Vào nội dung chính
TIỂU VÙNG SÔNG MÊKÔNG

Cam Bốt muốn sông Mêkông trở thành trọng tâm phát triển toàn vùng

Tại Hội Nghị Tiểu vùng Sông Mêkông đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng thương mại Cam Bốt đã đề xuất ý kiến trên vào hôm nay, 20/08/2010 sau khi cho rằng các chương trình phát triển khu vực cho đến nay đã lơ là hẳn ‘’trái tim’’ của vùng là dòng sông Mêkông.

Cảnh trên sông Mêkông tại Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 19082010.
Cảnh trên sông Mêkông tại Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 19082010. Reuters
Quảng cáo

Theo ông Cham Pradish, các tuyến đường giao thông hay các ‘’hành lang kinh tế mà tiến trình xây dụng đã được thúc đẩy trong vùng từ gần 2 thập kỷ qua, thực ra chỉ là những mạch máu tỏa ra từ trái tim của khu vực là chính dòng Mêkông.

Vấn đề, theo bộ trưởng Cam Bốt, là các kế hoạch phát triển lại không chú ý đến phần trung tâm đó. Do vậy ông đề nghị các thành viên tham gia cơ chế Tiểu vùng Sông Mêkông chú ý nhiều hơn đến việc chăm lo cho con sông.

Xin nhắc lại Tiểu Vùng Sông Mêkông bao gồm 6 nước có dòng Mêkông chảy qua là vùng Vân Nam (Trung Quốc), Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Chương trình phát triển khu vực này đã được Ngân Hàng Phát Triển Châu Á khởi động từ 18 năm nay nhằm kết nối toàn khu vực để cùng nhau phát triển.

Theo đề nghị của Cam Bốt, dòng Mêkông cần được phát triển để trở thành trục vận chuyển đường sông để thúc đẩy thương mại, trong lúc đời sông cư dân hai bên sông cần phải được cải thiện. Nông nghiệp vùng lưu vực con sông cũng cần được phát triển sao cho phù hợp với hệ sinh thái đang thay đổi do hiện tượng biên đổi khí hậu.

Theo ghi nhận của AFP, trong các phát biểu khai mạc hội nghị Tiểu Vùng Sông Mêkông, ngoài Cam Bốt, chỉ có Thái Lan là cũng nhắc đến con sông Mêkông khi nêu bật nhu cầu « quản lý » dòng sông một cách tốt hơn.

Trong khi chờ đợi các nước có liên can xem xét đề nghị phát triển chính dòng sông, Hội nghị Tiểu vùng sông Mêkông hôm nay đã thông qua một kế hoạch được gọi là “táo bạo”, nhằm hình thành mang lưới đường xe lửa liên kết 300 triệu cư dân trong vùng.

Gọi là táo bạo vì hệ thống đường sắt hiện có tại các nước chưa kết nối được với nhau, ngoại trừ tuyến đường gắn Việt Nam với Trung Quốc, trong lúc nước Lào hoàn toàn không có mạng lưới xe lửa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.