Vào nội dung chính
CHÂU Á - TÁC QUYỀN

Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc vi phạm tác quyền nghiêm trọng nhất châu Á

Trong bản báo cáo công bố hôm nay, 25 tháng 8 năm 2010, Văn phòng Tham vấn về các Rủi ro Chính trị và Kinh tế, tên tắt tiếng Anh là PERC, trụ sở tại Hồng Kông đã nêu tên Indonesia là nước tệ hại nhất trong vấn đề sao chép trái phép, vi phạm bản quyền tác giả, theo sau là Việt Nam, và thứ ba là Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng theo bản báo cáo này, dù Trung Quốc chỉ đứng thứ ba, nhưng tình hình tại nước này đáng quan ngại hơn cả.

Lô gô quyền sở hữu trí tuệ
Lô gô quyền sở hữu trí tuệ
Quảng cáo

Trong bản xếp hạng 12 nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương, theo thứ tự từ tốt nhất đến xấu nhất trong lãnh vực “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” (IPR), Indonesia bị xếp cuối bảng, với số điểm tệ nhất là 8,5 trên 10. Đứng kế chót là Việt Nam, bị 8,4 điểm, ngay dưới Trung Quốc được 7,9 điểm. Còn ở đầu kia của bảng xếp hạng, Singapore được đánh giá là nước bảo vệ tác quyền chặt chẽ nhất, theo sau là Nhật Bản, kế đến là Hồng Kông. 

Nhận xét của PERC rất rõ : “Indonesia dường như đã bị hụt hơi trong việc trấn áp các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện hệ thống bảo vệ sao cho phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế”. Đối với PERC, cho dù Jakarta đã thông qua một số luật lệ mới nhằm cải thiện vấn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng những quy định này không hề được thực thi có hiệu quả, và mức độ vi phạm bản quyền ở Indonesia vẫn thuộc diện cao nhất trên thế giới. 

Nghiên cứu của PERC dựa trên kết quả cuộc thăm dò ý kiến của gần 1300 nhà quản lý ngoại quốc hiện làm việc tại 12 quốc gia và lãnh thổ châu Á Thái Bình Dương. Ngoài 6 nước được nêu tên ở trên, còn có Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, và Philippines. 

Kết quả bảng xếp hạng của PERC nhìn chung trùng hợp với các công trình nghiên cứu do ngành công nghiệp phần mềm đưa ra trong thời gian gần đây, theo đó tại các đô thị châu Á, các bộ phim và phần mềm sao chép trái phép được bán đầy rẫy ngoài đường, dù cho chính quyền sở tại không ngừng cam kết là sẽ triệt để bài trừ tệ nạn này. 

Ngoài Indonesia, PERC cũng quan tâm đến các nước gọi là đang lên ở châu Á trong đó có Việt Nam. Bản báo cáo ghi nhận : “Trong số các nước châu Á đang nổi lên, Việt Nam, Indonesia và Philippines bị cho điểm xấu, không chỉ vì yếu kém trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, mà còn về một số tiêu chuẩn khác như cơ sở hạ tầng vật chất, tệ nạn quan liêu kém hiệu quả và năng lực lao động hạn chế”. 

Tuy nhiên, đối với PERC, tình trạng sao chép bất cần bản quyền tác giả tại các quốc gia Đông Nam Á nói trên không tai hại bằng những gì diễn ra tại Trung Quốc. Lý do là vì nền kinh tế Trung Quốc có quy mô quá lớn, và tại nước này có các công ty lớn "có khả năng sử dụng các công nghệ ngoại quốc mà họ vi phạm bản quyền để cạnh tranh trên thị trường nước ngoài”. 

PERC thẩm định : “Các nước như Việt Nam, Philippines và Indonesia không có cùng khả năng gây thiệt hại trên toàn cầu thông qua việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như các công ty Trung Quốc”. 

Nhận định của PERC hoàn toàn phù hợp với công trình nghiên cứu công bố hồi tháng 05/2010 của liên minh các doanh nghiệp phần mềm trên thế giới BSA, tức Business Software Alliance. Trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, bản báo cáo về chỉ số sao chép trái phép phần mềm năm 2009 của BSA cũng xếp Indonesia vào diện tệ hại nhất, kế đến là Việt Nam rồi Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trên phương diện mức độ gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho ngành công nghệ phần mềm toàn cầu, thì Trung Quốc thuộc diện gây tổn hại nhiều nhất, đứng thứ hai thế giới, trong lúc Indonesia và Việt Nam đứng xa phía sau, Indonesia hạng 14 và Việt Nam hạng 24. 

Xin nhắc lại : PERC là một văn phòng tham vấn rất có uy tín, các bản phúc trình do họ thực hiện về tình trạng tham nhũng hay quan liêu hành chánh tại các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương luôn luôn được các định chế hay tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hoặc Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xem trọng và sử dụng trong các nghiên cứu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.