từ cuối hè, nhưng mãi đến bây giờ mới được trình làng, để trùng thời điểm kinh doanh mua sắm.

Nam ca sĩ Pháp Grégoire (DR)
Nam ca sĩ Pháp Grégoire (DR)
Quảng cáo

Trong số các tập nhạc mới, có album thứ nhì của Grégoire với tựa đề Le même soleil (tạm dịch Cùng một mặt trời). Tại Pháp, có thể nói là nam ca sĩ Grégoire là người đã tạo ra tiền lệ trong ngành sản xuất đĩa hát. Năm nay 31 tuổi, anh tốt nghiệp bằng đại học ngoại ngữ, đáng lẽ ra anh chọn cho mình ngành dạy học vì trong gia đình mẹ anh là giáo sư toán còn bố anh thì đi dạy ngành điện ở trường kỹ thuật.

Nhưng đối với Grégoire, nghề dạy học chỉ là một cách để kiếm tiền nuôi bản thân, vì từ khi còn nhỏ, anh đã nuôi mộng vào nghề ca hát. Nhưng tập nhạc đầu tay của anh đều bị các hãng đĩa từ chối. Không nản chí, anh ghi tên vào công ty mạng My Major Company. Đặc điểm của công ty này là các thành viên đều là cư dân thuộc cộng đồng trên mạng. Mỗi người sẽ chi ra một chút tiền để hùn đủ số vốn 70 ngàn euros nhằm đầu tư vào việc thực hiện album đầu tay của Grégoire theo phương châm lỗ cùng chịu, lời cùng chia.

Sản xuất ngoài luồng mà vẫn ăn khách

Được cho ra mắt vào tháng 3 năm 2008, album này mang tựa đề Toi & Moi (Bạn và ta) tính đến nay đã bán gần một triệu bản. Những người đã chịu chi vốn đầu tư, thu về hơn gấp mười lần số tiền bỏ ra ban đầu. Còn Grégoire hiển nhiên trở thành ca sĩ đầu tiên ở Pháp ăn khách tột bực dù chỉ được sản xuất ngoài luồng. Sự thành công này phần nào cho thấy ảnh hưởng của thời đại Internet trong cung cách kinh doanh đĩa hát. Nhiều hãng đĩa lớn đang gặp khó khăn do không biết thích ứng kịp với đà phát triển này. Còn tập nhạc thứ nhì của Grégoire tiếp tục khai thác cái bí quyết thành công ấy.

Nhạc phẩm Il suffira d'un signe (Chỉ cần một dấu hiệu), một bài hát ăn khách trước đây của Jean Jacques Goldman do Grégoire trình bày. Hai người đã gặp nhau nhân buổi trình diễn gây quỹ từ thiện để giúp đỡ Các quán ăn tình thương Les Restos du Coeur. Trên album thứ nhì của mình, Grégoire đã thuyết phục được tác giả Goldman ghi âm một bài song ca với anh. Đó là nhạc phẩm La Promesse (Lời hứa), một bài hát đầy ý nghĩa đối với Grégoire.

Bài này nói về khát vọng đổi đời của tuổi trẻ, hàm ý rằng đến khi ta trưởng thành trên đường đời, khi mái đầu bắt đầu đầy tóc bạc, thì ta hẳng đừng quên lời hứa thời thanh xuân với chính bản thân hay với người khác. Sự kiện Jean Jacques Goldman chịu vào phòng thâu để ghi âm một ca khúc đã là một điều đáng nói, vì tác giả này coi như là đã an phận, Goldman giờ đây chủ yếu sáng tác cho người khác chứ không còn ghi âm cho chính mình.

The Gift, món quà cuối năm của Susan Boyle 

Cũng là một món quà dành cho giới hâm mộ, có album mới của Susan Boyle. Không phải ngẫu nhiên mà tập nhạc thứ nhì của ca sĩ người Scotland mang tựa đề The Gift, vừa có ý nghĩa của một món quà tặng cuối năm, vừa là phần đền đáp xứng đáng đối với lượng fan hâm mộ đông đảo. Nhạc phẩm trích đoạn đầu tiên từ album thứ nhì của Susan Boyle là ca khúc Don’t dream it’s over, sáng tác của Neil Finn, tác giả người New Zealand, từng ăn khách trước đây (1986) qua phần thể hiện của Crowded House, ban nhạc người Úc. Ngoài bài này còn có nhạc phẩm Perfect Day của Lou Reed và Hallelujah của Leonard Cohen.

Tất cả đều là những bài quen thuộc đều có thể ăn khách. Chỉ có điều là những bản nhạc này được ghi âm cùng với 6 ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng như O Holy Night hay The First Noel. Điều đó sẽ làm hài lòng các fan hâm mộ Susan, nhưng có thể khiến cho những người khác bị hụt hẫng, bởi vì hai chủ đề không ăn nhập gì với nhau. Rốt cuộc thì người nghe có cảm tưởng đây là hai akbum gộp thành một. Dường như đằng sau sự chọn lựa này hãng đĩa nhà của Susan Boyle muốn làm hài lòng nhiều đối tượng cùng một lúc, nhưng lại phản tác dụng vì tập nhạc này hơi bị lỡ cỡ, ở vào khoảng giữa chừng, không nghiêng hẳn về một thể loại nào cả.

Nếu thích nghe một tập nhạc với chủ đề xuyên suốt liền mạch hơn, thì nên chọn các tuyển tập của Lara Fabian. Cô chọn thời điểm cuối năm để trình làng ít nhất là 2 dự án mới, trong đó có việc tái bản tập nhạc Toutes les femmes en moi (Tất cả những người đàn bà trong ta). Qua chủ đề này, Lara Fabian muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với các bậc đàn chị.

Bởi vì tất cả các ca sĩ nào thời còn nhỏ đều có thần tượng của mình, trước khi tìm cho bản thân một lối diễn đạt riêng, họ đều vay mượn cách hát, chịu ảnh hưởng thậm chí bắt chước những người đi trước. Có lẽ cũng vì thế mà trên album Tất cả những người đàn bà trong ta, Lara Fabian ghi âm lại những tình khúc quen thuộc của Dalida (Il venait d’avoir 18 ans), Barbara (Gottingen), Edith Piaf (L’hymne à l’amour), Nana Mouskouri (Soleil soleil), Françoise Hardy (Message personnel).

Lara Fabian, ngày trở lại 

Dựa trên cùng một khái niệm, album tiếng Pháp cũng có một phiên bản nguyên vẹn bằng tiếng Anh với tựa đề Every woman in me. Trên album tiếng Anh này, cô ghi âm lại những tình khúc quen thuộc của nhóm Carpenters, Barbra Streisand, Joni Mitchell hay Annie Lennox. Nếu như tập nhạc tiếng Anh chủ yếu được thâu với lối hát mộc, chỉ được đệm bằng đàn piano, thì ngược lại album tiếng Pháp giàu tính thử nghiệm hơn với lối hoà âm phối khí nửa điện tử, nửa giao hưởng. Song song với dự án này còn có tuyển tập chọn lọc bao gồm 2 CD, tập hợp những ca khúc ăn khách nhất từ trước đến nay của Lara Fabian. Il ne manquait que toi (Chỉ còn thiếu mình anh) được trích từ album này.

Đăng đắng vỏ cam xanh
Kết vòng hoa ruột trắng
Lụa thủy tinh múi ngần
Xé thành muôn vạt nắng

Nguyện cầu ánh sao trời
Rơi rụng xuống bể khơi
Nghe sao biển ngóng đợi
Đất khô nẻ nụ cuời

Nhìn ánh mắt tinh khôi
Mà sao hồn chợt tối
Nơi đây vắng một người
Khiến vạn vật đổi ngôi

Vì cõi trần thiếu anh
Nên chưa biết yên lành
Cho nhịp đập giao tranh
Trong tim chưa ngừng lại

Vì chốn này vắng ai
Nên mắt lệ rơi hoài
Tuôn nước lũ chảy quanh
Ngập hồn, mưa chưa tạnh

Xin giữ nguyên tiếng khóc
Nao nức, nở niềm vui
Buồn, trả lại sợi tóc
Bạc, phơ phất ngậm ngùi

Vũ trụ sao đứng lì
Yên giấc ngủ ngàn canh
Nơi đây không thiếu gì
Chỉ còn thiếu mình anh

(Lời phóng tác của bài Il ne manquait que toi)

Kể từ khi Lara Fabian rời Canada trở về Bruxelles, thủ đô nước Bỉ để lập gia đình và sinh con, sự nghiệp của cô ca sĩ có dấu hiệu xuống dốc hẳn. Sau hơn một thập niên ăn khách trong làng nhạc Pháp (1994-2005), Lara Fabian gặp thất bại trong việc chinh phục thị trường Anh Mỹ với hai album tiếng Anh mà cô đã trình làng. Trong 5 năm trở lại đây, Lara chỉ ghi âm các bản cover chứ không có sáng tác mới bằng tiếng Pháp.

Có ý kiến cho rằng Lara đã lơ là thị trường Pháp, nhưng thật ra cô đã làm việc rất nhiều và bận rộn với các vòng lưu diễn ở Nam Mỹ, Brazil và Đông Âu. Bằng chứng là có một tập nhạc ghi âm bằng 4 thứ tiếng kể cả tiếng Pháp mà Lara đang rất ăn khách tại Nga và Ukraina. Mang tựa đề Mademoiselle Zhivago, album này đang được phóng tác và chuyển dịch sang tiếng Pháp, là cô ca sĩ hy vọng cho ra mắt vào cuối năm nay.

Về phần mình, thần tượng Vanessa Paradis tiếp tục tham gia vào nhiều dự án âm nhạc, trong đó có album của nhóm Nouvelle Vague. Gồm hai nhạc sĩ Marc Collin và Olivier Libaux, nhóm này chuyên cải biên các ca khúc ăn khách của làng nhạc pop rock quốc tế theo thể loại bossa nova (có nghĩa là Làn sóng mới, trong tiếng Pháp là Nouvelle Vague). Vanessa Paradis đã tham gia vào dự án này bằng cách ghi âm lại ca khúc Week end à Rome của Etienne Daho, song song với việc cho ra mắt tập nhạc live của cô mang tựa đề Une nuit à Versailles. Nhìn lại thì số lượng album cho ra mắt vào mùa này khá nhiều, nhưng có bội thu hay không là còn tùy vào sự hưởng ứng của khán thính giả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.