Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh, nhưng giá trị gia tăng còn thấp

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm nay tăng cao, trong 8 tháng đầu năm đã tăng đến 18%, với kim ngạch vượt xa ngành dầu khí.

Getty/ Monty Rakusen
Quảng cáo

Sự kiện này được lý giải là nhờ nhu cầu thị trường thế giới phục hồi, và được giảm thuế thông qua các hiệp định thương mại với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân rất quan trọng là xu hướng “Trung Quốc cộng 1” của các công ty đa quốc gia đặt hàng. Họ chuyển bớt một số đơn hàng sang Việt Nam nhằm giảm bớt rủi ro, và tận dụng giá nhân công rẻ của Việt Nam.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh phân tích:

Tám tháng đầu năm 2010, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,9 tỉ đô la, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi năm ngoái, dệt may là một trong số ít ngành của Việt Nam không bị giảm sút. Như vậy thế mạnh của ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam ngày càng được khẳng định. Và nếu so với ngành xuất khẩu thứ hai ở Việt Nam là ngành dầu khí thì năm nay cũng chỉ xuất khẩu được khoảng 3,3 tỉ ; như vậy ngành dệt may đứng đầu và hơn gấp đôi ngành đứng kế cận.

Sự phát triển này thật ra cũng có nhiều yếu tố. Một mặt là do kinh tế thế giới phục hồi trở lại, nên các nhu cầu về dệt may không bị sút giảm mạnh. Nhưng một trong các yếu tố giúp cho ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng mạnh, chính là sự sút giảm về xuất khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ. Với sự tăng trưởng nóng hiện nay, cộng với các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt một chính sách có liên quan đến ngành dệt may là mỗi gia đình chỉ có một con ; sau một thời gian dài thực hiện thì cơ cấu dân số của Trung Quốc đang có vấn đề. Chúng ta biết là người làm việc trong ngành dệt may đa số là phụ nữ, trong khi cơ cấu lao động của Trung Quốc giới trẻ bây giờ đa số là nam. Thứ nhất, chọn vô ngành này là hiếm, và thứ hai, bản thân Trung Quốc cũng phát triển những ngành công nghệ cao hoặc trung bình, như hàng điện tử, ô tô và một số công nghệ khác, tạo một sức hút khá mạnh với các ngành lao động khác.

Gần đây những cuộc đình công, biểu tình để đòi lương cao đã ảnh hưởng chung đến nền kinh tế của Trung Quốc và đặc biệt ảnh hưởng đến ngành dệt may là ngành có thu nhập trung bình hoặc trung bình thấp so với một số ngành khác. Hiện nay Trung Quốc buộc lòng phải chuyển các đơn hàng đó qua khu vực phía Tây, nhưng các phương tiện vận chuyển qua miền Đông để xuất khẩu cũng bất lợi, và lao động cũng không khéo léo bằng. Do đó nhiều khách hàng có xu hướng chuyển khỏi Trung Quốc. Điểm họ lựa chọn đầu tiên là Việt Nam.

Thứ nhất, các văn phòng đặt ở Trung Quốc kiểm soát luôn sản xuất ở Việt Nam thì cũng thuận tiện. Thứ hai, Việt Nam ở gần nên nguồn nguyên liệu chủ yếu ở Trung Quốc cũng giúp cho Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu. Còn nhiều lý do khác nữa khiến Việt Nam có thuận lợi hơn.

Chúng tôi đã làm thử một bài toán, thấy là mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu khoảng sáu, bảy mươi tỉ đô la dệt may. Chỉ cần họ sụt giảm và di chuyển khoảng 10% thì đã là một lượng cực kỳ lớn so với Việt Nam.

Những bài toán khó cần giải quyết

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi còn nhiều nỗi lo, tập trung vào hai quan tâm chính.

Trước hết làm sao nâng được giá trị trong sản phẩm dệt may. Thu nhập bình quân cả nước đang tăng lên, riêng ngành dệt may cũng ở mức trên 100 đô. Ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai Hà Nội thì thu nhập bây giờ cũng khoảng 140 đến 160 đô. So với trước đây thì lao động của Việt Nam không còn rẻ nữa.

Để tạo được giá trị gia tăng, bài toán thứ hai là nguồn nguyên vật liệu. Thật ra trong những tháng đầu năm, khoảng tháng ba tháng tư cũng đã gặp khó khăn, nhiều nhà máy dệt không nhập được sợi. Lý do là một số nước như Ấn Độ cấm xuất khẩu nguyên liệu sợi bông, Trung Quốc thì thu gom nguyên liệu bông xơ để dự trữ. Trong khi đó Việt Nam có dự trữ ngoại tệ không nhiều, nên dự trữ nguyên liệu chủ yếu là do các doanh nghiệp chứ tầm quốc gia không có. Cũng may là sau đó vấn đề này đã được giải tỏa phần nào.

Để giải được hai bài toán trên, thật ra về cơ chế là chính. Về sợi tổng hợp thì cũng đang manh nha, sau khi Việt Nam tự lọc dầu được, cũng bắt đầu làm được hạt nhựa polyester. Nhưng từ hạt nhựa polyester đưa vào nhà máy, xây dựng nhà máy sợi để kéo được sợi polyester thì còn cả một quá trình dài nữa.

Hoặc là về lao động. Để giải quyết bài toán về nhân công, chúng ta phải tăng năng suất, tự động hóa trong sản xuất…Về lâu dài, đang có xu hướng cơ cấu lại các địa điểm sản xuất. Các địa điểm trung tâm, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không phải là nơi để sản xuất các đơn hàng có giá trung bình, và trong tương lai lại càng khó tổ chức sản xuất. Đó sẽ là trung tâm về thời trang, kinh doanh thương mại, và là nơi để giao tiếp. Còn chỗ sản xuất hiện nay đang đưa dần ra các tỉnh.

Bên cạnh đó, Hội Dệt may cũng đề xuất với chính phủ nên có các khu công nghiệp tập trung dành cho dệt và nhuộm. Trong ngành dệt may muốn phát triển được nguyên liệu thì phải có vải, và vải thì dính đến dệt, nhuộm, mà nhuộm thì liên quan vấn đề xử lý nước thải, như vậy phải có các khu công nghiệp tập trung. Các doanh nghiệp và hiệp hội đang ráo riết tìm các địa điểm xây dựng các khu công nghiệp tập trung cho lãnh vực nhuộm.

Nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may

Nhiều nhà quản lý vĩ mô vẫn nói ngành dệt may là ngành có lợi nhuận thấp, giá trị gia tăng thấp. Nhưng chúng tôi là những người trong ngành, thì có suy nghĩ ngược lại. Thấp ở đây không phải là do chúng ta chọn chiến lược giá thấp, mà chẳng qua do chưa hưởng hết các phần trong chuỗi gia tăng của sản phẩm dệt may.

Chuỗi này gồm rất nhiều phân đoạn, có thể phân làm bốn phân đoạn lớn. Thứ nhất là phát triển sản phẩm, kể cả phát triển vải, sợi, sản phẩm thời trang, làm marketing cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm. Phân khúc thứ hai là tạo ra được những nguồn lực cho sản xuất như thiết bị, thuốc nhuộm, hóa chất, kể cả kéo sợi. Phân khúc thứ ba là tổ chức sản xuất : chủ yếu là dệt vải, nhuộm, cắt may. Phân khúc thứ tư, lớn nhất, đó là phân phối, thì hiện nay trong chuỗi này các thương hiệu lớn đã nắm gần hết rồi.

Ở Việt Nam chủ yếu là phân đoạn tổ chức sản xuất, mà phân đoạn này có giá trị gia tăng thấp nhất. Theo nhiều chuyên gia thì chỉ từ 10 tới 20% tùy theo dòng sản phẩm. Do đó chúng ta có khả năng vươn ra ở hai mặt : phân phối và sản xuất được công cụ thiết bị, thiết kế, để nâng giá trị sản phẩm.

Hiện nay trên thế giới người ta chia làm ba cấp sản xuất. Cấp thứ nhất là dạng OEM (Original Equipment Manufacturing), tức là nhà đặt hàng thiết kế, thậm chí giao vật tư, nhà sản xuất chỉ cắt may thôi. Cấp thứ hai là ODM (Original Design Manufacturing), tức là người sản xuất có thể thiết kế rồi chào cho khách hàng sản phẩm mà mình có thể chủ động toàn bộ, từ thiết kế cho đến cắt may, nhưng vẫn mang thương hiệu của người nhập khẩu. Và giai đoạn cao nhất là OBM (Own Brand Manufacturing): tự sản xuất, thiết kế thương hiệu của mình và bán cho người tiêu dùng, qua mạng hoặc hệ thống phân phối.

Hiện nay ở Việt Nam dạng OPM vẫn còn rất ít, thí dụ Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè. Những doanh nghiệp nào làm được tới dạng cao nhất là OPM thì có thể hưởng trọn toàn bộ giá trị gia tăng trong chuỗi. Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động để nâng được giá trị, dĩ nhiên kèm theo đó còn phải có những chính sách phù hợp. Vì với cái nhìn đó là một ngành gia công có giá trị thấp, thì sẽ có hai cách ứng xử. Một là nó thấp quá, không quan tâm, và như vậy sẽ bóp chết ngành thời trang. Thứ hai, thấy nó có khả năng phát triển nữa, như vậy cần tạo những chính sách để mở rộng.

Chúng tôi ủng hộ xu hướng thứ hai, vì muốn hay không muốn, với số lượng lao động hàng năm trên một triệu rưỡi người, và không phải ai cũng làm được ngành công nghệ cao, như vậy phát triển ngành dệt may trở thành xương sống cho nền kinh tế sẽ còn có hiệu lực ít nhất hai mươi năm nữa.

08:16

Ông Diệp Thành Kiệt - Thành phố Hồ Chí Minh

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.