Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á - MÔI TRƯỜNG

Thủy điện Don Sahong đe dọa cá heo Mêkông và đời sống dân cư hạ lưu

Hôm qua, 20/02/2014, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) báo động dự án thủy điện Don Sahong tại nam Lào trên dòng Mêkông đe dọa làm tuyệt chủng loài cá heo quý Irrawady. WWF kêu gọi đình hoãn dự án. Don Sahong là một trong số 11 dự án đập thủy điện trên dòng chính Mêkông. Việc xây dựng các đập thủy điện đe dọa cuộc sống của 60 triệu cư dân sống dựa vào dòng sông này.

Một khúc Mê kông.
Một khúc Mê kông. DR
Quảng cáo

Dự án đập Don Sahong, được xây dựng ngay sát biên giới Cam Bốt, chỉ cách khu vực cư trú ưa thích của loài cá heo nước ngọt Irrawady khoảng một cây số. Hiện tại theo WWF, còn tổng cộng 85 cá thể cá heo Irrawady sống tại một đoạn sông dài khoảng 190 km, nằm vắt qua biên giới Lào-Cam Bốt.

Theo người phụ trách WWF tại Cam Bốt, ông Chhith Sam Ath, « nếu đập Don Sahong được xây dựng, thì loài cá heo Mêkông sẽ bị tuyệt chủng ». Ông cũng cho biết, « cá heo Irrawady rất quan trọng với Cam Bốt, chúng thu hút khách du lịch và đây là một kho báu của quốc gia ». 

Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại rằng đập Don Sahong sẽ chặn đường di cư của các loài cá, nguồn sống của cá heo Irrawady. Cũng theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, các thuốc nổ sử dụng để xây dựng con đập này có thể sẽ làm tổn hại các cơ quan thính giác rất nhạy cảm của loài cá heo, được chúng sử dụng để định hướng khi di chuyển.

Trước các đe dọa nhắm vào loài cá heo quý, cuối năm 2012, Cam Bốt đã phê chuẩn việc thành lập một khu bảo tồn riêng đối với loài cá này.

Don Sahong và 10 dự án đập khác trên Mêkông đe dọa cuộc sống của 60 triệu cư dân

Đập Don Sahong, với công suất dự kiến 260 megawat, đã được khởi công và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2018. Bị các quốc gia Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan phản đối, chính phủ Lào chấp nhận tiếp tục tham vấn các nước láng giềng, cho dù việc xây dựng đã bắt đầu.

Don Sahong được coi là yết hầu của dòng Mêkông. Theo các nhà bảo vệ môi trường, tài nguyên cá phong phú của Mêkông phụ thuộc nhiều vào việc cá có thể đi ngược lên thượng nguồn để đẻ trứng, mà đặc biệt thông qua ngả đường Don Sahong. Chặn đứng Don Sahong rất có thể sẽ làm cho nguồn cá Mêkông cạn kiệt.

Cùng với Xayaburi, đập thủy điện đầu tiên mà Lào bắt đầu khởi công từ cuối 2012, bất chấp các phản đối mạnh mẽ từ nhiều nước láng giềng và các tổ chức quốc tế (dù có chấp nhận điều chỉnh một phần dự án), đập Don Sahong và 9 dự án đập khác trên dòng Mêkông đe dọa cuộc sống của khoảng 60 triệu cư dân, từ bao đời nay sống dựa vào dòng sông như một nguồn thực phẩm, nguồn nước, phương tiện đi lại…

Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang, đồng bằng Mêkông (Việt Nam), nhận xét : 

01:34

Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang

« Cái này thì nhất định có ảnh hưởng rồi, vì can thiệp vào tự nhiên mà. Nhưng mà ảnh hưởng như thế nào, thì phải có một cái nghiên cứu, đánh giá tác động tương đối chính xác, để rồi có một thái độ ứng xử cho thích hợp. Tinh thần chung là vậy.

Còn về ảnh hưởng tôi cho là cũng khá nghiêm trọng, bởi vì nó sẽ tích nước, ảnh hưởng dòng chảy, rồi ảnh hưởng phù sa, ảnh hưởng thủy sản… Đặc biệt là tình hình Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thì khi tích nước, sẽ hạn chế xả nước vào mùa kiệt, sẽ khiến mặn xâm nhập vào mùa kiệt mạnh hơn nữa. Nói chung rất là nguy hiểm.

Cái này thì Việt Nam, Lào, Campuchia, nói chung là mấy nước trong Ủy ban sông Mêkông làm việc với nhau, có sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Chương trình này nói chung là lâu rồi, nhưng sự đồng thuận với nhau để xử lý những vấn đề cụ thể như vậy, thì trong thời gian vừa qua tôi thấy nhiều chuyện chưa giải quyết được. Trong đó có các thủy điện ở Lào, Campuchia, kể cả Thái Lan nữa.

Người dân ở Việt Nam nói chung, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long của tôi ở đây rất quan tâm đến vấn đề này. Cũng có chuyện không đồng tình là nếu ở trên thượng nguồn làm như vậy, kể cả bên Trung Quốc nữa, thì đều ảnh hưởng ở dưới này hết. Chúng tôi ở hạ lưu thì thấy rõ cái biến động của nó.

Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế, thông qua Liên Hiệp Quốc làm việc một cách tích cực và nghiêm túc hơn, thì các nước cũng nhận ra trách nhiệm của mình đối với vấn đề dòng sông là của chung, để có thái độ ứng xử phù hợp ».
 

Các tin bài liên quan

Lào sắp xây thêm đập trên dòng chính sông Mêkông

Thủy điện Don Sahong : Nguy cơ tan vỡ Hiệp ước Mêkông

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.