Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Quân đội đặt mua 6 thủy phi cơ Twin Otter của Canada

Lần đầu tiên, bộ Quốc phòng Việt Nam đặt mua máy bay do phương Tây chế tạo, đó là loại thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter Series 400 do tập đoàn Canada Viking Air chế tạo. Máy bay được thiết kế để phục vụ cho các hoạt động trên biển và sẽ trở thành lực lượng không quân đầu tiên của hải quân Việt Nam.

Thủy phi cơ Twin Otter
Thủy phi cơ Twin Otter Ảnh : vikingair.com
Quảng cáo

Theo báo trên mạng Times Colonist, ngày hôm qua, tập đoàn chế tạo máy bay Canada Viking Air cho biết là trong tuần qua đã hoàn tất thỏa thuận bán 6 thủy phi cơ Twin Otter cho bộ Quốc phòng Việt Nam, trị giá mỗi chiếc là 5 triệu đô la Canada.

Đây là lần đầu tiên, bộ Quốc phòng Việt Nam đặt mua máy bay do phương Tây chế tạo, đó là loại thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter Series 400 được thiết kế để phục vụ cho các hoạt động trên biển và sẽ trở thành lực lượng không quân đầu tiên của hải quân Việt Nam.

Giới phi công quốc tế đánh giá cao thủy phi cơ Twin Otter về độ bền chắc và khả năng hạ cánh trên phi đạo rất ngắn.

Theo tập đoàn Viking, các máy bay nói trên sẽ được giao cho Việt Nam trong thời gian từ 2012 đến 2014.
Công ty Pacific Sky Aviation, một chi nhánh thuộc tập đoàn Viking, đặt tại sân bay quốc tế Victoria sẽ chịu trách nhiệm về đào tạo kỹ thuật và huấn luyện bay.

Đầu năm nay, trang web của nhật báo Singapor The Straits Times cho biết là quân đội Việt Nam mua thủy phi cơ Twin Otter để phục vụ cho các cuộc tuần tra của hải quân Việt Nam. Các phi cơ được trang bị radar và sẽ hỗ trợ cho hạm đội 6 tàu ngầm hạng Kilo do Nga chế tạo mà Việt Nam đã đặt mua hồi tháng 12 năm ngoái.

Việt Nam đặt mua tàu ngầm, thủy phi cơ trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động tại Biển Đông, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam luôn luôn khẳng định có "chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Xin nhắc lại là vào tháng giêng năm 1974, hải quân Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Còn quần đảo Trường Sa hiện đang có tranh chấp về chủ quyền giữa 6 quốc gia và lãnh thổ, đó là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.