Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Nạn bạo hành phụ nữ tại Việt Nam : Cần nhìn thẳng vào sự thật

Đăng ngày:

Có đến 58%, tức là đến hơn phân nửa phụ nữ Việt Nam đã từng bị chồng đánh đập, hoặc bị người chồng bạo hành tình dục, bạo hành về tinh thần ít nhất một lần trong đời. Tuy nạn bạo hành gia đình là phổ biến nhưng người ta vẫn giấu diếm và nhiều phụ nữ vẫn coi việc bị chồng đánh là « bình thường ».

Quảng cáo

Trên đây là kết quả công trình nghiên cứu do Việt Nam và Liên Hiệp Quốc phối hợp tiến hành, được công bố vào Ngày thế giới chống nạn bạo hành phụ nữ 25/11 năm nay.

Theo công trình nghiên cứu nói trên, trong số những phụ nữ đã lập gia đình, có đến 58%, tức là hơn phân nửa, đã từng bị chồng đánh đập, hoặc bị người chồng bạo hành tình dục, bạo hành về tinh thần ít nhất một lần trong đời. Và có 9% nhìn nhận họ hiện vẫn đang là nạn nhân của bạo hành.

Điều đáng chú ý là phân nửa trong tổng số 4.838 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 60 được điều tra đã cho biết, đây là lần đầu tiên họ thú nhận mình là nạn nhân của bạo hành. Người chủ trì công trình nghiên cứu trên, Henrica Jansen nhận xét : « Tuy nạn bạo hành gia đình là phổ biến nhưng người ta vẫn giấu diếm » và nhấn mạnh, nhiều phụ nữ vẫn coi việc bị chồng đánh là « bình thường ». Còn ông Jean-Marc Olivé, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng « Bản báo cáo đã cho thấy rõ cần khẩn thiết phá tan sự im lặng ».

Trao đổi với RFI Việt ngữ, bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên, gọi tắt là SAGA ở Hà Nội đã nhận xét, đây là lần đầu tiên có một báo cáo mang tính tổng thể về vấn đề bạo hành phụ nữ tại Việt Nam. Sau khi phân tích về các nguyên nhân khiến người phụ nữ chấp nhận là nạn nhân của bạo hành, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng nạn bạo hành gia đình là một thực tế cần phải nhìn nhận để có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Về mặt luật pháp, luật sư Phạm Lĩnh Sơn, Phó trưởng văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Phòng chống bạo lực gia đình của Việt Nam đã có hiệu lực từ năm ngoái. Tuy nhiên trong thực tế, còn tùy thuộc ở cơ sở như chi hội phụ nữ, tổ dân phố, công an địa phương. Và hiện nay, tất cả đều hoạt động một cách tự nguyện chứ không có kinh phí từ phía nhà nước.

Ngay cả các văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, các luật sư đều là những người tình nguyện giúp đỡ, và lắm khi không có được sự hỗ trợ từ địa phương. Và tuy đã có luật rồi, nhưng để áp dụng được trong cuộc sống không phải là dễ dàng vì quy định chưa thật cụ thể.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.