Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Bảo tàng Pouchkine tôn vinh thời trang Dior của Pháp

Đăng ngày:

Thời trang, nói theo người Pháp là Vương quốc phù du. Một sản phẩm càng chạy theo mốt chừng nào, càng dễ lỗi thời chừng nấy. Phá vỡ thông lệ, một số hãng thời trang lại vượt lên trên thời gian, biến sáng tạo khoảnh khắc phù phiếm thành vẻ đẹp trường tồn muôn thuở. Sau hiệu Chanel, viện bảo tàng Pouchkine của Nga chọn triển lãm về Dior, vì hiệu này nâng sản phẩm lên hàng nghệ thuật.

Các kiểu áo dạ hội thời trang Dior tại Pouchkine (Reuters)
Các kiểu áo dạ hội thời trang Dior tại Pouchkine (Reuters)
Quảng cáo

Viện bảo tàng Mỹ thuật Pouchkine của Nga nổi tiếng là một trong những không gian triển lãm lớn nhất châu Âu. Cũng như bảo tàng Louvre của Paris và Tate Gallery của Luân Đôn, Pouchkine hiện có trong kho lưu trữ hàng trăm ngàn tác phẩm đủ loại, trong đó chỉ có một phần mười mới được công chúng biết đến. Nhưng thay vì trưng bày cổ vật, viện bảo tàng của Nga lại gây bất ngờ khi chọn thời trang Christian Dior của Pháp làm chủ đề triển lãm.

Từ đây cho đến ngày 24 tháng 7, viện bảo tàng Pouchkine tại Matxcơva (Pushkin Fine Arts Museum trong tiếng Anh) giới thiệu hơn 100 sản phẩm của hiệu thời trang Dior. Một sự chọn lựa khá công phu bởi vì chỉ có các sản phẩm xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật, mới được đem ra trưng bày trước công chúng. Thông tín viên RFI Anastasia Becchio tại thủ đô nước Nga đã đi xem cuộc triển lãm này và gửi về bài phóng sự như sau.

Mục tiêu của cuộc triển lãm thời trang Dior tại viện bảo tàng Mỹ thuật Pouchkine (Pushkin Fine Arts Museum) là bắt nhịp cầu nối, tạo ra một cuộc đối thoại để đối chiếu nghệ thuật hội họa với thời trang hạng sang (haute couture). Chẳng hạn như cuộc triển lãm này cho thấy bức tranh nào của các danh họa Gustav Klimt và Amadeo Modigliani đã ảnh hưởng đến cách thiết kế y phục của Christian Dior. Viện bảo tàng Mỹ thuật Pouchkine lần này trưng bày khoảng 100 sản phẩm thời trang, trong đó phần lớn là các kiểu áo dạ hội đắt tiền, phần còn lại là các phụ kiện thời trang như ví tay, trang sức, mũ nón.

Ngoài ra còn có một gian triển lãm trưng bày các kiểu chai nước hoa nổi tiếng của hiệu thời trang này, từ những sản phẩm đầu tiên như Miss Dior (1947) hay Eau Sauvage (Nước hoang - 1966) cho đến những mùi hương gần đây hơn như Dune (Đồi cát – 1991), Tendre Poison (Thuốc độc ngọt ngào - 1994), và J’adore (Yêu tha thiết). Song song với các sản phẩm thời trang này là 60 bức tranh của các họa sĩ trứ danh như Matisse, Goya, Picasso, Klimt… Có thể nói là danh họa Modigliani là người đã ảnh hưởng mạnh nhất đến Christian Dior.

Sinh thời, ông cho biết là ông rất yêu chuộng bức tranh Nu couché (tạm dịch là Người đàn bà nằm khoả thân) của Modigliani, bởi vì chỉ chỉ cần vài nét phác họa, mà họa sĩ bậc thầy này lại lột tả được nữ tính tột cùng của người đàn bà qua những đường cong nẩy lửa. Gợi hứng từ bức tranh này, Dior thiết kế những kiểu áo dạ hội túm ở lưng, bó sát bờ vai nhưng lại rộng ở mông chủ yếu là để đề cao vẻ đẹp của phái nữ. Điều đó đặt nền tảng cho phong cách New Look, tiêu biểu cho thời trang Dior, từ những năm 1950 cho tới bây giờ.

Đeo đuổi hội họa, nào ngờ thời trang

Không phải ngẫu nhiên mà nhà may Christian Dior say mê nghệ thuật hội họa vì thời niên thiếu ông đeo đuổi giấc mơ trở thành họa sĩ, nhưng vì gia đình ông không cho phép, nên ông mới thi vào trường Science-Po (Viện Khoa học Chính trị). Đến khi trưởng thành và sau ngày thân phụ của ông qua đời, Christian Dior mới tìm cách nối lại với đam mê đầu đời. Thông tín viên Anastasia Becchio cho biết thêm.

Điều mà ít ai biết được là trước khi bước vào ngành thời trang hạng sang, Christian Dior đã tìm cách thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật của mình qua việc sưu tầm tranh và nhất là vào năm 23 tuổi, ông hùn vốn với một số người bạn để mở hai cửa hàng bán tranh. Tại Paris, ông là một trong những người đầu tiên trưng bày tại phòng triển lãm của mình các tác phẩm của Picasso, Miró và Giacometti. Tuy có năng khiếu vẽ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình cho nên Christian Dior không được đào tạo trong lãnh vực hội họa tới nơi tới chốn. Đổi lại, ông sẽ tận dụng cách vẽ trong cách thiết kế, đặc biệt là trong lối phác họa rất chi tiết các kiểu mẫu thời trang.

Trở lại với cuộc triển lãm tại Nga lần này, có thể nói là Viện bảo tàng Mỹ thuật Pouchkine là một không gian trưng bày lý tưởng. Pouchkine có lối kiến trúc tân cổ điển (néo-classique) với cầu thang lớn và hàng loạt cột đá hoa cương ngay từ cổng vào, vốn đã tráng lệ nguy nga, viện bảo tàng này còn cho gắn thêm ở đại sảnh nhiều tấm gương trên trần nhà và các kiểu áo dạ hội của Dior đều được lồng kính. Điều đó khiến cho cuộc triển lãm này thêm phần lộng lẫy bề thế.

Tâm trí phiêu lưu, hành trình bất động

Về phần mình, cô Florence Müller, giám đốc nghệ thuật và đồng thời là tác giả của quyển sách mang tựa đề Dior, l’inspiration (tạm dịch Dior, nguồn cảm hứng) cho biết từ đâu nảy sinh các ý tưởng sáng tạo của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Pháp.

Cuộc triển lãm này là một cuộc hành trình vào cõi mộng, vượt thời gian, ngược dòng lịch sử và xuyên qua các châu lục. Ý tưởng sáng tạo của Christian Dior không chỉ bắt nguồn từ những bức tranh của các danh họa mà ông hằng ngưỡng mộ, mà còn nảy sinh từ các cuộc gặp mặt với giới nghệ sĩ cùng thời cũng như từ các chuyến đi ra nước ngoài, lúc ông còn sống. Christian Dior là một người có tâm hồn lãng du, nơi đâu ông cũng có thể chọn làm nhà. Ông luôn hướng ra thế giới bên ngoài, cho nên ông không thich một cuộc sống khép kín. Đối với ông, hội họa là một cuộc hành trình bất động, thể xác không cần đi mà tâm trí vẫn phiêu lưu.

Còn các chuyến xuất ngoại là niềm hy vọng của các cuộc gặp gỡ bất ngờ. Tranh vẽ khoả thân của Modigliani đã giúp cho Dior định hướng các đường nét căn bản trong cách thiết kế trang phục của mình. Nhưng bên cạnh đó, loạt tranh của Picasso đã gợi hứng rất nhiều cho các bộ sưu tập thời trang với ảnh hưởng Tây Ban Nha. Các chuyến đi Nga hay Nhật cũng vậy. Christian Dior lúc nào cũng muốn đem những gì làm cho ông rung động vào trong y phục của mình. Nói cách khác, ông muốn dùng ngôn ngữ thời trang để tái tạo hay diễn đạt những cảm xúc bất chợt.

Ngôn ngữ thời trang tái tạo cảm xúc

Đây không phải là lần đầu tiên thời trang Dior được đem ra trưng bày tại một viện bảo tàng, bởi vì trước đó, đã từng có những cuộc triển lãm tương tự tại Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng theo lời cô Nathalie Crinière, thuộc ban tổ chức và cũng là người điều hành cách sắp đặt các tác phẩm được trưng bày, thì lần này, cuộc triển lãm về mặt diện tích cũng như số lượng tác phẩm, hoành tráng hơn trước rất nhiều.

Đối với một người chuyên dàn dựng triển lãm tại Paris, thì tôi rất vui khi biết rằng Viện bảo tàng Pouchkine của Nga chọn trưng bày thời trang Dior. Lúc đầu thì mừng nhưng sau đó lại lo, vì so với các viện bảo tàng khác, Pouchkine có một diện tích lớn gấp đôi. Khi làm việc với hiệu thời trang Dior để cùng chọn ra những tác phẩm xứng đáng được trưng bày, thì chúng tôi lại nhận thấy là chưa có đủ các tác phẩm quan trọng, đủ sức hấp dẫn người xem.

Cuộc triển lãm về thời trang Chanel vào năm 2007 cũng tại viện bảo tàng Pouchkine ở thủ đô Matxcơva cho thấy là người Nga đặc biệt quan tâm đến các kiểu áo dạ hội. Viện bảo tàng Pouchkine lại có lối kiến trúc tân cổ điển, tiêu biểu cho thế kỷ thứ 18, cho nên ban tổ chức phải chọn những bộ sưu tập của Dior gợi hứng từ các kiểu trang phục của thời này.

Vì thế cho nên, chúng tôi đã dựa vào tiêu chuẩn này và ngỏ lời mượn một số tác phẩm thời trang của Dior, hiện nằm trong tay của một sô viện bảo tàng nổi tiếng thế giới. Trong đó có Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Kyoto ở Nhật bản và Viện bảo tàng Metropolitan tại New York (Hoa Kỳ). Cuộc triển lãm vì vậy mà trở nên ngoạn mục, vì có rất nhiều tác phẩm hội tụ về cùng một nơi, trong đó có một số kiểu áo dạ hội thêu hoa, hiếm thấy vì ít khi nào được trưng bày.

Thiết kế may mặc : Vương quốc phù du 

Đây là lần thứ nhì, Viện bảo tàng Mỹ thuật Pouchkine chọn thời trang hạng sang của Pháp làm chủ đề triển lãm. Lần trước là vào năm 2007với hiệu thời trang Chanel, lần này là với Christian Dior. Theo thông tín viên Anastasia Becchio, người Nga thật sự mến mộ thời trang Pháp, bởi vì trong mắt họ, các kiểu áo dạ hội của Chanel hay Dior không chỉ đơn thuần là sản phẩm, mà đã được nâng lên hàng nghệ thuật.

Tại Nga, công chúng nhiệt tình hưởng ứng cuộc triển lãm này. Quầy bán vé vào cửa lúc nào cũng đông khách, ngay cả những ngày trong tuần. Còn khách nào muốn đi xem triển lãm vào lúc cuối tuần, thế nào họ cũng không tránh khỏi cảnh đứng xếp hàng. Đối tượng thích đến xem triển lãm chủ yếu là phái nữ khá trẻ tuổi. Trong số này, có các cô thuộc vào hàng gia đình giàu có, thích ăn diện cho nên việc mua sắm các đồ hiệu của Dior và Chanel không thành vấn đề. Nhưng phần lớn các bạn trẻ ở đây thường là sinh viên hay mới đi làm.

Khi được hỏi bạn có mua đồ hiệu chính gốc hay không, thì họ trả lời là họ không có đủ tiền trong túi, nhưng họ vẫn thích đi xem triển lãm, vì họ muốn biết thời trang Pháp là như thế nào, họ cũng thích ứng dụng một số ý tưởng vào trong cách ăn mặc thường ngày của họ. Một số phụ nữ lớn tuổi hơn thì cho biết họ vẫn còn nhớ các bài phóng sự truyền hình nói về Christian Dior, bởi vì vào năm 1959, ông là nhà thiết kế thời trang đầu tiên đến từ Tây Âu tổ chức biểu diễn thời trang tại thủ đô nước Nga để giới thiệu các kiểu y phục của mình.

Sau chuyến đi này, hiệu thời trang Dior đã thiết kế hai bộ sưu tập mùa đông và mùa hè, gợi hứng khá nhiều từ các kiểu áo truyền thống cũng như các bộ trang phục sân khấu của các đoàn múa ballet nổi tiếng của Nga. Nói tóm lại, cuộc triển lãm thời trang Dior tại Viện bảo tàng Pouchkine được xem như là một sự kiện văn hóa có tầm cỡ ở Nga. Bằng chứng là ngành truyền thông ở thủ đô đã dành khá nhiều phóng sự truyền thanh cũng như truyền hình về sự kiện này.

Sinh thời, nhà may Christian Dior nuôi mộng trở thành họa sĩ, nhưng do hoàn cảnh gia đình, cho nên giấc mơ thi vào trường hội họa lại không thành. Nhưng cuộc triển lãm của các tác phẩm của ông tại Viện bảo tàng Pouchkine cũng như sự kiện các viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới sưu tầm các sáng tác của ông có giá trị hơn tất cả các mảnh bằng cấp mà thuở thiếu thời, ông chưa có được. Người không được thi rốt cuộc cũng đậu vào trường Mỹ thuật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.