Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Nạn cúp điện gây bất bình ở Việt Nam

Báo Libération hôm nay nhìn sang Việt Nam, quan tâm đến một sự kiện đang gây bất bình trong dân chúng và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đó là : nạn cúp điện. Tác giả bài báo, Hervé Lisandre, cho biết là tình hình cúp điện liên tục đã kéo dài ba tháng nay.

Các bạn trẻ Hà Nội thắp nến nhân dịp Giờ Trái Đất.
Các bạn trẻ Hà Nội thắp nến nhân dịp Giờ Trái Đất. Ảnh: Nguyễn Hưng Hải
Quảng cáo

Cúp điện không báo trước, hoạt động kinh tế bị đình trệ : nơi này thì nhà máy ngưng hoạt động, nơi kia thì nông dân không thể bom nươc vào ruộng đồng. Những người trong ngành dệt may đã than phiền là họ bị thua thiệt đến hơn 300 triệu đô la.

Bài báo nêu nguyên nhân khách quan gây ra tình hình thiếu điện hiện nay, giải thích cặn kẽ đó là do nạn hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy từ 50 năm qua. Mùa mưa lại đến trễ, mực nước sông xuống thấp, các trung tâm thủy điện vốn cung cấp 1/3 điện tiêu xài, hoạt động chậm hẳn lại. Trong khi đó thì nhu cầu điện của Việt Nam dự kiến tăng 18% vào năm nay.

Nguyên nhân khách quan là như thế, nhưng bài báo nêu một "thủ phạm" trong nạn cắt điện gây bất bình hiện nay : đó là Tập đoàn Điện lực Việt nam, cơ quan thực hiện việc cúp điện. Bài báo nhắc lại những lời mỉa mai của người dân cho là giữa "điện" và "điên" chỉ khác nhau có một cái "dấu" mà thôi.

Nhưng còn nghiêm trọng hơn nữa theo bài báo, là những lời tố cáo tham nhũng. Liberation trích lời một cô gái ở tỉnh Thái Bình, hỏi là "tại sao điện nhà các lãnh đạo không bao giờ bị cắt hết". Theo bài báo, thì người dân ở đây tức giận phải chiụ nóng bức, đã buộc nhân viên điện lực đứng dưới nắng gắt, trước khi đến cắt điện nhà chủ tịch huyện của họ.

Trước sự bực tức hiện nay, Libération ghi nhận là để làm dịu tình hình, chính phủ đã hứa "cúp điện công bằng hơn" và cũng sẽ đền bù tài chính cho xí nghiệp. Bên cạnh những nghi ngờ tham nhũng, công ty điện lực còn bị đánh giá bất tài. Công ty đã thông báo không còn nạn cắt điện kể từ đầu tháng 7, nhưng vẫn tiếp tục tuy thời điểm bị điểm điện bị cắt có phần thưa hơn.

Theo bài báo thì lãnh đạo Tập đoàn Điện lực, ông Đào Văn Hưng bị chỉ trích là không chịu nhập khẩu điện vì ông không muốn mất tiền, và trước tình hình hiện nay thì ông lại "phú cho trời".

Libération nhắc lại là Việt Nam đang tìm cách phát triển những nguồn năng lượng khác, phong điện, điện nguyên tử. Tám nhà máy điện nguyên tử được dự kiến xây từ đây đến năm 2030, để giảm lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì dự kiến tăng giá điện để khuyến khích các nhà đầu tư vào ngành này, nhưng theo tác giả bài báo trên Libération, thì không chắc là biện pháp này sẽ tô đẹp hơn hình ảnh công ty.

Trung Quốc vươn lên trong thế giới tài chính

Le Figaro nhìn sang Châu Á đặc biệt chú ý đến Trung Quốc, mà tờ báo gọi trong hàng tít đập vào mắt ở trang đầu : "Chàng khổng lồ mới của tư bản tài chính". Le Figaro ghi nhận việc Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Agricultural Bank of China, thường gọi tắc AgBank, yết giá trên hai thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải, với hy vọng thu về một khoản tiền mà Le Figaro chưa bao giờ thấy trong một vụ yết giá : 22 tỷ đô la. Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tung tiền, từ Qatar cho đến ngân hàng Mỹ, tỷ phú Hong Kong v..v.. vì xem đây là cơ hội để đặt chân vào thị trường rất to lớn này.

Tuy nhiên theo Le Figaro, nếu thu hút giới đầu tư ngoại quốc thì ngược lại ngân hàng nói trên không chiêu dụ được nhiều người trong nước, vì có quá nhiều nợ khó đòi.

Theo tờ báo, thị trường chứng khoán Trung Quốc ( Thượng Hải và Thẩm Quyến ) hiện đã vươn lên đứng hàng thứ 3 thế giới sau New York và Tokyo.

Nói đến Tokyo, Le Figaro nhìn thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm qua đã đưa ra một lời khuyên có lẽ sẽ không làm thủ tướng Naoto Kan được lòng dân hơn : lời khuyên này là nên tăng thuế trị giá gia tăng TVA, đánh trên dịch vụ và hàng tiêu thụ.

Chủ trương tăng thuế của tân thủ tướng Nhật chính là một trong nhũng yếu tố chính đã làm đảng Dân Chủ của ông Naoto Kan không đạt được đa số trong cuộc bầu cử Thượng Viện vừa qua.

Trả tự do cho tù nhân chính trị Cuba tìm cách ra khỏi thế bị cô lập

Nhìn ra quốc tế, ngoài nạn thủy triều đen ở vịnh Mêhicô mà cả hai tờ La Croix và Les Echos nhìn thấy, là cái giá phải trả khá nặng nề, tựa lớn của La Croix, làng báo Pháp theo dõi và chạy tựa trang nhất việc Cuba tiếp tục trả tự do cho tù nhân chính trị, và câu chuyện không rõ ràng của nhà khoa học Iran, Amiri về đến Téhéran vào hôm nay.

Dưới tựa đề "Cuba gia tăng việc trả từ do cho tù nhân chính trị", Le Figaro điểm lại là sau 7 người đã đến Madrid hôm thứ ba và hai người đến vào hôm qua, Tây Ban Nha đang chờ đón hai người khác vào hôm nay.

Mười một người này nằm trong số 52 người mà theo thoả thuận, giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo Cuba, La Habana sẽ trả tự do dần trong vòng bốn tháng.

Tờ báo đánh giá là Cuba tìm cách ra khỏi thế cô lập hiện nay. Cử chỉ của La Habana nhằm hướng về Washington và Bruxelles. Với cử chỉ mạnh này, chính quyền Cuba hy vọng là đánh đổi lại Hoa Kỳ sẽ nới lỏng cấm vận đối với đảo và Châu Âu giảm đi những biện pháp hạn chế đối với Cuba.

Câu hỏi mà Le Figaro nêu lên là việc trả tự do hiện nay là bước đầu cải thiện nhân quyền, hay chỉ là một hành động nhất thời để ra khỏi thế cô lập ?

Tờ báo trích dẫn một số nhà đối lập. Người bi quan như ông Oswaldo Paya, cho là việc trả tự do hiện nay chỉ là hành động đưa họ 'từ nhà tù chuyển sang cưỡng bức lưu đày'.

Cuba cũng đã từng có mấy đợt trả tự do cho tù nhân chính trị. Nhưng thả người này thì lại bắt người khác. Theo ông Paya, khi nào mà tại Cuba còn những đạo luật cho phép bắt người vì bất đồng chính kiến thì tình hình nhân quyền không có cải thiện gì hết.

Một nhà đối lập khác, Oscar Espinosa Chepe, có vẻ lạc quan hơn : theo ông vấn đề trả tự do cho nhóm tù nhân vì chính kiến trên, tạo điều kiện để đi đến những cải tổ cần thiết, vì những nhóm trong chính quyền, chống đối cải tổ, thay đổi, đã vừa thất bại, và ảnh hưởng của yếu đi rõ rệt.

Nhà vật lý học Iran Shahram Amiri phải chăng đã bị CIA chiêu dụ đào thoát ?

Le Figaro hôm nay cũng rất quan tâm đến câu chuyện của nhà vật lý học Iran, Shahram Amiri, và thắc mắc : ông bị bắt làm con tin hay là một người đào thoát đã ăn năn ?

Dẫu sao theo Le Figaro, cuộc "phiêu lưu" của ông minh họa cho cuộc chiến trong bóng tối giữa Washington và Téhéran trên hồ sơ hạt nhân.

Nhiều điều còn khó hiểu. Le Figaro trích trích dẫn một viên chức Mỹ xin giấu tên, cho là Hoa Kỳ đã có được những thông tin hữu ích từ ông Amiri, còn Iran bây giờ thì đã có được trở lại ông Amri. Nhân vật này cũng nêu lên câu hỏi, như thế thì ai giành được kết quả tốt hơn ai ?

Le Figaro trích dẫn giới chuyên gia Pháp về tình báo, Eric Denécé, thì trường hợp Amari rất giống chiến dịch đào thoát do CIA tổ chức. Ông đưa ra giả thuyết là sau nhiều tháng làm việc với CIA, ông Amiri đã cung cấp hết những thông tin cần thiết, và CIA không cần đến ông nữa. Và bị bỏ mặc tại nơi đất lạ, nhà khoa học Iran cuối cùng đã muốn trở về nước. Hoặc là tại Iran gia đình của ông bị sức ép, đến nỗi ông phải quyết định trở về.

Còn một vấn đề khác mà Le Figaro cho là đến nay vẫn chưa ai hiểu là ông Amiri vào Mỹ như thế nào ?

Tờ báo cũng nhắc lại, đây không phải nhân vật Iran đầu tiên lâm vào cảnh này. Trước ông Amari đã có một trường hợp tương tự, xẩy ra vào năm 2007. Làn đó là cựu thứ trưởng quốc phòng Iran, Ali Reza Asghari cũng đột nhiên biến mất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.