Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC - MÊKÔNG

Việt Nam nỗ lực đoàn kết láng giềng Mêkông để chống Trung Quốc

Nhiều thông tin gần đây cho rằng Hà Nội đã đưa các bệ phóng tên lửa đến khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Điều này có nghĩa là Việt Nam có khả năng tấn công các vùng đất đang có tranh chấp nhưng Trung Quốc đã bồi đắp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đi dạo dọc dòng sông Mêkông tại Luang Prabang (Lào), ngày 07/09/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đi dạo dọc dòng sông Mêkông tại Luang Prabang (Lào), ngày 07/09/2016. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Theo nhà phân tích chính trị Oliver Hensengerth, thuộc đại học Northumbria, Newcastle Anh Quốc, những sự kiện này xảy ra vào lúc tranh chấp lãnh thổ ngày càng thêm căng thẳng trong khu vực và do vậy, « Việt Nam nỗ lực đoàn kết láng giềng Mêkông để chống Trung Quốc ». Đây cũng là tựa bài viết đăng trên trang mạng The Conversation.com (07/09/2016).

Một báo cáo được Lầu Năm Góc công bố vào năm 2016 đã mô tả hoạt động của Trung Quốc bồi đắp 3.200 ha đất ở quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp, trên đó có phi đạo dài hơn 3.000 mét và các cảng lớn. Trung Quốc còn phát triển và củng cố các đảo ở Hoàng Sa, triển khai ở đó hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm. Các báo cáo tương tự của Mỹ vào năm 2015 cũng đã nêu chi tiết việc Trung Quốc bồi đắp 2.000 ha đất chỉ trong vòng 18 tháng như thế nào.

Các hoạt động này càng gây thêm lo ngại là Trung Quốc có thể đang chuẩn bị tuyên bố lập một “Vùng nhận dạng phòng không” (Air defence identification zone, ADIZ) trên Biển Đông để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng biển được Bắc Kinh tự khoanh trong bản đồ “đường chín đoạn”.

Việt Nam đã có động thái chống Trung Quốc sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Philippines, theo đó, những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Một mặt, chính phủ Trung Quốc bác bỏ những đòi hỏi của Philippines, cũng như phán quyết về tranh chấp của tòa án. Mặt khác, Bắc Kinh cáo buộc phán quyết của tòa bị tác động bởi lợi ích của chính sách ngoại giao của Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, có thể thấy trước là Bắc Kinh lên án và giờ đây từ chối tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài.

Để tạo được lực bẩy chống lại Trung Quốc, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tìm cách đa phương hóa vấn đề Biển Đông tại Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một khối ngoại giao gồm mười quốc gia trong khu vực. Chiến lược của Việt Nam là cố gắng tạo được một lập trường thống nhất của ASEAN để từ đó buộc Trung Quốc phải đàm phán chung các nước thành viên của hiệp hội.

Dĩ nhiên, chính phủ Trung Quốc từ chối điều này và chỉ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia ASEAN có lợi ích ở Biển Đông. Và cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ thách thức nghiêm trọng nào.

Nếu chia rẽ, ASEAN sẽ thất bại

ASEAN đã gặp khó khăn để có được một lập trường chung. Kết quả tốt nhất mà khối này đạt được là bản “Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông”, gọi tắt là DOC, với những lời lẽ mềm dẻo được ký từ năm 2002 giữa Trung Quốc và tất cả các thành viên ASEAN. Mười năm sau, các thành viên ASEAN và Trung Quốc ký Bản Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC. Thế nhưng, hai bên chưa bao giờ đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.

Một vài nước thành viên có vai trò « lớn » trong việc ngăn cản ASEAN đạt được đồng thuận. Tháng 07/2016, tại Hội nghị Ngoại tưởng ASEAN lần thứ 49 tại Vientiane, Lào, phái đoàn Cam Bốt đã ngăn chặn một bản tuyên bố chung về Biển Đông, mà trong đó không hề có bất kỳ lời lẽ nào kêu gọi tôn trọng thủ tục pháp luật và ngoại giao.

Ít nhất, đây là lần thứ ba Cam Bốt ngăn cản đạt được đồng thuận. Vào tháng 06/2016, sau Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc, Cam Bốt cùng với Lào và Miến Điện đã không ủng hộ bản tuyên bố cứng rắn của ASEAN về Biển Đông và chỉ chấp nhận một văn bản mới lời lẽ mềm mỏng. Sự phản đối của Cam Bốt đã được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2012 tại Phnom Penh, thủ đô của Cam Bốt, tranh luận giữa các quốc gia về việc giải quyết vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng đến mức hội nghị kết thúc mà không có một thông cáo chung nào - đây là lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN. Trong khi Việt Nam và Philippines muốn trong thông cáo chung có một đoạn nói đến các hành động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, thì nước chủ nhà Cam Bốt, đồng thời là chủ tịch luân phiên ASEAN, kiên quyết từ chối đưa điều này vào thông cáo.

Tại sao Cam Bốt lại làm như vậy? Như nhiều nhà quan sát và ngoại giao lo ngại, Phnom Penh đã bị Bắc Kinh mua chuộc. Không chỉ trở thành nhà tài trợ quan trọng cho các công trình hạ tầng tại Cam Bốt, Trung Quốc còn là “mạnh thường quân” ở Miến Điện và Lào.

Một nguyên nhân bất hòa quan trọng khác là đầu tư của Trung Quốc vào các đập thủy điện và nắm quyền kiểm soát đối với nguồn nước trên dòng sông Mêkông. Đây là mối bận tâm đặc biệt của Việt Nam vì nước này nằm ở hạ nguồn dòng sông và chỉ có đồng bằng trên lãnh thổ của mình. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Mêkông) là một trong những vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam và dĩ nhiên là phụ thuộc vào lưu lượng nước từ thượng nguồn. Việc xây dựng đập là một mối đe dọa trực tiếp đến nguồn cung cấp lương thực của Việt Nam.

Trước đó, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đập Mạn Loan (Manwan) ngăn ngang sông Lan Thương (tên gọi sông Mêkong trên lãnh thổ Trung Quốc) năm 1986, chính phủ Việt Nam đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh về sự nguy hiểm mà những con đập như trên gây ra cho khu vực đồng bằng, thế nhưng cho đến nay, nỗ lực của Việt Nam không mang lại kết quả. Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng các đập nước do họ xây dựng gây ảnh hưởng cho các vùng phía nam, thường là đồng bằng. Đồng thời, Bắc Kinh còn nhấn mạnh lưu lượng nước sông Mêkông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc chỉ chiếm 16% dòng chảy của con sông.

Việt Nam tìm ủng hộ của thế giới để đối chọi với Trung Quốc

Kết quả là Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Washington thường xuyên công khai chỉ trích chương trình xây đập thủy điện của Bắc Kinh.

Tháng 07/2012, bà Hillary Clinton, khi đó là ngoại trưởng Mỹ, đã có chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam, Campuchia và Lào với mục đích quảng bá chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền tổng thống Barack Obama. Tại Lào, bà Clinton thảo luận về kế hoạch xây dựng đập Xayaburi vốn gây nhiều tranh cãi. Dự án này được một công ty của Thái Lan tài trợ và thực hiện. Đây là công trình đầu tiên trên sông Mêkông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Các lợi ích của Mỹ đối với khu vực còn được thể hiện trên nhiều mặt khác nhau. Hoa Kỳ có thể tăng cường sức mạnh của mình thông qua “Sáng Kiến Hạ Mêkông”, xây dựng quan hệ đối tác với Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến mối quan hệ giữa Ủy Ban Sông Mêkông và Ủy Ban Sông Mississippi được thiết lập từ năm 2010, cũng như nâng cấp Đối thoại Song phương Toàn diện Mỹ-Lào. Nhưng quan trọng nhất, phải kể đến tầu của Hải Quân Mỹ vẫn nhiều lần cập cảng thăm Việt Nam mỗi năm.

Vì vậy, những tranh chấp về quyền lực và tài nguyên không chỉ diễn ra trong khu vực Biển Đông mà còn được thể hiện trong đường lối về chính sách tài nguyên chung tại lưu vực sông Mêkông. Vì những lẽ đó, giờ đây, Hoa Kỳ đang đối mặt với các thách thức ngoại giao và quân sự, còn Trung Quốc thì không hề ở thế phòng thủ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.