Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Chính Trung Quốc đã đẩy Việt Nam và Đông Nam Á trở lại vòng tay của Mỹ

« Họ đã trở lại » : Dưới tựa đề ngắn gọn trên đây, tuần báo Anh The Economist phân tích sự kiện Hoa Kỳ đang càng lúc càng chứng tỏ quyết tâm hiện diện trở lại tại vùng Đông Nam Á. Điều này khiến Trung Quốc ngày càng bực bội. Theo The Economist, vấn đề là thay vì quan ngại trước chiến lược "ngăn chặn" của Mỹ, Trung Quốc cần phải lo lắng nhiều hơn nữa về việc tại sao láng giềng của họ lại chào đón sự trở về của Hoa Kỳ.

Các quan khách quân sự và dân sự Việt Nam đang nghe một sĩ quan Mỹ giải thích cách điều hành "sân bay" trên hàng không mẫu hạm USS George Washington ngày 08/08/2010
Các quan khách quân sự và dân sự Việt Nam đang nghe một sĩ quan Mỹ giải thích cách điều hành "sân bay" trên hàng không mẫu hạm USS George Washington ngày 08/08/2010 US. NAVY/Danielle A. Brandt/Released
Quảng cáo

Đối với The Economist, biểu tượng thể hiện rõ nhất việc Mỹ quay lại Đông Nam Á là chuyến ghé Biển Đông, ngoài khơi Đà Nẵng của chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington, “một con tàu dài hơn ba sân bóng đá nối liền nhau, có khả năng mang theo 85 chiếc máy bay và thủy thủ đoàn hơn 6.200 người”.

Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ, và các bài tập hải quân chung Mỹ - Việt sau đó, đều là những biểu hiện nổi bật của sự hoà giải, thế nhưng các quan sát viên Trung Quốc lại nhìn thấy các sự kiện đó nằm trong nỗ lực của Mỹ để "ngăn chận" Trung Quốc bằng cách củng cố liên minh với các láng giềng của Bắc Kinh.

Phía Trung Quốc, theo The Economist, rất bực tức trước các hành động của Hoa Kỳ, và theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có thể trả đũa bằng cách dời chuyến công du Hoa Kỳ.

Có hai động thái của Mỹ khiến Bắc Kinh giận dữ. Gần đây nhất là việc Hoa Kỳ đàm phán về hợp tác hạt nhân với Việt Nam, và có tin là sẽ không buộc Việt Nam từ bỏ quyền làm giàu uranium. Trước đó, là sự kiện tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Biển Đông là một "lợi ích quốc gia" của Hoa Kỳ.

Theo The Economist, sự kiện 12 trên 27 quốc gia nêu lên một cách tiếp cận mới để giải quyết tranh chấp vùng Biển Đông, đã bị Trung Quốc xem là một âm mưu chống lại Bắc Kinh, đặc biệt là khi Việt Nam nhanh chóng phản đối mạnh mẽ hơn các hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.

Ngoài các sự kiện liên quan đến Việt Nam, tuần báo Anh còn ghi nhận việc chiếc George Washington đã tham gia tập trận chung với lực lượng Hàn Quốc, và sẽ vào Hoàng Hải "trong tương lai gần", bất chấp phản đối của Bắc Kinh.

Trong lúc hải quân Mỹ ngang dọc các vùng biển lân cận Trung Quốc, thì các quan chức Hoa Kỳ cao cấp cũng tỏa đi các nước châu Á. Tại Indonesia, bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã tái lập quan hệ với lực lượng đặc biệt Kopassus của quân đội nước này. William Burns, thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị, thì đã đến bốn quốc gia Đông Nam Á.

The Economist đã trích lời ông Douglas Paal, chuyên gia nghiên cứu tại Viện tham vấn Carnegie Endowment ở Washington, ghi nhận "một sự đột khởi toàn diện nhất từ hàng thập kỷ nay của hoạt động ngoại giao và quân sự tại châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á" từ phía một chính quyền Mỹ. Trung Quốc xem xu hướng mở rộng này như một phần của một học thuyết ngăn chặn mới nhắm vào Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo chính quyền Mỹ, thì Hoa Kỳ chỉ tái khẳng định lại "lợi ích quốc gia" và vai trò truyền thống của mình ở Đông Á, một khu vực bị nước Mỹ bỏ rơi vì bị khủng bố và cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan làm cho phân tâm. Theo chuyên gia phân tích Douglas Paal, ngoại giao châu Á của Mỹ gần đây "không nhằm vào Trung Quốc, nhưng có tác động đối với Trung Quốc".

Theo The Economist, thay vì đơn thuần chỉ trích Mỹ, Trung Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn sao cho các láng giềng của họ đừng cung cấp những mảnh đất màu mỡ để Mỹ có thể gieo ‘’mầm mống ngờ vực’’ đối với Trung Quốc.

Điều đó đòi hỏi Trung Quốc làm rõ hơn mục tiêu chiến lược thực thụ của mình, và sẵn sàng thảo luận các mục tiêu đó trong các diễn đàn đa phương. Trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) chẳng hạn, hiện rất khó mà biết được chính xác là những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên các cơ sở nào. Chỉ thấy tàu Trung Quốc đôi khi xem biển như một cái hồ của Trung Quốc. Các tấm bản đồ của họ cho thấy một lưỡi lớn của chủ quyền Trung Quốc thè ra một cách ngạo mạn, liếm xuống tận các nước vùng duyên hải Đông Nam Á.

Trong tình hình đó, theo The Economist, cũng dễ hiểu là tại sao các nước này chào đón tàu sân bay Mỹ. Vấn đề rắc rối là, hiển nhiên, nếu Trung Quốc rõ ràng hơn về mục tiêu của mình, thì các láng giềng này lại còn có thể chào đón tàu Mỹ nồng nhiệt hơn nữa !

Bản dịch tiếng Pháp của Nhật ký Đặng Thùy Trâm sắp ra mắt độc giả

Dưới tựa đề thu hút chú ý : Jeannne D’Arc là người Việt Nam, tạp chí Le Nouvel Observateur, dưới ngòi bút của Didier Jacob giới thiệu Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, vừa được dịch xong ra tiếng Pháp và sắp ra mắt đọc giả Pháp vào tháng 8 này. Le Nouvel Observateur cho biết là được độc quyền trích đăng một số đoạn trước khi sách ra mắt công chúng.

Didier Jacob, giới thiệu với giọng đầy cảm động nhật ký của cô nữ bác sĩ trong những năm 1968-1970 : Vào năm 1967, trong lúc mà Mỹ lún vào vào một cuộc chiến thua thấy trước, thì Đặng Thùy Trâm, 25 tuổi, đã được cử đến vùng chiến trận, trong một bệnh viện dã chiến.

Trong suốt hai năm, cô bác sĩ trẻ tuổi không chỉ có chăm sóc những người chung quanh mình, những nguời bị thương trong chiến trận, dưới bom đạn, mà còn tham gia khuân vác gạo, củi, vận chuyển những ngưòi bị thương, đào hầm trú ẩn v.v. và viết ra quyển nhật ký quý giá, nhật ký của một cô gái hiền thục, thật thà nhưng cũng là một chiến sĩ sẵn sàng chết cho tổ quốc của mình, một người cũng rất sáng suốt, trưởng thành quá nhanh. Người nữ bác sĩ chết tháng 6 năm 1970, cô bị bắn một viên đạn vào đầu.

Didier Jacob cho là quyển nhật ký càng quý giá vì nếu truyền thông Mỹ, phim ảnh Mỹ nói nhiều về cuộc chiến Việt Nam, thì những cảnh, lời chứng từ phiá người Việt Nam đến tay người ở nước ngoài rất hiếm.

Trở lại việc phát hiện nhật ký, tác giả bài viết cho rằng đó là cả một câu chuyện ly kỳ và kể lại : tình báo Mỹ đã lấy nhật ký trong số những tài liệu khác tịch thu được. Viên sĩ quan được giao phó nghiên cứu nhật ký đã bị văn phong quyển nhật ký mê hoặc và lấy mang về nhà.

Sau khi chiến tranh kết thúc, vị sĩ quan này, Fred Whitehurst, một luật sư vào làm việc cho Cục Điều tra Liên bang FBI, không biết là phải giao tài liệu này lại cho ai, ông cũng không biết là Đặng Thùy Trâm còn gia đình ở Việt Nam hay không, và vì làm việc cho FBI, ông không thể tiếp xúc với Đại sứ quán Việt Nam. Phải đợi đến khi từ chức khỏi FBI, sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, Whitehurst mới nhờ người Tin lành hệ phái Quakers ở Hà Nội tìm ra được gia đình Đặng Thùy Trâm.

Nhật ký được xuất bản năm 2005. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã dựng thành phim năm ngoái, với tựa là “Đừng đốt”. Tại Pháp, bản dịch do nhà xuất bản Philippe Picquier phát hành dưới tựa đề Les Carnets retrouvés (1968-1970), và sẽ ra mắt độc giả vào ngày 19 tháng 8. Người dịch được giới thiệu là Jean - Claude Garcias.

Nga bất lực trước các đám cháy

Các tạp chí Pháp ngữ tuần này đặc biệt chú ý đến thiên tai. Tai ương Châu Á, một tựa của l’Express nói về thiên tai lũ lụt từ Pakistan, Ấn Độ cho đến Trung Quốc. Nhưng sự kiện được bình luận rộng rãi là cháy rừng ở Nga, với nỗi lo ngại bụi phóng xạ toả ra xa đến tận phiá Tây.

Câu hỏi đầu tiên mà mọi người nêu lên là do đâu mà Nga đến nông nổi này. Tạp chí l’Express minh hoạ cho sự bất lực của Nga trong việc đối phó với hoả hoạn qua tấm ảnh phóng to cho thấy một người đàn ông thân trần ngồi ủ rủ trước một châụ nước, phiá đằng sau là cảnh một dẫy nhà cháy đỏ rực.

Một tấm ảnh khác mà các tạp chí Le Point, Le Nouvel Observateur cũng như L’Express đều đăng là ảnh chụp một đám rước, ở làng Krioucha, nằm cách Maxcơva 200 cây số. Dân làng đi sau vị linh mục và cầu nguyện : Le Nouvel Obsrevateur thấy là họ cầu nguyện để mưa dập tắt hoả hoạn. Không phải chỉ người dân làng nhờ đến phước lành của Chuá, tạp chí cũng tả cảnh tổng thống Medvedev vẻ bất lực, hai tay đưa lên trời giải thích : ‘’Không phải là chúng tôi quyết định về tình hình đâu, mà đó là do bên trên đấy’’.

Tờ Le Point đăng một tấm ảnh khác, nhưng là ảnh thủ tướng Putin, bắt tay lính cứu hoả. Rõ ràng là thủ tướng Nga đang muốn cho thấy mình là người hùng cứu nguy. Nhưng Le Point cho là chính những cải cách của ông khi còn là tổng thống, đã làm suy yếu khả năng đối phó nhanh chóng với thiên tai.

Tạp chí Le Nouvel Observateur cũng cùng quan điểm nhận thấy là việc cải cách luật về lâm nghiệp của ông Putin, có lợi cho nhũng bạn bè của ông trong việc khai thác rừng, đã cắt giảm 70.000 nhân viên kiểm lâm. Tổng cộng ở Nga giờ đây chỉ có 22.000 lính cứu hoả. Hậu quả là chỉ có người chết là tăng lên : vào tháng 7 số tử vong đã tăng gấp đôi so với mức trung bình. Trong tháng 8 thì tính ra có đến 700 người chết mỗi ngày. Giới y tế Nga được lệnh không được nói nguyên nhân cái chết là do khí độc.

Ngành tình báo Mỹ không hữu hiệu vì tổ chức quá phức tạp

Tạp chí Courrier International nhìn sang Hoa Kỳ dành một hồ sơ lớn cho ngành tình báo được ví như một đám mây mù. Tạp chí trích dẫn tờ Washington Post, cho là cấu trúc cơ quan an ninh sau sự cố ngày 11 tháng 9 phức tạp đến nỗi mà nó không còn hữu hiệu nữa. Tờ báo Mỹ đi đến kết luận này sau 2 năm điều tra.

Trước tiên, theo bài viết, cách tổ chức của ngành phức tạp, chằng chịt đến mức không ai biết rõ được nhân sự, ngân sách là bao nhiêu, các chương trình mà họ quán xuyến là gì, và có bao nhiêu cơ quan cùng làm một việc... Bài báo trích lời bộ trưởng quốc phòng Robert Gates công nhận gần đây là ‘’ về các vụ việc phát triển sau ngày 11 tháng 9, nếu mà hiểu được đại khái chúng như thế nào, thì đó là cả một sự thách đố’’.

Tác giả bài báo, minh hoạ cho lời nói trên, đã giải thích là ở bộ Quốc Phòng, nơi quản lý đến hơn 2 phần 3 các chương trình, thì chỉ có một nhúm lãnh đạo cao cấp được mệnh danh là những người sử dụng siêu đẳng, là trên nguyên tắc phải nắm vững tất cả những hoạt động ở Bộ. Thế nhưng hai người trong số lãnh đạo nói trên đã thú thật với nhà báo là không thể nào làm được : đây là một “điệp vụ bất khả”.

Một người kể lại là ông đươc đưa vào một phòng nhỏ, ông không đươc mang giấy bút ghi chép gì cả. Trên một màn hình nhỏ các chương trình lướt nhanh trước mắt ông, đến một lúc không chiụ nổi nữa, ông phải kêu ngưng. Ông công nhận là đã không nhớ được gì. Trong tình hình đó, như một vị tướng về hưu, tướng John R Vines, đã giải thích : không thể biết được là Hoa Kỳ đã được an ninh hơn hay không.

Tuy thế Courrier International cũng lập bản đồ nơi có nhiều cơ quan tình báo nhất ở Mỹ, cũng như số lượng cơ quan : 1 271 cơ quan chính phủ và 1931 cơ quan tư nhân làm việc trên những chương trình chống khủng bố, an ninh lãnh thổ, và tình báo. Nhân sự : 854.000 người có chứng từ hoạt động trong lãnh vực tối mật. Hàng năm giới phân tích tài liệu cung cấp đến 50 000 báo cáo. Theo bài báo với con số to lớn này, rất nhiều báo cáo bị bỏ xó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.