Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Mạng Facebook muốn gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam

Về mặt Internet, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, với khoảng 24 triệu người sử dụng, tức 28% dân số. Các đại lý dịch vụ Internet hầu như ở đâu cũng có và gần như các quán cà phê nào cũng có đường truyền Internet wifi. Riêng số người sử dụng Facebook tại Việt Nam hiện được ước lượng là khoảng 1 triệu.

(Montagem RFI)
(Montagem RFI)
Quảng cáo

Tại Việt Nam, số người sử dụng mạng xã hội Facebook đã tăng nhanh chóng trong thời gian qua  và hiện được ước lượng là khoảng 1 triệu, theo một số liệu vừa được công bố tháng 7 vừa qua. Nhưng Việt Nam vẫn thường xuyên bị tố cáo là ngăn chận tự do thông tin trên mạng và đã bắt giam nhiều blogger có những bài viết chỉ trích chính quyền hoặc lên án Trung Quốc. Gần đây nhất, ngày 18/10, đến lượt blogger Anh Ba Sài Gòn ( Phan Thanh Hải ) bị bắt giữ và nhà của ông bị công an khám xét. Nhiều trang blog cũng đã bị đánh phá liên tục như trường hợp của Bauxite Việt Nam. 

Cách nay gần một năm, chính quyền Việt Nam bị tố cáo đã ngăn chặn mạng xã hội Facebook. Tuy chính quyền đã bác bỏ lời tố cáo đó, nhưng cho đến nay, người sử dụng Internet ở vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn truy cập vào trang Facebook. Để đối phó với Facebook, tháng 5 vừa qua, chính phủ Việt Nam đã tung ra phiên bản thử nghiệm một mạng xã hộì riêng đặt tên là go.vn ( www.goonline.vn ). Phiên bản chính thức sẽ được đưa lên mạng vào cuối năm nay. Nhưng người sử dụng phải khai báo tên tuổi đầy đủ và số chứng minh nhân dân. Dĩ nhiên là trên mạng xã hội này, mọi nội dung trao đổi có tính chất chính trị đều bị kiểm duyệt và chủ yếu mạng này sẽ có rất nhiều game để thu hút giới trẻ. 

Mặc dù điều kiện khó khăn như thế, Facebook có vẻ nhất quyết mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Trên trang web của mình, Facebook cho biết đang tìm kiếm một quản trị viên phụ trách chính sách phát triển của mạng tại Việt Nam. Ứng viên là người nói thông thao tiếng Anh và tiếng Việt, biết cách ứng xử trong những tình huống nhập nhằng, có kinh nghiệm trong quan hệ làm việc với chính phủ. Hợp đồng có thời hạn 12 tháng và nơi làm việc là Hà Nội. 

Trả lời AFP ngày 19/10, một phát ngôn viên của Facebook nói rằng thông báo tuyển dụng nói trên không có gì là bất thường, vì họ vẫn tuyển những nhân viên hợp đồng ngắn hạn ở nhiều nước để giúp phát triển Facebook , cho dù họ không có văn phòng đại diện ở những nước đó. 

Nhưng câu hỏi đặt ra bây giờ là làm thế nào Facebook, vốn là một mạng xã hội sinh ra từ xứ sở Hoa Kỳ tự do, có thể thích ứng với một môi trường mà tự do thông tin hoàn toàn không có ? Thật ra thì Việt Nam không phải là nước duy nhất mà Facebook phải giới hạn truy cập thông tin, nhưng trong một quốc gia toàn trị, độc đảng như Việt Nam, ranh giới giữa những gì được phép nói và không được phép nói rất là không rõ ràng. Bất cứ ai cũng có thể bị quy vào tội "truyên truyền chống Nhà nước" nếu lên tiếng than phiền, trách cứ chính phủ về một vấn đề nào đó. 

Cuối năm ngoái, các nhà tài trợ đã lưu ý Việt Nam rằng các chính sách kiểm duyệt thông tin, Internet sẽ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Không chắc là chính quyền Hà Nội sẽ nghe theo lời khuyến cáo đó. Nhưng cần phải thấy rằng những tường lửa, những phần mềm kiểm soát đều không thể ngặn chận toàn bộ thông tin lưu truyền trên mạng, bởi vì người sử dụng khao khát thông tin đều có thể tìm ra cách để vượt qua những cản ngại đó. Có lẽ Facebook cũng nhận thấy điều đó cho nên họ tìm cách củng cố vị trí ở Việt Nam, mà như đã nói ở trên, hiện là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới về Internet.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.