Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Vấn đề hòa giải giữa người Việt với nhau vẫn còn đặt ra

Vào đầu tháng sáu, tại Kim Bôi (Hòa Bình) đã diễn ra Hội thảo Văn học Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh. Đây là hoạt động giao lưu giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam, do Trung tâm William Joiner thuộc trường đại học Mỹ Massachusetts phối hợp với Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức. Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Mỹ Việt đã cùng ôn lại những ký ức chiến tranh, và bày tỏ những cảm thông, cũng như hy vọng về một sự hợp tác trong tương lai.

Cờ Mỹ-Việt cạnh nhau đánh dấu tiến trình hòa giải giữa hai bên
Cờ Mỹ-Việt cạnh nhau đánh dấu tiến trình hòa giải giữa hai bên Reuters
Quảng cáo

Cuộc hội thảo đã khơi lên một suy nghĩ: Đã có tiến hành hòa giải Mỹ - Việt, tại sao không thể hòa giải giữa người Việt với nhau ?

08:18

Đạo diễn Trần Văn Thủy tại Hà Nội

Thụy My

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, đạo diễn Trần Văn Thủy, vốn là phóng viên chiến trường trước đây, đã cho biết những cảm nhận của mình qua hội thảo.

Tôi cám ơn chị và các anh chị em ở đài RFI. Chúng ta đã biết nhau từ lâu rồi nhưng mà giờ đây mới có dịp để chúng ta trở lại chuyện trò với nhau. Hội thảo này thì tôi thấy có đặc điểm như thế này. Tôi cũng đã được tham dự nhiều hội thảo về nghề nghiêp tức điện ảnh, rồi về khoa học xã hội, về hậu quả chiến tranh ở VN cũng như ở Mỹ, nhưng tôi phải nói thành thật là chưa thấy hội thảo nào mà ấm áp, đầy tình người, tự nguyện và hồn nhiên như hội thảo vừa xảy ra mà tôi được tham dự.
Cá nhân tôi, trong thời gian chiến tranh mà cầm máy quay phim đi dưới bom đạn như thế thì cái điều ám ảnh tôi nhiều nhất cho đến bây giờ là trực thăng của quân đội Mỹ. Chưa hẳn là bộ binh hoặc canon hay B52 ; tôi sợ hãi trực thăng khi nó quần đảo trên đầu mình và nó săn tìm. Thế nhưng sau này trong những lần gặp gỡ để cộng tác làm phim thì tôi gặp lại một cựu chiến binh Mỹ, anh đó tên là Wayne Karlin, đã từng sử dụng súng trực thăng để bắn trực tiếp xuống đất, cũng vào một thời điểm, thời gian đấy chúng tôi đều có mặt ở chiến trường đó ở hai chiến tuyến khác nhau.

Khi mà chúng tôi gặp lại nhau, nhận diện ra nhau thì chúng tôi đã thông cảm, đã trở thành bạn bè và anh đã đến Việt Nam rất nhiều lần, tham gia những công việc hết sức khác nhau. Có lần thì chúng tôi cùng nhau dẫn 17 sinh viên điện ảnh của Mỹ đi xuyên Việt để tìm hiểu quá khứ ngày xưa của cha ông họ, hiểu những gì đã xảy ra trên mảnh đất Việt Nam này. Đó là những sinh viên học làm phim tài liệu ở trường đại học New York. Họ đã đi Cồn Tiên, Gio Linh, Dốc Miếu, rồi đi Quảng Trị, vào Mỹ Lai, đến Củ Chi…Kỷ niệm ấy không thể quên được vì các bạn trẻ Mỹ đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng hết sức đặc biệt.

Một hội thảo đầy ắp tình người

Trở lại đề tài về hội thảo này, tôi muốn nói với các bạn rằng nó diễn ra một cách cực kỳ hồn nhiên, không nằm trong khuôn khổ. Đáng lẽ ra nếu hội thảo về văn học thì có thể là của Hội Nhà văn, nếu mà nói về đối ngoại thì có thể nói là của Bộ Ngoại giao, nếu về cựu chiến binh thì thuộc bên quân đội. Nhưng hội thảo này chính do một số anh em đã từng đi nghiên cứu ở William Joiner Center về đề xuất ra. Người sốt sắng nhất, có công lao, tâm huyết nhất và đã thực hiện một cách xuất sắc ý tưởng tổ chức hội thảo này là nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Chúng tôi nghĩ là hội thảo này diễn ra điều rất là thích thú là nó rất là hồn nhiên, từ trái tim con người với con người. Đặc biệt là những lúc chúng tôi trò chuyện, phát biểu, đốt lửa trại, tham gia những tiết mục văn nghệ, hát cho nhau nghe, đọc thơ cho nhau nghe…thì phải nói rất là xúc động.

Về Trung tâm Joiner Center này thì phải nói rằng, họ đã thành lập đến bây giờ là 28 năm rồi. Bởi vì năm 2002 tại Boston tôi có dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trung tâm này. Thì tôi mới thấy trung tâm này không phải xuất phát từ một số đơn lẻ, cá biệt các cựu chiến binh Mỹ, mà lễ kỷ niệm 20 năm này rất nhiều trí thức lớn của Mỹ, nhiều cựu chiến binh Mỹ, và đặc biệt có sự hiện diện của ông John Kerry là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, và ông đã phát biểu những điều rất xúc động. Tôi chỉ ngồi cách ông John Kerry có một bàn, và đã thấy được nhiệt tình của ông cũng như các trí thức, các cựu chiến binh Mỹ.

Trong một hoạt động mang tính chất phi chính phủ như vậy thì sự đóng góp của các nhà tài trợ rất là quan trọng. Tôi không biết là bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu cá nhân tài trợ cho William Joiner Center để tiến hành nghiên cứu về hậu quả sau chiến tranh Việt Nam. Nhưng thời gian mà tôi sang thực hiện chương trình nghiên cứu ở Mỹ là do Rockerfeller tài trợ. Như vậy đây không phải do cá nhân đơn lẻ một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, mà là một trong những hoạt động mang tính chất văn hóa của nước Mỹ, được sự ủng hộ đông đảo của những người có trách nhiệm, các cựu quân nhân, nhà tài trợ...

Bao giờ mới có được sự hòa giải giữa người Việt với người Việt ?

Hội thảo trên đây đặt ra vấn đề thế này : việc hòa hợp hòa giải giữa người Việt và người Mỹ sau chiến tranh đã đi đến đâu, và tình hình như thế nào. Phải nói rằng hầu hết đã nhận thấy một điều là mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là giữa các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam thì phải nói là…Người Việt Nam có câu trong cái họa có cái phúc. Chẳng ai muốn có chiến tranh cả, nhưng chiến tranh lỡ xảy ra rồi. Bây giờ nhận diện nhau, nhìn nhau bỗng dưng lại thấy thương nhau và lại trở thành bạn bè, lại lo cho nhau. Các cựu chiến binh Mỹ đã từng đến Việt Nam tham dự các hoạt động, thăm hỏi, đến nhà bạn bè Việt Nam để dự những tang ma của thân nhân bạn bè mình ở Việt Nam, dự những lễ cưới…sống như bạn bè chân tình vậy. Thì tự nhiên bỗng dưng người ta đặt ra một câu hỏi rất lớn là, thế thì bây giờ sự hòa hợp giữa người Việt với người Việt ra sao ?

Trong hội thảo vừa rồi, tôi là người được phát biểu sau cùng, và với thời gian cũng rất hạn hẹp. Tôi cũng không hiểu tại sao khi tôi phát biểu được khoảng mươi, mười lăm phút thì có ý kiến của chủ tịch đoàn ra dấu hiệu là thời gian không còn nhiều, tôi phải rút ngắn bài phát biểu của tôi đi. Thế nhưng tôi rất quan tâm đến vấn đề hòa hợp giữa người Việt với người Mỹ bởi vì chính cái đợt William Joiner mời tôi qua Mỹ để nghiên cứu về cộng đồng người Việt, tôi đã thấy một thực tế không thể quay lưng lại được. Đó là vấn đề cách đối xử, quan hệ giữa người Việt với người Việt sau chiến tranh thì phải nên như thế nào.
Chuyện này dài, nếu nói đầy đủ những gì tôi đã từng chiêm nghiệm, từng quan sát thấy thì không có thì giờ, tôi chỉ có thể nói một cách vắn tắt thôi. Trong bài phát biểu của tôi, đến phần cuối cùng tôi có nói như thế này.

« Thưa các bạn trẻ, trong hội trường của chúng ta ngày hôm nay, số lượng các bạn trẻ là sinh viên khoa Văn của trường đại học Văn hóa Hà Nội tới đây rất là đông. Các bạn là tương lai, cho tôi được đối thoại với tương lai. Tất cả những tham luận trước không đề cập đến vai trò của các bạn trong hội thảo này. Tôi muốn nói với các bạn rằng, vấn đề hòa hợp giữa người Việt và người Mỹ thì coi như đã xong, cái kết rất có hậu. Nhưng cái gánh nặng để hòa hợp hòa giải giữa người Việt với người Việt thì hình như đến thế hệ các bạn vẫn phải lo. Mà cái chuyện này nó dài, các bạn sẽ có thời gian để tìm hiểu một cách thấu đáo một cách khách quan, một cách chân thành. Nhưng theo thiển ý của tôi, bằng vào những va chạm và sự hiểu biết của tôi, thì tôi thấy để tiến tới được việc hòa hợp hòa giải giữa người Việt trong nước và người Việt ngoài nước, thậm chí cả người Việt trong nước với nhau, thì có lẽ cũng phải đặt trên những cơ sở, những nguyên tắc nào đó, những định hướng nào đó thì mới trở thành hiện thực được.

Có thể có những góc nhìn khác nhau : góc nhìn của người ở hải ngoại, của những người trong nước, góc nhìn của những người cầm quyền, góc độ của những người không có quyền, những người bình dân, góc độ của những người trí thức…Nhưng theo thiển ý của tôi, theo sự hiểu biết rất sơ sài và ít ỏi của tôi, thì tôi nghĩ rằng có lẽ có hai nguyên tắc chính để đi tới sự hòa hợp hòa giải.

Chấp nhận sự khác biệt, công bằng và minh bạch với quá khứ

Nguyên tắc thứ nhất mà tôi nghĩ rằng rất quan trọng là phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt thì mới có thể có sự hòa hợp hòa giải thực sự. Và nếu không chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt thì không bao giờ đi đến sự hòa hợp hòa giải cả. Đây là vấn đề khoa học, chứ không phải là vấn đề lập trường quan điểm hay tư tưởng.

Điều thứ hai mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng, mà kinh nghiệm này thì chúng ta thấy tình hình thế giới diễn ra như bây giờ, thấy sự hòa hợp hòa giải giữa Đông và Tây Đức, và của chính nước Mỹ sau cuộc nội chiến năm 1860 – 1865, thì có lẽ là chúng ta phải đặc biệt công bằng và minh bạch với quá khứ. Nếu như chúng ta biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt rồi, mà chúng ta không công bằng và không minh bạch với quá khứ, thì chắc chắn là cũng không thể dẫn đến sự hòa giải thực sự bền vững được. Có lẽ đấy là những điều căn bản nhất mà tôi tâm niệm, tôi rất là tha thiết và cũng đã trình bày điều đó trước cuộc hội thảo này.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói như thế này. Tôi có nói với các bạn trẻ trong hội thảo đó là thưa các bạn, tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Bởi thế chúng ta phải đặc biệt coi trọng đời sống tinh thần của một dân tộc ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.