Vào nội dung chính
KINH TẾ VIỆT NAM

Một nửa công ty nhà nước Việt Nam bị nạn một người độc chiếm quyền hành

Theo điều tra sơ bộ của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, hầu hết các tập đoàn kinh tế độc quyền và doanh nghiệp nhà nước lớn tại Việt Nam bị lâm vào tình trạng không minh bạch về thông tin. Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng quyền lực bị thâu tóm trong tay một người, với khoảng một nửa doanh nghiệp nhà nước có chủ tịch Hội đồng Quản trị đồng thời kiêm nhiệm chức tổng giám đốc.

Vinashin đã trở thành biểu tượng của tập đoàn kinh tế Nhà nước quản lý kém cỏi gây tổn hại cho công quỹ.
Vinashin đã trở thành biểu tượng của tập đoàn kinh tế Nhà nước quản lý kém cỏi gây tổn hại cho công quỹ. DR
Quảng cáo

Theo báo chí Việt Nam ngày 13/11/2010, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một cơ sở nghiên cứu chủ chốt về kinh tế Việt Nam, trực thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư, đã sơ bộ công bố kết quả điều tra về quản trị doanh nghiệp trong các công ty quốc doanh, đặc biệt có liên quan đến các « tập đoàn kinh tế » nhà nước tại Việt Nam. Các cơ sở này hiện là đối tượng quan tâm đặc biệt của công luận, nhất là sau vụ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đứng bên bờ vực phá sản, mùa hè vừa qua.

Báo cáo này được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu của 390 doanh nghiệp nhà nước, tự nguyện tham gia vào cuộc điều tra này. Nghiên cứu kể trên được tiến hành trong khuôn khổ dự án “Đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước và giám sát tập đoàn kinh tế Nhà nước theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ kinh tế thị trường”, với tài trợ của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập WTO.

Những thông tin sơ bộ về các nội dung chính của bản báo cáo này đã phơi bày nhiều mặt của thực trạng khu vực kinh tế nhà nước tại Việt Nam, cho thấy tình trạng không minh bạch về thông tin ngự trị tại hầu hết các Tập đoàn kinh tế độc quyền và các doanh nghiệp nhà nước lớn. Điều này khiến cho việc giám sát các hoạt động của các doanh nghiệp bị cản trở.

Gần một phần ba các doanh nghiệp được điều tra không bao giờ đánh giá kết quả hoạt động của các giám đốc và tổng giám đốc. Điều đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng quyền lực được thâu tóm vào tay một người, với việc khoảng một nửa các doanh nghiệp đa sở hữu và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có chủ tịch Hội đồng Quản trị đồng thời kiêm tổng giám đốc điều hành.

03:38

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tại Hà Nội

Sau đây là một số phân tích của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương về vấn đề này :

« Tôi chưa được biết kết quả điều tra, nhưng tôi rất mừng có một cuộc điều tra như thế đã được tiến hành. Cuộc điều này sẽ cho xã hội biết về thực trạng của công việc quản trị của các tập đoàn. Điều này là hết sức cần thiết đối với Việt Nam hiện nay.

Theo tôi biết, tình trạng quản trị của các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước chưa có tiến triển được bao nhiêu. Luật doanh nghiệp (cũ) vừa mới kết thúc ngày 1/7/2010. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa được quản trị theo mô hình nhà nước hiện đại theo luật doanh nghiệp mới, theo đó, những cổ đông, và hội đồng quản trị có những chức năng rõ ràng.

Cái điều quan trọng là cho đến nay, các DNNN không hề công khai các kết quả kinh doanh, cũng không hề được kiểm toán bởi những hệ thống kiểm toán độc lập. Mà ngay cả, nếu như Ngân hàng Thế giới hay các tổ chức quốc tế và các cơ quan tài trợ có thuê các cơ quan kiểm toán quốc tế, thì sau đó, các cơ quan đó lại phải thuê lại các cơ quan kiểm toán Việt Nam để làm công việc kiểm toán đó.

Cho nên, kết quả của cái gọi là cơ quan kiểm toán quốc tế ở các DNNN Việt Nam rất hạn chế. Tôi đã có dịp đọc một số bản kiểm toán quốc tế như vậy, thì có nhiều trang để trắng, có ghi : một số giấy tờ về việc này, chúng tôi không được phép tiếp cận, như các khoản chi tiêu, « tiếp cận » với ngân hàng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng : kết quả điều tra này là một thúc đẩy quan trọng để cho Quốc hội, cũng như toàn thể xã hội và chính phủ sẽ phải quyết tâm giám sát chặt chẽ hơn các tập đoàn.

Thứ hai, trong mô hình quản trị kinh doanh của các DNNN, của các tập đoàn kinh tế, có chủ tịch Hội đồng Quản trị và tổng giám đốc. Cả hai vị trí này đều được bổ nhiệm bởi những cấp cao hơn. Thí dụ, ở các tập đoàn do thủ tướng bổ nhiệm, ở các tổng công ty do bộ trưởng bổ nhiệm. Nhưng một trong hai ông ấy lại được lãnh nhận chức vụ bí thư ban cán sự  - về phía Đảng (Cộng sản), bí thư ban cán sự là người trực tiếp báo cáo với Ban bí thư -, hoặc bí thư Đảng ủy - là người chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của Đảng tại cơ sở. Mà cá nhân nào có chức vụ trong Đảng, thì người ấy có quyền cao hơn, và nếu như người ấy có quyền cao hơn, thì người ấy có khả năng thâu tóm được các hoạt động của doanh nghiệp.

Trong DNNN Việt Nam, thường có một trong hai người, hoặc chủ tịch Hội đồng Quản trị, hoặc tổng giám đốc, rất bận bịu, rất nhiều quyền hành, còn người kia thì « ngồi chơi, xơi nước », hoặc đóng một vai trò rất thụ động, phụ thuộc, hoặc theo lệnh chỉ huy của người kia. Điều này dẫn đến quản trị trong DNNN tại Việt Nam rất thiếu dân chủ. Như chúng ta thấy, trong trường hợp Vinashin, bây giờ thấy kết quả rất rõ rồi, ông Phạm Thanh Bình có rất nhiều sai sót trong quản lý công ty. Cho đến khi tình hình đổ bể, ông ấy bị bắt, sự thực mới được phơi bày ra.

Tôi nghĩ rằng, tình trạng được phơi bày ra này chính là những bài học đau đớn, đắt giá, để cho Việt Nam thấy cần phải nỗ lực tiếp cận với một hệ thống quản trị minh bạch hơn : có sự giám sát trong nội bộ, có sự giám sát của kiểm toán ở bên ngoài, và có sự giám sát của công chúng, của báo chí. Theo tôi, đấy là những điều mà chúng ta cần phải đi tới được. »
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.