Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Việt Nam đặt mục tiêu kìm lạm phát dưới 3,5% trong nửa đầu năm 2011

Hôm nay, 27/12/2010, báo chí trong nước đưa tin là tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hôm thứ bẩy vừa qua, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu đề ra mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 3,5% trong nửa đầu năm tới và lạm phát trong toàn năm 2011 sẽ dưới 7%. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố vào tuần trước, chỉ số giá cả tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng 11,75% trong tháng 12, cao hơn mục tiêu đã định. 

Lạm phát phi mã đang đè nặng lên cuộc sống của những người thu nhập thấp (ảnh: một người bán hàng rong tại Hà Nội)
Lạm phát phi mã đang đè nặng lên cuộc sống của những người thu nhập thấp (ảnh: một người bán hàng rong tại Hà Nội) Ảnh: REUTERS/Kham
Quảng cáo

Sau khi đề ra mục tiêu kìm hãm lạm phát ở mức 7% trong năm 2010, chính phủ Việt Nam đã phải sửa đổi dự báo theo chiều hướng tăng lên, chỉ nói là giữ lạm phát ở mức một con số và cuối cùng thì thừa nhận là khó giữ được lạm phát dưới 10%.

Theo một nhà phân tích xin dấu tên ở thành phố Hồ Chí Minh, được báo trên mạng The Wall Street Journal trích dẫn, áp lực lạm phát trong năm 2011 sẽ rất mạnh và Việt Nam khó thực hiện được mục tiêu trong năm tới. Ông giải thích, « giá cả các sản phẩm chủ chốt như than, điện, dầu lửa, có thể sẽ tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào đầu tháng hai, trong khi giá cả các sản phẩm tiêu dùng có thể tăng mạnh trong tháng giêng, trước kỳ nghỉ Tết ».

Cũng trong cuộc họp nói trên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn cho biết là Việt Nam sẽ cố giữ lãi suất tín dụng ở mức 14% trong năm 2011 và giảm dần dần theo tỷ lệ lạm phát. Trong năm qua, tổng mức tín dụng mà các ngân hàng Việt Nam cung cấp tăng 27,65% trong đó, các khoản cho vay bằng đô la tăng 37,76% và cho vay bằng tiền đồng tăng 25,34%.

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp Thụy Điển làm ăn tại Việt Nam không lo ngại trước việc sứ quán Thụy Điển đóng cửa trong năm tới, để tiết kiệm ngân sách.

Theo báo trên mạng Scandasia.com, ông Johan Sundberg, chủ một doanh nghiệp sử dụng 200 nhân viên tại thành phố Hồ Chí Minh nói rằng các doanh nhân Thụy Điển đang làm ăn tại Việt Nam vẫn cảm thấy an toàn, không có ai lo ngại gì cả trước việc sứ quán Thụy Điển đóng cửa. Nhưng ông cũng nghĩ rằng lãnh sự  quán Thụy Điển tại thành phố Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục hoạt động.

Trong tuần qua, chính phủ Thụy Điển thông báo, sẽ đóng cửa 7 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó có sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trong năm 2011. Sứ quán Thụy Điển tại Thái Lan sẽ kiêm nhiệm Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.