Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách tiền tệ nhất quán

Trên đây là nhận định của các chuyên gia Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cầntái tạo lòng tin sau những lần tăng lãi suất, gây ra lạm phát cao. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 12 đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2009. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên đến 2,5%.

Reuters
Quảng cáo

Hôm qua, 25/12/2010, tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Võ Trí Thành, chuyên gia thuộc Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định là trong năm 2010, các chính sách tiền tệ rất rối ren và điều này ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế. Theo ông, chính sách không nhất quán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý tiền tệ và hối đoái đã tác động đến sự tin tưởng vào các chính sách của Ngân hàng Trung ương.

Ông Hà Văn Hiền, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay đã tăng lên một cách phức tạp, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11/2010. Trong tháng 11, một số ngân hàng thương mại đã tăng tiền gửi lên đến 18%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh là lạm phát đã tăng cao quá mức dự báo và một trong những nguyên nhân của tình hình này là chính sách lãi suất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12, giá cả tiêu dùng đã tăng 11,75%, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2009. Một quan chức trong Ủy ban Kinh tế nhận định, chính phủ đã không sử dụng được chính sách tiền tệ để cắt giảm lạm phát.

Cũng liên quan đến tiền tệ, trong cuộc họp nói trên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết là nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên đến 2,5% so với 2,03% của năm 2009. Mức nợ xấu có thể cao hơn nếu tính gộp cả 26 ngàn tỷ đồng nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, - Vinashin. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết là khoản nợ nói trên hiện đang được cơ cấu lại thành 16 tỷ đồng.

Cũng trong năm nay, tổng tín dụng mà các ngân hàng Việt Nam cho vay tăng 27,65% so với năm ngoái, trong khi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đề ra là 25%. Cụ thể, tín dụng cho vay bằng Việt Nam đồng tăng 25,34%, mức cho vay bằng ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, tăng 37,76%.

Về trao đổi mậu dịch, thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam trong năm nay có thể giảm nhẹ xuống còn 12,37 tỷ đô la, so với mức 12,87 tỷ đô la của năm ngoái. Đây là kết quả của việc xuất khẩu tăng 25,5%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 20,1%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.