Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

The Artist : phim câm mà gây nhiều tiếng vang

Đăng ngày:

Vào thời đại của phim ba chiều (3D), của màn ảnh lớn tràn ngập kỹ xảo điện toán (CGI), việc thực hiện một bộ phim trắng đen và nhất là không có lời thoại chẳng khác gì một thách đố, một ý tưởng táo bạo nhen nhúm trong đầu của kẻ ngông cuồng. Sau 10 năm thai nghén, cuối cùng bộ phim The Artist vừa được trình làng, tạo bước đột phá bất ngờ, ngoạn mục.

The Artist từng có mặt trên bảng vàng Liên hoan Cannes 2011 (DR)
The Artist từng có mặt trên bảng vàng Liên hoan Cannes 2011 (DR)
Quảng cáo

Được cho ra mắt khán giả Pháp trong tuần này, tác phẩm The Artist (Nghệ sĩ) của đạo diễn Michel Hazanavicius được công chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan Cannes vào tháng 5 năm 2011. Vào lúc đó, bộ phim đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của ban giám khảo, của giới phê bình lẫn công chúng. Nhờ vào phim này mà vai chính là Jean Dujardin đã nhận được giải nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Cannes, nâng ngôi sao màn bạc Pháp lên hàng quốc tế.

Bộ phim câm The Artist là một cuộc hành trình ngược dòng thời gian đưa người xem trở về những năm 1920. Câu chuyện diễn ra tại Hollywood, vành nôi kỹ nghệ điện ảnh. Nhân vật chính là George Valentin, một diễn viên hàng đầu thành danh nhờ các bộ phim câm. Vóc dáng chải chuốt, tướng mạo bảnh bao, cặp mắt đa tình, râu mép tỉa gọn, nhân vật Valentin (xây dựng theo phong cách của Douglas Fairbanks và Rudolph Valentino) làm thổn thức hàng loạt con tim, điêu đứng tâm hồn phái nữ. Trong số những người ngưỡng mộ, có cô Peppy Miller (do Bérénice Bejo thủ vai), một diễn viên phụ nhưng về sau lại trở thành một ngôi sao màn bạc. Hai người tình cờ gặp nhau lần đầu vào năm 1927. Khúc rẽ của cuộc đời làm cho mỗi người chọn một con đường khác biệt trước khi tái ngộ vài năm sau đó.

Song hành đối nghịch : người sáng kẻ tối

Cốt truyện bộ phim diễn ra trong một giai đoạn ngắn, vào những năm cuối cùng thập niên 1920. Trong vương quốc điện ảnh, phim câm buộc phải nhường lại ngôi báu cho phim có thu thanh và tiếng nói. Cuộc hành trình băng qua sa mạc bắt đầu : sự nghiệp của diễn viên Valentin xuống dốc rõ rệt. Trong khi đó tên tuổi của Peppy, nhờ có chất giọng dễ thương và diện mạo xinh xắn lại lên như diều gặp gió. Giữa tiền tài và danh vọng, mối tình giữa hai nhân vật chính bị giằng co lôi kéo theo những bước thăng trầm của sự nghiệp. Bộ phim kết thúc có hậu nhờ biết bắt lại nhịp cầu nối giữa hai tâm hồn dị mộng. Màn song diễn thiết hài (tap dance), qua đó hai diễn viên múa cùng đôi, nhảy cùng nhịp cho thấy là hai trái tim rồi cũng hòa chung nhịp đập.

Bộ phim The Artist có sức thuyết phục nhờ biết diễn đạt cảm xúc của các nhân vật mà không cần lời thoại. Bộ phim vừa là một cuộc hành trình tìm lại quá khứ, đưa khán giả trở về thời kỳ vàng son của phim câm, nhưng đồng thời là một cuộc song hành đối nghịch giữa hai nhân vật chính : người lên tột đỉnh vinh quang, kẻ xuống vực sâu chạm đáy. Khán giả tinh tế có thể nhận thấy là để tạo ra nét tương phản giữa hai vầng trắng-đen, phương pháp định sáng trong phim The Artist, được nâng lên hàng nghệ thuật. Điều đó minh họa cho hai hành trình đảo ngược với thời gian : một bên hào quang ngời sáng, một bên chìm vào bóng tối.

Đó là về mặt nội dung, còn về mặt kỹ thuật, đạo diễn Michel Hazanavicius thành công khi biết tận dụng một thể loại bị xem như là lỗi thời (phim câm) nhưng với công cụ thời nay để kể một câu chuyện :  tuy xưa mà muôn thuở. Một mối tình lãng mạn minh họa bằng tiếng nhạc, bằng hình ảnh trắng đen, phim được quay theo khổ 4/3 và mỗi giây gồm 22 hình ảnh, khác với tiêu chuẩn làm phim hiện giờ là 16/9 và 24 hình ảnh mỗi giây.

Thể loại phim trắng đen có thể khiến cho người xem hơi ngại ngùng, nhưng The Artist không kén chọn khán giả. Phim có nhiều đoạn cảm động, tình huống gần gũi, dễ mềm lòng đại đa số người xem. Tuy chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo : ý tưởng ban đầu táo bạo, nhưng cách dựng truyện dễ hiểu, làm mất đi phần nào nét độc đáo. Nhưng nhìn chung, The Artist đủ sức hấp dẫn người xem. Những đoạn im lặng trong bộ phim trắng đen làm cho ta chợt hiểu là xã hội hiện đại tràn ngập những âm thanh và tiếng động tạp nhiễu, thế giới dày đặc những màn ảnh rực rỡ màu sắc nhưng lại làm cho ta càng thêm hoa mắt. Điều đó có thể giải thích vì sao tác phẩm The Artist, tuy là phim câm mà lại biết gây tiếng vang lớn.

Cũng như nam tài tử Jean Dujardin, nhà làm phim Michel Hazanavicius xuất thân từ ngành truyền hình, ban đầu là diễn viên trước khi chuyển sang làm đạo diễn. Ông thực hiện bộ phim truyện đầu tay cho màn ảnh lớn vào năm 2004 (Mes Amis - Những người bạn của tôi), rồi sau đó làm việc chung với Jean Dujardin trong vòng nhiều năm sau đó. Cặp bài trùng này liên tục đã cho ra mắt ba bộ phim, trong đó có tập phim gián điệp khôi hài OSS 117 (nhái lại phim điệp viên James Bond 007).

Về phần cuộn phim The Artist, kịch bản đã được viết cách đây 10 năm, nhưng dự án này đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí đầu tư. Ở trong tư thế của một người bơi ngược dòng, nhà làm phim đã tốn nhiều công sức nhưng vẫn không nản chí. Sự thành công của The Artist là một phần thưởng xứng đáng vì ông đã biết chọn cho mình một hướng riêng, cho dù có đi ngược lại với các xu hướng làm phim hiện giờ. Đạo diễn Michel Hazanavicius nói về quá trình thực hiện tác phẩm.

Nói chung, trước khi quay cuộn phim The Artist, tôi đã xem nhiều bộ phim câm để nắm bắt các nguyên tắc cơ bản dành riêng cho thể loại này. Do phim không có lời thoại, cho nên tôi phải tìm cách diễn đạt nội dung câu chuyện bằng những hình thức khác. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà cả đoàn làm phim đều đồng ý rằng rất khó thể nào mà quay đơn thuần một bộ phim hài : về mặt thời lượng, các bộ phim câm thời xưa không dài như phim truyện thời nay. Khán giả giờ đây cũng không còn thói quen xem phim trắng đen và nhất là không lời. Làm thế nào để dựng lên một câu chuyện, đầy đủ tình tiết hấp dẫn, hoàn cảnh éo le để có thể lôi cuốn người xem, từ đầu đến cuối. Do những ràng buộc đó, tôi mới quyết định thực hiện một phim tình cảm, bao gồm cả hai yếu tố bi lẫn hài, xen kẻ các pha hài hước vui nhộn, nhịp điệu nhanh mà vẫn nhẹ nhàng với những màn phim chậm rãi với không khí trầm lắng hơn để diễn đạt nội tâm các nhân vật.

Điều quan trọng đối với tôi là làm sao để cho bộ phim The Artist giống như một khúc biến tấu, một phóng tác gợi hứng từ các bộ phim xưa, chứ không phải là viền nét tô đậm như một bức vẽ biếm họa. Sự chọn lựa ngay từ ban đầu này dẫn đến hàng loạt quyết định khác : từ cách soạn nhạc nền để minh họa, cách dựng cảnh đặt khung ống kính và đặc biệt là cách dùng ánh sáng bởi vì đây là một bộ phim trắng đen. Trong giai đoạn tiền kỳ chúng tôi đã thử quay phim với nhiều vận tốc hình ảnh khác nhau. Các bộ phim câm thời xưa được quay với 20 hình ảnh mỗi giây, điều đó giải thích vì sao khi xem phim câm, khán giả có cảm tưởng là các nhân vật trong phim cử động một cách rất buồn cười. Ngược lại khi quay phim với 24 hình ảnh mỗi giây, bộ phim lại giống như các tác phẩm thời nay. Rốt cuộc tôi đã chọn quay phim với 22 hình ảnh mỗi giây, tốc độ của bộ phim tuy nhanh hơn nhưng không đến nỗi lố bịch, khôi hài như phim hề. Dù gì đi nữa, chỉ cần cốt truyện có đủ sức hấp dẫn, khán giả sẽ bị lôi cuốn ngay và không còn nhìn thấy các thủ pháp điện ảnh.

Sau khi đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Cannes 2011 nhờ vai chính trong phim The Artist, Jean Dujardin cho biết anh đã nhận được khá nhiều lời mời sang Hollywood đóng phim, nhưng theo anh, trước mắt anh vẫn còn nhiều dự án làm phim cần được hoàn tất. Riêng cho bộ phim The Artist, anh đã mất 5 tháng trời để dày công tập luyện môn nhảy thiết hài (tap dance), cũng trong khoảng thời gian này, anh cũng đã xem rất nhiều bộ phim câm. Diễn viên Jean Dujardin cho biết vì sao :

Tôi đã xem và khám phá rất nhiều bộ phim câm để chuẩn bị cho ngày bấm máy quay phim. Giai đoạn này đối với tôi y như là một khóa đào tạo nhiều hơn là ôn lại bài vở, vì có rất nhiều phim xưa tôi chưa từng được dịp xem qua. Chẳng hạn như các tác phẩm của Murnau, Lubistch, Borzage giúp cho tôi thấm nhuần không khí của các bộ phim thời trước. Còn về cách đóng phim, tôi gợi hứng nhiều hơn từ các diễn viên như Douglas Fairbanks hay Rudolph Valentino. Khi xem liên tục nhiều bộ phim như vậy, tôi mới cảm nhận được một điều : nhiều người tưởng rằng diễn viên phải cường điệu khi đóng phim câm. Theo tôi, không nhất thiết phải nhấn mạnh trên điệu bộ cử chỉ, mà là quan sát cho thật kỹ ngôn ngữ của cơ thể, để rồi từ đó tìm ra một tư thế gần sát với ý tứ, với cảm xúc mà ta muốn diễn đạt. Thời tôi mới vào nghề, tôi không hề được đào tạo bài bản qua trường lớp, mà chủ yếu rút kinh nghiệm từ việc lăn lộn với sàn diễn. Có nhiều điều mà diễn viên khi nhập vai có thể diễn đạt được mà không cần đến ngôn từ. Vả lại, phim câm không có nghĩa là trên màn ảnh, diễn viên không bao giờ hé miệng. Thật ra khi xem các bộ phim xưa, ta vẫn thấy các diễn viên vẫn đối thoại với nhau chỉ có điều là vào thời đó, không hề có chuyện ghi âm, và các lời thoại sau đó được minh họa trên màn ảnh bằng những tấm bảng chữ. Bộ phim The Artist cũng tuân thủ nguyên tắc này, kịch bản không hề có lời thoại nên khi đóng phim, tôi có thể nhép miệng hay nói tất cả những gì tôi muốn, miễn là nét mặt và điệu bộ hợp với tình huống trong phim.

Phim câm băng hà, phim tiếng đăng quang

Không phải ngẫu nhiên mà kịch bản chọn năm 1927 làm cột mốc cho bộ phim The Artist, vì vào thời điểm đó, lần đầu tiên có một bộ phim thu tiếng được cho ra mắt khán giả. Ngày trình làng bộ phim The Jazz Singer (tựa tiếng Pháp là Le Chanteur de Jazz) Nghệ sĩ nhạc jazz của đạo diễn Mỹ Alan Crosland, thay đổi hẳn cục diện của làng điện ảnh, đặt nền móng xây dựng nền công nghiệp giải trí. Ngày đăng quang của các bộ phim có thu tiếng cũng báo hiệu cho ngày lâm chung của các bộ phim câm. Nam diễn viên Jean Dujardin cho biết :

Sự xuất hiện của phim có thu tiếng hoàn toàn thay đổi số phận của nhân vật chính trong phim The Artist. Nhân vật George Valentin tiêu biểu cho tầng lớp các diễn viên trứ danh trong thời kỳ huy hoàng của phim câm, bị gạt ra bên lề nếu không nói là bị đào thải vì tài năng của họ không còn hợp với thời đại của phim thu tiếng. Nhân vật thứ hai quan trọng không kém là cô diễn viên Peppy Miller, ban đầu chỉ là diễn viên phụ nhưng nhờ sau đó lại trở thành ngôi sao điện ảnh nhờ đóng phim thu tiếng. Giữa hai nhân vật này sẽ nảy sinh một mối tình say đắm cho dù lòng tự ái của mỗi bên, cũng như tiền tài và sự cám dỗ của danh vọng tạo ra những cản lực và trở ngại khiến cho tình duyên của họ thêm trắc trở, ngang trái. Có người cho rằng bộ phim The Artist là một ẩn dụ nói lên những mặt trái của ngành công nghiệp giải trí thời nay, theo đó làng điện ảnh chẳng khác gì một thế giới thu nhỏ, hàm chứa tất cả các tình cảm mâu thuẫn trái ngược của con người. Trong mắt của đạo diễn đạo diễn Michel Hazanavicius, The Artist trước hết là một câu chuyện tình, tất cả các hoàn cảnh éo le trong phim tựa như những bài toán trắc nghiệm. Đọan cuối bộ phim cho thấy là chỉ có tình yêu thực thụ mới vượt qua được những thử thách đó.

The Artist là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu. Phong cách của các diễn viên gợi hứng từ những nhân vật có thật trong lịch sử điện ảnh như Rudolph Valentino (George Valentin) hay Louise Brooks (Peppy Miller), nhưng câu chuyện của họ thì lại hoàn toàn khác hẳn. Thế nhưng, liệu một câu chuyện như The Artist có thể xảy ra trong đời thường, trong bối cảnh của làng điện ảnh thời nay. Nam diễn viên Jean Dujardin nhận xét :

Trong nghề điện ảnh, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tôi không nghĩ là các diễn viên tựa như những chiếc khăn giấy, xài xong vứt liền. Nhưng điện ảnh phát triển và vận hành theo chu kỳ, tạo ra những trào lưu, lúc thịnh lúc suy. Đối với một diễn viên, điều khó nhất vẫn là làm sao để trụ lại được lâu, đi đúng hướng bằng cách chọn lựa các dự án quay phim hợp với mình, khó hơn nữa là họ biết từ chối một số dự án cho dù được trả tiền thù lao hậu hĩnh. Theo tôi, động lực thúc đẩy một người diễn viên là tâm huyết, là đam mê nghề nghiệp, chứ không thể đơn thuần là tiền bạc. Một diễn viên thành công nhờ một bộ phim không thể tiếp tục thủ diễn hoài một vai hay đóng lại những bộ phim tương tự, mà không khỏi bị gán ghép vào một hình ảnh duy nhất. Theo tôi nghĩ, diễn viên nên đóng nhiều kiểu phim khác nhau, để cho thấy nhiều khiá cạnh diễn xuất, cũng như cái khả năng nhập vai của họ biến đổi thích nghi theo từng dự án. Điều đó buộc diễn viên phải biết thay đổi hình ảnh, phong cách. Lẽ dĩ nhiên là khi một diễn viên càng có danh tiếng thì họ càng có nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng yếu tố quyết định ban đầu vẫn thuộc về chính bản thân họ, người diễn viên phải biết tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt, vì làng điện ảnh không thiếu gì các nhân tàì.

Phim câm không ngại hàng rào ngôn ngữ

Vào lúc mà kỹ nghệ điện ảnh chạy theo xu hướng sản xuất phim ba chiều (3D), cho ra mắt hàng loạt bộ phim với kinh phí cao, sự thành công của một phim câm tạo ra được một cú đột phá bất ngờ. Điều đó cho thấy là khán giả vẫn có nhu cầu xem những bộ phim gần gũi với thực tế đời thường. Do phim không có lời thoại nên The Artist lại càng dễ đem ra nước ngoài công chiếu, dễ xuất khẩu vì không còn bị cản trở bởi hàng rào ngôn ngữ. Nam diễn viên Jean Dujardin cho biết cảm nhận của anh :

Theo tôi, đạo diễn Michel Hazanavicius đã chọn đúng hướng đi. Sự thành công vượt bực của bộ phim Avatar đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành làm phim, từ đó trở đi người ta nói đến thời kỳ trước và sau Avatar, cung cách làm phim thay đổi hẳn. Đối với đạo diễn Michel Hazanavicius, dự án làm phim The Artist là một cách để nối lại với các nguyên tắc cơ bản của điện ảnh. Dự án quay một bộ phim câm, theo tôi nghĩ, sẽ khó được hoàn tất cách đây một thập niên, nhưng bây giờ lại là thời điểm thích hợp để thực hiện một cuộn phim như vậy. Dĩ nhiên là các hãng độc lập tiếp tục sản xuất các bộ phim mà không hề có kỹ xảo, nhưng đối với các hãng phim lớn, thì họ vẫn dựa vào nguồn kinh phí để sản xuất các bộ phim ‘‘đại trà’’, để đáp ứng thị hiếu của nhiều tầng lớp khán giả. Chỉ có điều là việc sử dụng rất nhiều kỹ xảo, cũng như việc sản xuất rất nhiều phim hành động khiến cho người xem có cảm tưởng là phim truyện mất đi tính chất ‘‘nhân bản’’, người ta có cảm tưởng là cách làm phim trở nên tự động, như thể được điều khiển bởi máy móc.

Bộ phim The Artist đặt trọng tâm vào nộii dung cốt truyện, cách tạo dựng nhân vật và các tình huống mà ta có thể bắt gặp trong đời thường. Một câu chuyện tình xuất phát từ đáy tim chân thành, tính chất gần gũi giúp cho người xem càng dễ đồng cảm. Do phim không có lời thoại, nên cảm xúc lại càng mạnh hơn. Tôi không nghĩ là khi quay bộ phim này, đạo diễn Michel Hazanavicius muốn đối đầu với các xu hướng làm phim thời nay. Bộ phim này đã được thực hiện vì ông muốn tìm cho mình một hướng đi riêng, một cách làm khác khi mượn lại ngôn ngữ hình ảnh của phim không lời. Qua tác phẩm này, ông muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với các đạo diễn bậc thầy như Billy Wilder hay Alfred Hitchcock, ban đầu vào nghề, họ cũng bắt đầu làm phim câm. The Artist vừa là một bộ phim tình cảm lãng mạn, vừa là một lời tỏ tình tha thiết của một đạo diễn đầy tâm huyết, với nghệ thuật thứ bảy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.