Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trung Quốc nhượng bộ trên mực nước sông Mêkông

Đăng ngày:

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Ủy hội sông Mêkông tổ chức tại Thái Lan diễn ra trong bối cảnh mực nước sông Mêkông đã xuống đến mức thấp nhất kể từ 20 năm qua. Hàng chục triệu người sống phụ thuộc vào con sông này bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hạn hán hay đập thủy điện của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nói trên ? RFI phỏng vấn chuyên gia Môi trường, Nguyễn Đức Hiệp. 

Quảng cáo

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Ủy hội sông Mêkông sẽ diễn ra trong tuần này từ 2 đến 5/4 tại thành phố Hua Hin của Thái Lan. Uỷ hội này được thành lập cách đây 15 năm, quy tụ bốn nước hạ nguồn sông Mêkông, gồm Việt Nam, Thái Lan, Cam Bốt và Lào.

Nhưng tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Uỷ hội, Trung Quốc và Miến Điện, hai nước khác có chung dòng sông Mêkông cũng sẽ tham dự với tư cách quan sát viên.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh mà mực nước sông Mêkông đã xuống đến mức thấp nhất kể từ 20 năm qua, làm đình trệ các hoạt động thông đường thủy, ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống tưới tiêu và dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người sống phụ thuộc vào con sông này.

Theo Uỷ hội sông Mêkông, bị tác động nặng nề nhất là miền Bắc Thái Lan, Bắc Lào và Nam Trung Quốc.

Đời sống dân chài trên sông Mêkông
Đời sống dân chài trên sông Mêkông RFI ghép hình

Riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mà hiện cũng đang trải qua mùa khô hạn đến sớm hơn và kéo dài hơn mọi năm, nông dân đang phải đối phó với tình trạng ngập mặn ngày càng nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến vụ mùa của vùng được coi là vựa thóc lớn nhất của Việt Nam.

Theo Uỷ hội sông Mêkông, nguyên nhân chính của tình trạng mực nước sông Mêkông xuống đến mức kỷ lục là do hạn hán, chỉ có một phần nguyên nhân là do các con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn.

Thế nhưng, các tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan vẫn cho rằng chính các con đập của Trung Quốc đã khiến mực nước sông Mêkông xuống thấp như thế. Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn trên vấn đề quản lý nước trong mùa khô hạn.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn bác bỏ mọi trách nhiệm trên vấn đề mực nước sông Mêkông, nhưng theo thông báo của Uỷ hội sông Mêkông hôm thứ 5 vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp các dữ liệu thủy văn từ hai đập Cảnh Hồng và Mạn Loan của nước này trên thượng nguồn sông Mêkông.

Trong bản thông cáo, ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Uỷ hội sông Mêkông cho rằng quyết định của Bắc Kinh "sẽ giải tỏa mọi sự mập mờ trên vấn đề này và tạo thêm sự tin cậy cần thiết để giải quyết các vấn đề khác đang đặt ra cho các nước lưu vực sông Mêkông, như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu"

Còn Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của Thái Lan, Suwit Khunkitti, thì ca ngợi đây là "một thắng lợi lịch sử" kể từ khi thành lập Uỷ hội sông Mêkông cách đây 15 năm.

Theo báo chí Thái Lan, việc Bắc Kinh đồng ý cung cấp dữ liệu về mực nước sông Mêkông là kết quả cuộc hội đàm giữa một trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc với thủ tướng Abhisit Vejjajiva trong tháng này. Thật ra thì chính phủ Bangkok đã phải thái độ kiên quyết với Trung Quốc dưới áp lực của các tổ chức phi chính phủ hay nói đúng hơn là của dư luận Thái Lan.
Về vấn đề này, RFI đã phỏng vấn chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp, thuộc trường đại học New South Wales, Úc.

08:58

Phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp

Tuy Trung Quốc đã nhượng bộ phần nào, nhưng song song với hội nghị thượng đỉnh Hua Hin, những nhà hoạt động bảo vệ sông Mêkông ở Thái Lan dự trù tổ chức một diễn đàn để thảo luận về khủng hoảng nước.

Ngay sau diễn đàn này, họ sẽ chuyển đến đại sứ Trung Quốc tại Bangkok một bức thư kêu gọi Bắc Kinh phải đảm nhận trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến nước mà các quốc gia hạ nguồn sông Mêkông đang phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, người dân thành phố Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan dự trù sẽ biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Bangkok vào tháng tới. Cuộc biểu tình này cho thấy là người dân các vùng hạ nguồn sông Mêkông kể từ nay đang lên tiếng ngày càng mạnh về tác động mà họ phải gánh chịu từ các đập của Trung Quốc.

Một nhóm 100 dân làng ở huyện Chiang Khong vào tháng tới sẽ gởi cho Tòa đại sứ Trung Quốc để đòi bồi thường thiệt hại cho trận lụt năm 2008, mà nguyên nhân, theo họ cũng là do các con đập của Trung Quốc.

Nhưng ngoài việc cung cấp các dữ liệu về mực nước, theo hãng tin Reuters, chắc là Trung Quốc sẽ không có một nhân nhượng nào khác, cụ thể là sẽ không xả nước từ các đập thủy điện mới được xây gần đây.

Theo tờ The Bangkok Post, vào tháng trước, chính quyền tỉnh Chiang Rai của Thái Lan đã viết thư cho tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam yêu cầu xả nước từ các đập của Trung Quốc, nhưng tỉnh trưởng Vân Nam đã từ chối, với lý do là họ phải giữ nước cho nông nghiệp trong mùa khô hạn. Đúng là ở miền Tây Nam Trung Quốc hiện nay đang trải qua một cơn hạn hán tệ hại nhất từ một thế kỷ qua, làm tiêu tan mùa màng, khiến giá cả tăng vọt và khiến tình trạng khan hiếm nước càng thêm trầm trọng.

Nói chung, 188 triệu dân Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả của nạn hạn hán lần này.

Nhưng ít ra, người dân ở Thái Lan còn có quyền phản đối hoặc trực tiếp gởi kiến nghị cho Trung Quốc, trong khi tại Việt Nam, chỉ trích Trung Quốc hoặc biểu tình phản đối Trung Quốc có thể bị xem vi phạm luật pháp.

Theo báo chí trong nước, bên lề cuộc họp thượng đỉnh Uỷ hội sông Mêkông, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp Bộ trưởng Tài nguyên nước của Trung Quốc để bàn về vấn đề sông Mêkông. Liệu ông Dũng có thể thuyết phục phía Trung Quốc được chuyện gì hay không, hãy chờ xem. Nhưng chắc chắn là tiếng nói của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể đến được tới Bắc Kinh.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.