Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Đảng CS Việt Nam không giữ được cam kết chống tham nhũng

Hôm qua, theo báo chí trong nước, phát biểu tại Đại hội Đảng CS lần thứ 11, một thành viên quan trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Chánh văn phòng Vũ Tiến Chiến, đã nêu ra ý kiến : người đủ tiêu chuẩn để bầu được vào Ban chấp hành khóa này phải là « người không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng ».

Buổi khai mạc Đại hội Đảng ngày 12/1.
Buổi khai mạc Đại hội Đảng ngày 12/1. Reuters
Quảng cáo

Tuy ủng hộ quan điểm kể trên, ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, đặt vấn đề ngược lại là : làm sao có thể tìm được những người không tham nhũng trong bộ máy cầm quyền để bầu vào ban lãnh đạo mới, bởi vì để tìm được một người gọi là sạch sẽ một tí bây giờ thật khó và hiếm.

Cách đây 5 năm, đại hội X của Đảng CSVN đã thừa nhận tham nhũng là mối đe dọa đến tính chính đáng của chế độ. Tuy nhiên, 5 năm sau, tệ nạn này không ngừng tăng lên. Nhà cầm quyền đã phải liên tục tố cáo nạn tham nhũng tràn lan khắp nơi, đặc biệt là nạn mua bán chức tước, dự án hay bằng cấp. Tuy nhiên, nghị quyết của Quốc hội về kê khai tài sản của các cán bộ công chức lãnh đạo đã không được thực thi.

Theo nhà nghiên cứu Martin Gainsbourgh, tại đại học Bristol, tham nhũng không hẳn là một mặt trái của hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam, mà chính là một bộ phận quan trọng của chính bản thân hệ thống. Có được một vị trí trong chính quyền đồng nghĩa với việc nắm được nhiều nguồn lực, và cơ hội chuyển các nguồn lực đó thành tiền một cách bất hợp pháp. Nhiều người sẵn sàng trả các khoản tiền rất lớn để có được các chức vụ này khác, chính là bởi vì họ hy vọng dựa vào đó để kiếm tiền.

Trả lời phỏng vấn AFP, ông Lê Văn Bình, 34 tuổi, có thu nhập khoảng 3 triệu đồng (tương đương 150 đô la), cho biết, kể từ đại hội lần trước đến nay, giới lãnh đạo đã hứa hẹn chống tham nhũng mạnh mẽ, nhưng chẳng thấy họ lôi ra ánh sáng các vụ tham nhũng đáng kể nào. Năm 2006, trước Đại hội X, vụ bê bối PMU 18 đã được đưa ra ánh sáng, với hàng triệu đô la biển thủ. Tuy nhiên, các vụ tương tự quả là hiếm.

Theo AFP, thất bại của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc chống tham nhũng dường như cũng không ngăn cản được khả năng nhà lãnh đạo này tiếp tục nắm quyền thêm một khóa nữa. Và Đảng CS vẫn không hề hưởng ứng lời kêu gọi dân chủ hóa, xây dựng một nền báo chí độc lập và một xã hội dân sự trưởng thành, vốn là những yếu tố chủ yếu để chống lại tệ nạn này trong giới cầm quyền.

Theo nhà sử học Philippe Papin (EPHE – Paris), bên cạnh tham nhũng tại các nơi đỉnh cao của quyền lực, nạn tham nhũng hoành hành rộng khắp trong đời sống hàng ngày. Người ta phải trả nhiều khoản tiền hối lộ để có thể nhận được các dịch vụ cần thiết ở trường học, bệnh viện, công sở,… Nhà sử học, cũng như một số cán bộ trong đảng, nhìn nhận rằng những người dân cùng khổ hết sức nghi ngờ « tính chính đáng » của Đảng CS Việt Nam. Theo ông, « những người dân cùng khổ bị gạt ra bên lề cuộc chơi, và bị bỏ quên. Và không ai có thể nói trước được rằng họ còn có thể chịu đựng được tình trạng này trong bao lâu nữa. »

Một câu nói được coi là « gây chú ý » tại phiên họp của Đại hội 11 ngày hôm qua (14/1) của ủy viên Trung ương Đảng CS, chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam : « Mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.