Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Theo IMF, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam xuống thấp

Lời báo động của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được đưa ra hôm 07/12 tại Hội nghị thường niên các nhà tài trợ cho Việt Nam, diễn ra trong 2 ngày (7-8/12) tại Hà Nội. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tính đến tháng 9 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã xuống đến mức chỉ còn bảo đảm được không đầy 2 tháng nhập khẩu.

IMF tham gia Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (imf.org)
IMF tham gia Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (imf.org)
Quảng cáo

Trong tham luận tại hội nghị, ông Masato Miyazaki, đại diện cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, không cho biết số liệu cụ thể về dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, mà chỉ ghi nhận rằng : “Dự trữ quốc tế của Việt Nam đã ổn định trong năm nay nhưng vẫn còn ở mức thấp, khoảng 1,8 tháng nhập khẩu tính đến tháng Chín năm nay”. 

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, vào tháng 9 vừa qua, chính IMF đã dự báo rằng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể tăng lên khoảng 15,4 tỷ đô la vào cuối năm nay, cao hơn mức 14,1 tỷ vào cuối năm 2009. Cũng theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, mức dự trữ vào tháng 12 năm ngoái chỉ bảo đảm được không đầy 2,5 tháng nhập khẩu mà thôi.

Dự trữ ngoại tệ thấp, theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nằm trong một loạt các chỉ số đang đặt ra cho Việt Nam « những thách thức chính sách trước mắt ». IMF đã liệt kê : 

- tình trạng lạm phát gia tăng : "có thể sẽ lên mức hai con số trong năm nay so với cùng kỳ năm trước"

- tăng trưởng tín dụng quá cao : "vượt quá mục tiêu năm nay là 25%"

- thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỷ đô la trong tháng 11 và thâm hụt tài khoản vãng lai "vẫn còn rất lớn (dù) ở mức dưới 7% của GDP"

- đồng nội tệ Việt Nam bị "áp lực mất giá liên tục." 

Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải ba lần hạ giá đồng tiền Việt Nam, vào lúc nẩy sinh các mối lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế được đẩy nhanh trở lại có thể làm nhập khẩu tăng vọt, và gia tăng nguy cơ Việt Nam bị cạn nguồn vốn cần thiết để bù đắp cho thâm hụt thương mại.

Hồi tháng 11 vừa qua, Ngân hàng JPMorgan Chase thẩm định là lạm phát tại Việt Nam đã thúc đẩy người dân đổ xô đi mua vàng và đô la, gây sức ép trên dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Trước đó, chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered dự đoán rằng chính quyền Việt Nam sẽ phải tìm cách đắp thêm vào kho dự trữ ngoại tệ nếu nhận thêm được đầu tư từ nước ngoài.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.