Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam

Đăng ngày:

Ngày mai, 7/12/2010, cũng như mọi năm, hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ sẽ lại khai mạc tại Hà Nội và sẽ kéo dài trong hai ngày. Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt nam bao gồm các thành viên của chính phủ Việt nam, các đại diện của các nhà tài trợ song phương và đa phương cho Việt nam, và các tổ chức phi chính phủ.

Tại Hội nghị năm 2009, các nhà tài trợ đã đồng ý giúp Việt Nam hơn 8 tỷ đô la cho năm 2010. Ảnh tư liệu (DR)
Tại Hội nghị năm 2009, các nhà tài trợ đã đồng ý giúp Việt Nam hơn 8 tỷ đô la cho năm 2010. Ảnh tư liệu (DR)
Quảng cáo

Trong hội nghị năm ngoái, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ tài chính hơn 8 tỷ đôla cho chương trình giảm nghèo và phát triển ở Việt Nam. Nhưng năm nay, trong bối cảnh nhiều nước, nhất là ở châu Âu, đang bị thâm thủng ngân sách ngày càng cao và trong bối cảnh khó khăn tài chính chung trên thế giới, rất có thể là mức cam kết tài trợ năm nay sẽ không được như mức của năm ngoái. Hơn nữa, Việt Nam nay đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cho nên điều kiện tài trợ cho Việt Nam chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Một điều cũng chắc chắn là các nhà tài trợ năm nay sẽ lại thúc giục Việt Nam đẩy mạnh cải tổ, nhất là trong việc quản lý các hoạt động của khu vực kinh tế Nhà nước, sau vụ tập đoàn Vinashin nợ nần chồng chất, gần như phá sản. Phòng chống tham nhũng, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cũng là những lĩnh vực được bàn thảo tại hội nghị nhóm tư vấn lần này.

Nhân đây, chúng tôi xin mời quý vị nghe nhận định của tiến sĩ Lê Đăng Doanh về những yêu cầu của các nhà tài trợ đối với Việt Nam.

10:31

Phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Thanh Phương

Trước hội nghị các nhà tài trợ, cũng như thường lệ, một Diễn đàn Doanh nghiệp đã được tổ chức ngày 2/12 và vẫn là nơi để giới đầu tư đối thoại trực tiếp với đại diện chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh tiền đồng ngày càng bị mất giá và lạm phát năm nay có nguy vượt quá 10%, các nhà đầu tư đã nhân dịp này bày tỏ những quan ngại của họ. Tiêu biểu là ý kiến của Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam.

Theo tổ chức này, tình trạng lạm phát tăng cao, các biện pháp kiểm soát giá cả và chế độ tỷ giá hiện nay gây tổn hại cho sự tin cậy vào chính sách kinh tế và tiền tệ của Việt Nam. Hơn nữa, theo Phòng thương mại Mỹ, chính sách chỉ tập trung kiểm soát giá cả các mặt hàng nhập khẩu là vi phạm những cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới. Còn đối với Phòng thương mại châu Âu, việc tiền đồng giảm giá sẽ có tác động tiêu cực đến thu nhập của các nhà sản xuất và như vậy làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Còn theo một nhà kinh tế thuộc công ty tư vấn Capital Economics, các biện pháp kiểm soát giá cả, nếu không đi kèm với việc tăng lãi suất và giảm thâm thủng ngân sách, thì sẽ không có hiệu quả gì. Theo kinh tế gia Kevin Grice, “ để lạm phát giảm xuống vào năm tới, phải nhanh chóng siết chặt hơn nữa chính sách thuế khóa và tiền tệ”.

Ngay từ Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 6 năm 2010, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo rằng tình trạng thiếu thông tin về dự trữ ngoại hối quốc tế đã gây ra nỗi lo ngại về tính bền vững của chính sách tỷ giá của Việt Nam.

Nói chung là hiện nay các nhà đầu tư ngày càng quan ngại về tình trạng bất ổn định của kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam, nhất là thị trường không hiểu rõ chính sách kinh tế và tiền tệ của chính phủ thật sự đi theo hướng nào.

Nhưng thật ra cũng phải hiểu rằng ,Việt Nam sắp tổ chức Đại hội Đảng vào đầu năm tới và đây là thời gian coi như là bộ máy chính quyền đều ngưng trệ, do ai cũng ngóng cổ chờ xem kết quả Đại hội sẽ ra sao, phe nào sẽ thắng sau cuộc đấu đá tranh giành quyền lực ngày càng quyết liệt này. Có điều, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng nếu không thay đổi mô hình phát triển bắt chước theo kiểu Trung Quốc, nền kinh tế của Việt Nam có nguy cơ gặp khủng hoảng lớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.