Vào nội dung chính
VIỆT - MỸ

WikiLeaks: Đại sứ Mỹ dự báo ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục làm Thủ tướng

Tờ nhật báo The Guardian của Anh Quốc hôm qua đã đăng tải một bức điện của đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak, đưa ra những dự báo của ông về các lãnh đạo tương lai của Việt Nam sẽ được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 11. Bức điện này nằm trong số 250 ngàn tài liệu ngoại giao mà Wikileaks nắm trong tay và đã bắt đầu công bố từ nhiều tuần qua. 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. AFP
Quảng cáo

Bức điện này được gởi đi từ cuối năm 2009, sau hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 7 năm đó, cho nên một số những dự báo của đại sứ Mỹ dĩ nhiên là không con tính thời sự khi mà Đại hội Đảng đã khai mạc từ hôm qua. Nhưng ngay từ lúc đó, đại sứ Michael Michalak đã tiên đoán là ông Nguyễn Tấn Dũng có nhiều cơ may sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. Được bổ nhiệm từ Đại hội Đảng lần trước vào năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng đã củng cố quyền lực với sự yểm trợ của giới doanh nghiệp và nhờ có quan hệ chặt chẽ với giới báo chí và các nước phương Tây.

Đã có lúc một số chuyên gia nghĩ rằng ông Nguyễn Tấn Dũng muốn giành chức Tổng bí thư, nhưng theo đại sứ Mỹ, ông Dũng được chuẩn bị tốt hơn cho việc duy trì chiếc ghế Thủ tướng, thậm chí có thể đó vẫn là mục tiêu ban đầu của ông. Theo ông Michael Michalak, mặc dù bị chỉ trích nặng nề vì ủng hộ dự án để cho Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên, bị chê trách về kết quả kém cỏi trong lĩnh vực chống tham nhũng, y tế và giáo dục, Thủ tướng Dũng đã phát triển một ảnh hưởng không ai sánh bằng trên bộ máy Nhà nước. Ông Dũng vẫn có được sự yểm trợ mạnh mẽ từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Sự ủng hộ này càng được củng cố qua đợt đàn áp các nhà đối lập gần đây nhất.

Nhưng bức điện của đại sứ Mỹ cũng ghi nhận ảnh hưởng quan trọng của ông Trương Tấn Sang, 61 tuổi, Thường trực Ban bí thư, mà trên thực tế đã trở thành nhân vật số hai trong ban lãnh đạo Đảng. Ông Sang cũng là người miền Nam như ông Dũng và vẫn là đối thủ của ông này từ nhiều năm qua.

Theo ông Michael Michalak, « Về mặt kinh nghiệm, quyền lực và tiềm năng lâu dài về sự nghiệp, hai ông Dũng và Sang vượt trội hẳn các ủy viên khác trong Bộ Chính trị », tức là họ là hai nhân vật có thế lực nhất hiện nay trên sân khấu chính trị Việt Nam. Theo bức điện của đại sứ Mỹ, cả hai ông Dũng và Sang đều không chủ trương cải tổ chính trị theo kiểu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng họ là những nhân vật « có đầu óc thực dụng, theo xu hướng thị trường và đều ủng hộ việc cải thiện từng bước và vững chắc quan hệ với Hoa Kỳ. »

Đại sứ Mỹ nhận định, cả hai nhân vật này đều sẽ không chịu rút lui mà không đấu đến cùng, nhưng nếu có một người bị buộc phải hy sinh tham vọng của mình, thì đó là ông Trương Tấn Sang. ( Hiện nay, gần như chắc chắc là ông Sang sẽ phải bằng lòng với chức vụ Chủ tịch nước, một chức vụ không có thực quyền).

Trong bức điện, đại sứ Michalak cũng dự báo là trong trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức vụ này thêm một nhiệm kỳ, hai nhân vật được coi là có nhiều khả năng giành chức Tổng bí thư nhất là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa, một nhân vật có xu hướng bảo thủ, cứng rắn hơn. (Nhưng nay thì nhiều nguồn tin cho rằng chức Tổng bí thư sẽ vào tay ông Nguyễn Phú Trọng).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.