Vào nội dung chính
MEKONG

Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan bất đồng với Lào về đập Don Sahong

Trong cuộc họp hôm qua, 16/01/2014 tại Viêng Chăng, đại diện của 4 nước thuộc Ủy hội sông Mêkông là Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan đã không nhất trí được với nhau về đề án của Lào, muốn xây thêm đập thủy điện thứ hai trên dòng chính con sông. Đó là đập Don Sahong, cách biên giới Cam Bốt khoảng 2 cây số, một công trình bị cho là sẽ gây hại đáng kể cho nguồn cá, đặc biệt tại hai nước nằm dưới con đập là Cam Bốt và Việt Nam.

Vị trí dự án đập Don Sahong, đập cuối cùng trong số các dự án đập trên dòng chính Mêkông ở Lào, giáp biên giới với Cam Bốt
Vị trí dự án đập Don Sahong, đập cuối cùng trong số các dự án đập trên dòng chính Mêkông ở Lào, giáp biên giới với Cam Bốt Photo International Rivers
Quảng cáo

Bất đồng ý kiến giữa các nước liên quan đến việc Lào có toàn quyền khởi sự công trình này hay không, hay là các nước thành viên khác cũng có quyền duyệt xét đề án này.

Vào tháng Chín vừa qua, Lào đã thông báo cho các thành viên khác trong Ủy hội sông Mêkông là Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan về quyết định cho xây đập thủy điện Don Sahong, với công suất 256 MW. Vấn đề đặt ra, là liệu Lào chỉ cần thông báo như trên, hay là phải trải qua một tiến trình tham vấn trước với các nước láng giềng. Các cuộc thảo luận vào hôm qua hoàn toàn bế tắc, do đó vấn đề sẽ được chuyển lên cấp bộ trưởng các nước để giải quyết, trong một cuộc họp sẽ được ấn định sau.

Theo Hiệp định về sông Mêkông năm 1995, mọi dự án xây đập trên dòng chính con sông cần phải qua một tiến trình tham vấn trước, để cho tất cả bốn thành viên của Ủy hội sông Mêkông đều có cơ hội phủ quyết đề án, nếu xét thấy việc xây dựng có hại cho sinh kế cư dân của mình.

Tuy nhiên, viện lẽ rằng con đập chỉ được xây dựng trên một trong những nhánh chính của sông Mêkông, chính quyền Lào đã cho rằng họ đã tuân thủ đầy đủ thủ tục khi thông báo cho Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam về kế hoạch của mình.

Đấy lại không phải là quan điểm của các nước khác trong Ủy hội, đặc biệt là của Cam Bốt, nước bị hại trực tiếp từ con đập. Tại cuộc họp, đại diện Phnom Penh đã yêu cầu Lào cung cấp thêm thông tin về tác động tiềm tàng của con đập đối với nghề cá, môi trường và an ninh lương thực.
Yêu cầu của Cam Bốt đã được đại diện của Thái Lan và Việt Nam tán đồng khi hai nước này cũng bày tỏ lo ngại về tác hại đến môi trường và kế sinh nhai cho hàng triệu người ở Cam Bốt, cũng như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam. Nỗi lo ngại này xuất phát từ việc sông Hou Sahong, nơi đặt đập Don Sahong, là đường di trú quanh năm của loài cá trên dòng Mêkông.

Lào đã bác bỏ những quan điểm lo ngại đó, cho rằng chỉ có một phần nhỏ của dòng chính sẽ được sử dụng, và mặc dù con đập sẽ được xây dựng trên sông Hou Sahong, cá vẫn có thể sử dụng các tuyến lân cận để di chuyển.

Giới bảo vệ môi trường lẽ dĩ nhiên đã cực lực phê phán lập luận của chính quyền Viêng Chăng. Theo bà Ame Trandem, Giám đốc Đông Nam Á của tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), tuyên bố của Lào rất « ngu xuẩn ».

Theo bà : « Đập Don Sahong được đặt ở một trong vị trí tồi tệ nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra, tại một nơi có mà các di cư trên sông đạt mật độ tối đa, vì thế, các tuyến di cư thiết yêu của cá có khả năng bị chặn ».

Đối với đại diện Sông ngòi Quốc tế, cho đến nay, khoa học chưa hề chứng minh được tính hiệu nghiệm của các biện pháp giảm tác hại của đập thủy điện do đó, nghề cá và an ninh lương thực của hàng triệu người sẽ bị đe dọa.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.