Vào nội dung chính
VỆT NAM

Đại biểu Quốc hội yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ về vụ Vinashin

Hôm nay 01/11/2010, trong phiên thảo luận kinh tế và xã hội tại Quốc hội Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, đã yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên chính phủ có liên quan đến vụ Vinashin, trong đó có cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì chính ông Dũng đã bổ nhiệm chủ tịch Vinashin Nguyễn Thanh Bình. Ông Bình đã bị đình chỉ chức vụ vào tháng 7 vừa qua và sau đó bị bắt vì trách nhiệm của ông trong món nợ của tập đoàn này, lên tới 4,3 tỷ đôla.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam đang muốn quy trách nhiệm đến cùng trong vụ Vinashin đổ bể
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam đang muốn quy trách nhiệm đến cùng trong vụ Vinashin đổ bể
Quảng cáo

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị thành lập một Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của thành viên chính phủ có liên quan đến vụ Vinashin và tạm đình chỉ chức vụ những vị này, trong thời gian ủy ban tiến hành điều tra. Những đề nghị của ông Nguyễn Minh Thuyết là hoàn toàn đúng theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội của Việt Nam, nhưng cho tới nay chưa ai dám sử dụng các quyền này.

Vào tháng trước, trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không có báo cáo chi tiết về vụ Vinashin, mà chỉ nhìn nhận rằng tình trạng của Vinashin là « nghiêm trọng, chủ yếu là do yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo tập đoàn ». Ông Dũng nhận trách nhiệm của chính phủ và cho biết thêm là chính phủ đã « nghiêm túc kiểm điểm và đã đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh hoạt động của tập đoàn ». Nhưng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chỉ kiểm điểm trong nội bộ chính phủ là chưa đủ.

Đây cũng là ý kiến của một số đại biểu khác, như ông Huỳnh Ngọc Đáng. Theo ông Đáng, « chính phủ phải có câu trả lời hợp lý hơn về vụ Vianshin trước Quốc hội và trước nhân dân ». Còn đại biểu Phạm Thị Loan thì đặt câu hỏi : « Ai phải chịu trách nhiệm sau cùng ? Người nào làm sai thì phải xin lỗi nhân dân và phải từ chức ». Hãng tin AFP hôm nay nhắc lại là vào tháng trước, bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng đã nói rằng chính phủ Việt Nam cần phải rút ra những bài học cần thiết về vụ Vinashin.

Việc đại biểu Quốc hội đòi truy cứu trách nhiệm chính phủ về vụ Vinashin xảy ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng khi càng đến gần Đại hội Đảng, mà theo dự kiến sẽ được triệu tập vào tháng Giêng năm tới.Thật ra thì Vinashin chỉ là điển hình của tình trạng các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay, vốn đã được thành lập một cách chính thức, nhưng lại hoạt động theo kiểu thí điểm và hoàn toàn không có một khuôn khồ pháp lý nào cả.

Trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ trích việc quản lý Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ), đã gây nên tình trạng thiếu điện triền miên nhiều năm qua, vì tập đoàn này không lo phát triển hệ thống cấp điện, mà lại đầu tư vào những ngành khác, như chứng khoán, tài chính.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.