Vào nội dung chính
VIỆT NAM- KINH TẾ

Tốc độ cất cánh của Việt Nam bị cản trở do các vấn nạn tài chính

Vụ tập đoàn Vinashin gần như sụp đổ là một cú sốc chưa từng thấy đối với Việt Nam. Theo Les Echos, Việt Nam là nước đứng ngay tốp sau của những quốc gia khổng lồ mới nổi, thuộc nhóm Tứ Cường (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), với tỷ lệ tăng trưởng 7% trong năm 2010 vừa qua, và năm tới dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục là 7,5%. 

Nợ của Vinashin lên tới 4,4 tỷ đô la, tương đương 4,5% GDP (DR)
Nợ của Vinashin lên tới 4,4 tỷ đô la, tương đương 4,5% GDP (DR)
Quảng cáo

Nhật báo Les Echos dưới tựa đề « Tốc độ cất cánh của kinh tế Việt Nam bị cản trở do các vấn nạn tài chính », đưa ra nhận định : Việt Nam nằm trong số các nước mới trỗi dậy. Quy mô kinh tế ở mức trung bình và Việt Nam được đánh giá cao. Tuy nhiên mới đây xuất hiện những nghi ngờ về mức độ vững chắc của ngành tài chính Việt Nam, sau khi tập đoàn Vinashin của Nhà nước suýt phá sản.

Vụ tập đoàn Vinashin gần như sụp đổ, với một món nợ tương đương với 4,5% tổng sản phẩm nội địa, là một cú sốc chưa từng thấy đối với Việt Nam, một nền kinh tế mới trỗi dậy. Theo Les Echos, Việt Nam là nước đứng ngay tốp sau của những quốc gia khổng lồ mới nổi, thuộc nhóm Tứ Cường (BRIC : Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), với tỷ lệ tăng trưởng gần 7% trong năm 2010. GDP của Việt Nam cho năm nay dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục là 7,5%.
Năm 2010, 18,8 tỷ đô la đầu tư đã được đưa vào Việt Nam. Việt Nam hấp dẫn với các nhà đầu tư vì, theo nhận định của Les Echos, có « lợi thế nhân công giá rẻ và cần cù, nằm dưới sự điều hành của một chế độ chính trị cứng rắn ».

Tuy nhiên, vụ bê bối Vinashin càng tăng thêm mối ngờ vực về khả năng tài chính của đất nước 84 triệu dân này. Để lưu ý độc giả, Les Echos đưa ra hai đồ thị cho thấy tỷ lệ thuận rất đáng lo ngại giữa việc tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng nhanh và lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam cũng tăng nhanh trong khoảng thời gian giữa 2001-2010.

Ngay trước Noel, tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Việt Nam đã được các chủ nợ chấp nhận cho hoãn trả khoản tiền 60 triệu đô la. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang chờ ngân hàng Credit Suisse trả lời về yêu cầu hoãn một năm món nợ 600 triệu đô la.

Thứ ba vừa qua, chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp trợ giúp Vinashin. Tập đoàn bên bờ vực sụp đổ này sẽ nhận được các khoản cho vay không lãi suất để trả lương và các khoản chi phí khác cho đến cuối năm 2011. Theo Les Echos, chắc chắn, tập đoàn này sẽ phải được « tái cấu trúc » với việc hàng loạt nhân công bị sa thải.

Biến cố Vinashin đã tác động rất lớn đến các hoạt động của Việt Nam trên thị trường vốn. Giá của hợp đồng bảo hiểm cho việc muộn trả nợ của Việt Nam đã tăng lên đến mức cao nhất kể từ 18 tháng vừa qua, và cơ quan thẩm định tài chính Moody’s, trong tháng 12 vừa qua đã hạ điểm đối với các trái phiếu dài hạn của Việt Nam, từ Ba3 xuống mức B1 (có nghĩa là không nên đầu tư), với lời giải thích mức thâm hụt cán cân thanh toán của Việt Nam là quá cao và quỹ dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương là quá thấp, trong bối cảnh đồng tiền Việt Nam đang suy yếu.

Việt Nam Đồng đã ba lần bị rớt giá kể từ tháng 11, điều này khiến lạm phát tăng nhanh hơn. Nguyên nhân của lạm phát, với tỷ lệ hiện tại vượt quá con số 7%, còn là do lượng tiền cho vay tăng rất mạnh trong năm vừa qua (27,6%).

Chính phủ Việt Nam mới đây cũng thừa nhận phải ưu tiên hàng đầu cho cuộc chiến chống lạm phát. Theo Les Echos, vào thời điểm này, lập lại trật tự tài chính của Việt Nam tỏ ra là chủ đề hết sức tế nhị, trong bối cảnh các lãnh đạo Việt Nam đang bù đầu trong việc chuẩn bị đại hội đảng Cộng sản sắp tới.


Án tử hình ném đá người phụ nữ Iran Sakineh có thể bị hủy bỏ

Theo Libération, ngày hôm qua, người đứng đầu ngành Tư pháp tại tỉnh đông Azerbaidjan (Iran) cho biết án tử hình ném đá bà Malek Ajdar Sakineh có thể sẽ được hủy bỏ, với nhận định, có « những điều không rõ ràng » trong các bằng chứng về vụ việc này.

Tuyên bố này được ra ngày hôm sau khi con trai của tử tội này, ông Sajjad Ghaderzadeh, tuyên bố mẹ mình là người có tội trong vụ án giết bố. Cơ quan tư pháp địa phương đã lần lượt đưa ông Sajjad Ghaderzadeh và mẹ là Malek Ajdar Sakineh, ra khỏi tù để đối thoại với các phóng viên. Trong một cuộc nói chuyện ngắn ngủi kéo dài 10 phút, trong đó bà Sakineh khẳng định rõ rằng bà vô tội và muốn khiếu kiện hai nhà báo Đức, là những người đã từng phỏng vấn con trai bà và hiện đang bị giam giữ tại Iran.

Theo nhà triết học Pháp Bernard-Henvi Lévy, cuộc gặp gỡ với báo giới này chỉ là một cuộc dàn cảnh của chính quyền Teheran. Theo Le Figaro, trong cuộc gặp gỡ này các phóng viên không được đặt ra bất cứ câu hỏi nào, và điều đáng ngại là tuyên bố khả năng hủy bỏ bản án được đưa ra một ngày sau cuộc gặp gỡ với báo giới. Như vậy, chính quyền Iran vẫn để treo lơ lửng khả năng tử hình bà Sekineh.

Tổng thống Bolivia hủy bỏ sắc lệnh xóa trợ cấp cho xăng dầu

Cũng theo Le Figaro, một sự kiện gây ngạc nhiên là, ngày hôm qua, tổng thống Evo Moralez, đã đột ngột ra quyết định hủy bỏ lệnh 787, xóa trợ cấp xăng dầu, khiến giá mặt hàng này tăng vọt lên từ 50-80% tại Bolovia. Trước làn sóng phản đối dữ dội, người đứng đầu nước này đã tuyên bố lắng nghe các nghiệp đoàn và chấp nhận hủy bỏ sắc lệnh này.

Trước đó, ngày thứ tư, tổng thống Bolivia đã tìm cách trấn an công luận bằng cách hứa hẹn sẽ tăng lương 20% cho các ngành quân đội, cảnh sát, y tế và giáo dục. Tuy nhiên, biện pháp này không đủ để hạ bớt nỗi bất bình.

Tống thống Bolivia vừa tái cử năm 2009, với những hứa hẹn tiến hành cải cách sâu rộng đất nước, đặc biệt với việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu khí và tạo điều kiện thăng tiến cho các cư dân gốc da đỏ. Theo Le Figaro, với 60% dân số sống dưới mức nghèo đói, các cải cách của ông Morales còn phải đợi thời gian mới có thể cho thấy kết quả.

Tây Ban Nha áp dụng nhất loạt luật cấm hút thuốc tại các nơi công cộng khép kín

Dưới tựa đề « Tây Ban Nha cấm hút thuốc trong các quán », nhật báo La Croix giới thiệu về việc Madrid áp dụng luật mới về việc loại trừ thuốc lá ra khỏi các không gian công cộng. Luật cấm hút thuốc mới được ban hành để thay thế cho luật hạn chế thuốc lá năm 2006, dành quyền quyết định cho chủ các quán hàng có diện tích hơn 100m², về việc có tiếp tục hay không cho phép hút thuốc trong quán của mình. Thực tế là 95% các quán vẫn cho phép hút thuốc.

Đứng trước nguy cơ mất khách, các chủ quán tìm cách cách đối phó khác nhau. Một trong các biện pháp phổ biến là làm thêm một không gian nhỏ ngoài trời được che lại để cho những khác nào hút thuốc. Về phía những người không hút thuốc, có ý kiến cho rằng luật mới này hợp lý, vì xã hội Tây Ban Nha đã dần dần quen với việc cấm hút thuốc tại những nơi công cộng khép kín.

Trên thực tế, tại Châu Âu, có 11 nước đã có luật cấm hút thuốc nói chung tại những nơi công cộng trong nhà, trong đó có 9 nước áp dụng luật cấm toàn bộ là Anh và Aixơlen. Chín nước khác có chế độ cấm mềm mại hơn, với việc cho phép lập một nơi hút thuốc tại nơi làm việc, hoặc không gian công, nơi được thông gió để bảo đảm vệ sinh. 9 nước đó là : Ý, Malta, Thụy Điển, Littuania, Phần Lan, Slovenia, Pháp, Hà Lan, và Tây Ban Nha là nước thứ 9.

19 nước Châu Âu khác theo chế độ cấm bán phần, chế độ này để lại cho người phụ trách hoặc người chủ của cơ sở quyền quyết định có để hút thuốc hay không tại cơ sở do mình phụ trách, nhưng phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định, như về diện tích của phòng, hay các biện pháp bảo vệ những người không hút thuốc.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.