Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC- BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc điều tàu tuần tra tới khu vực Trường Sa

Theo Bắc Kinh, việc tuần tra khu vực gần quần đảo Nam Sa - (theo tên gọi của Việt Nam là Trường Sa) nhằm chống cướp biển, bảo vệ « hoạt động sản xuất và cuộc sống của ngư dân Trung Quốc ». Công việc tuần tra được dự kiến là một tháng nhưng có thể kéo dài. Trong hai tầu tuần tra có một tàu chiến được chuyển đổi thành tàu ngư chính, có tốc độ cao và trọng tải 4450 tấn.

Hải quân Trung Quốc biểu dương lực lượng
Hải quân Trung Quốc biểu dương lực lượng REUTERS
Quảng cáo

Hôm qua, 01/04/2010, Trung Quốc đã điều hai tàu ngư chính đến vùng Biển Đông nhằm tăng cường hoạt động tuần tra. Theo China News Service, hai tàu ngư chính đã rời cảng ở phía nam đảo Hải Nam để đến khu vực gần quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, tên quốc tế là Spratley. Nơi đây đang có tranh chấp chủ quyền giữa một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei.

Theo các quan chức Trung Quốc, thì việc tuần tra khu vực gần quần đảo Nam Sa nhằm chống cướp biển, bảo vệ « hoạt động sản xuất và cuộc sống của ngư dân Trung Quốc ». Bắc Kinh cho biết công việc tuần tra được dự kiến ban đầu là một tháng nhưng có thể kéo dài. Trong hai tầu tuần tra có một tàu chiến được chuyển đổi thành tàu ngư chính, có tốc độ cao và trọng tải 4450 tấn.

Trung Quốc nói rằng tại vùng biển gần Trường Sa, từ năm 1994 đến nay, tàu đánh cá và ngư dân Trung Quốc đã bị tấn công hoặc bắt giữ tới 300 lần, làm 25 ngư dân Trung Quốc thiệt mạng và 1800 người bị giam giữ.

Trung Quốc điều thêm tàu tăng cường tuần tra vùng quần đảo Trường Sa trong bối cảnh hôm thứ ba vừa qua, chính quyền Hà Nội đã phản đối Bắc Kinh bắt giữ một tàu và 12 ngư dân Việt Nam, từ ngày 22/03, trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, tên quốc tế là Paracel. Trong năm qua, Việt Nam đã nhiều lần tố cáo Trung Quốc bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam, đòi tiền chuộc. Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý và bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974.

Căng thẳng do tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông đã gia tăng kể từ tháng 5/2009, sau khi các nước trong khu vực nộp hồ sơ đăng ký yêu sách về thềm lục địa với Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển, UNCLOS. Trong cuộc hội thảo quốc tế về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, được tổ chức vào tháng 11/2009 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng các tranh chấp nào có thể còn kéo dài nhiều thập niên.

Vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều tiềm năng về hải sản, nhiên liệu và có tầm quan trọng chiến lược kiểm soát giao thông hàng hải trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.