Vào nội dung chính
HỘI NGHỊ ASEAN

Tại Hà Nội, Hoa Kỳ thách thức Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông

Phát biểu vào hôm nay (23/07/2010) trước Diễn Đàn An Ninh Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Trong tình hình Trung Quốc vừa xác định khu vực này là "vùng quyền lợi quốc gia thiết thân" của họ, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được cho là một thách thức của Washington đối với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, tại Diễn Đàn An Ninh Khu vực, bà Clinton đã xác định một số yếu tố được Hoa Kỳ xem là "lợi ích quốc gia" của mình, bao gồm : "Quyền tự do hàng hải, quyền tiến vào các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông". Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi “tôn trọng quyền lợi của cộng đồng quốc tế’’ trong hồ sơ Biển Đông. 

Về các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cụ thể là các hòn đảo hay mỏm đá lớn nhỏ trong vùng, bà Hillary Clinton nhắc lại lập trường cố hữu của Mỹ là không bênh phía nào. Thế nhưng theo bà, Hoa Kỳ chống lại việc đe dọa dùng võ lực và hy vọng là các bên tìm ra được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề. 

Trong lãnh vực này, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển phía Nam Trung Quốc là một "ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ", và Washington sẵn sàng hậu thuẫn cho các sáng kiến hay biện pháp tạo niềm tin giữa các bên tranh chấp. 

Theo các nhà phân tích, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố của bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ không làm Bắc Kinh hài lòng vì đánh thẳng vào chiến lược Biển Đông mà Trung Quốc nêu lên trong thời gian gần đây. Khái niệm "lợi ích quốc gia" mà Ngoại trưởng Mỹ nêu lên vào hôm nay tại Hà Nội là một cú phản công chống lại với quyết định của Trung Quốc nâng vị trí Biền Đông thành "vùng quyền lợi quốc gia thiết thân" của họ. 

Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã không ngần ngại dùng võ lực chiếm đóng một số hòn đảo của các nước khác tại vùng Biền Đông, mà cụ thể là quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 tranh chấp với Việt Nam, một vài hòn đảo khác cũng của Việt Nam tại vùng Trường Sa vào năm 1988, sau đó là đảo Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1995, trước đó do Philippines kiểm soát. 

Trong những năm gần đây, lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình, Bắc Kinh không ngừng gia tăng tiềm năng quân sự, đặc biệt là hải quân, và sẵn sàng dùng sức mạnh để buộc các nước khác chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Các ngư dân Việt Nam đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa liên tiếp là nạn nhân của đường lối mới này của Bắc Kinh. 

Trung Quốc không muốn quốc tế hoá vấn đề Biển Đông 

Cho dù không ngần ngại chèn ép các nước có tranh chấp chủ quyền với họ, nhưng cho đến nay, Bắc Kinh luôn luôn tìm cách tránh không cho vấn đề này trở thành đa phương, mà chủ trương giải quyết tranh chấp với từng nước riêng lẻ. Để tránh không cho vấn đề Biển Đông bị ‘’quốc tế hóa’’ nhân hội nghị ASEAN lần này, theo các nguồn tin báo chí, trong những ngày qua, Trung Quốc đã cố gắng gây sức ép để hồ sơ không được nêu lên công khai trước diễn đàn.

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ vào hôm nay ở Hà Nội trên vấn đề Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc đã thất bại trong cố gắng nhận chìm hồ sơ này. Hãng AFP ghi nhận là trong cuộc họp vào hôm nay, tranh cãi về vấn đề Biển Đông đã diễn ra hết sức sôi nổi.

Theo một số nhà quan sát, đó cũng có thể được xem là một thắng lợi ngoại giao của nước chủ nhà Việt Nam, muốn vấn đề được nêu bật. Nhật báo Mỹ New York Times nhận xét : "Chiến lược của Việt Nam là “quốc tế hóa” cuộc tranh chấp ở Biển Đông bằng cách lôi kéo nhiều nước khác vào cuộc và buộc Bắc Kinh phải đàm phán trong các diễn đàn đa phương. Tuyên bố của bà Clinton theo đó Hoa Kỳ sẵn sàng đóng một vai trò là một thắng lợi đáng kể của Việt Nam”.

Dẫu sao thì khi Trung Quốc bắt đầu công khai cho thấy tham vọng của họ, công bố bản đồ đòi hỏi chủ quyền trên 80% vùng Biển Đông, lao vào thách thức hải quân Mỹ trong khu vực, và nhất là coi Biển Đông là vùng quyền lợi quốc gia thiết thân, thì hồ sơ Biển Đông đã mặc nhiên không còn giới hạn trong khu vực.

Như chuyên gia Úc Carl Thayer được hãng tin Đức DPA trích dẫn đã nhận đinh, Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng của họ vói một vài nước Asean để ngăn không cho nêu vấn đề này (ở Diễn Đàn ARF), nhưng không ngăn được Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.