Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Đảng CS Việt Nam bầu ban lãnh đạo mới, nhưng không có gì bất ngờ

Hôm nay, Đảng Cộng sản Vìệt Nam đã chính thức công bố thành phần Bộ Chính trị vừa được Ban chấp hành trung ương khóa 11 bầu lên hôm qua. Bộ Chính trị mới chỉ bao gồm 14 thành viên, trong đó có 9 ủy viên được bầu lại. Đứng đầu danh sách này là ông Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi, hiện là chủ tịch Quốc hội, được bầu làm tân tổng bí thư Đảng, thay thế ông Nông Đức Mạnh. Từng là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng đã được giao giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 2000, trước khi được bầu làm chủ tịch Quốc hội năm 2007.

Bỏ phiếu bầu tại đại hội 11
Bỏ phiếu bầu tại đại hội 11 REUTERS/Kham
Quảng cáo

Thứ tự của các ủy viên Bộ Chính trị khác không được nói rõ, nhưng nhìn vào vị trí của các ủy viên trong bức ảnh chính thức và theo dự đoán của các nhà quan sát, ông Nguyễn Tấn Dũng, chắc chắn sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ và điều này sẽ được Quốc hội mới chính thức hóa trong khóa họp tháng 5 tới. Ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư, trên nguyên tắc cũng sẽ được Quốc hội bầu làm tân chủ tịch Nước, thay thế ông Nguyễn Minh Triết.

Nói chung là không có gì bất ngờ về mặt nhân sự và cũng không có thay đổi đáng kể về chính trị, như tường trình của thông tín viên Lucie Moulin từ Hà Hội :

"Hà Nội, từ vài tháng nay, sống trong các tin đồn về đại hội Đảng. Màn bế mạc đại hội của đảng Cộng sản vừa khép lại. Dòng đời lại tiếp tục trôi, với ba nhân vật đứng đầu Nhà nước. Trên thực tế, không có thay đổi đáng kể nào về chính trị.

Các vị trí tổng bí thư đảng và chủ tịch Nước được thay thế. Những người tiền nhiệm đến tuổi về hưu, nhưng những người kế nhiệm thì lại không khác mấy. Vị trí thủ tướng vẫn được giữ nguyên. Ông Nguyễn Tấn Dũng là người giành thắng lợi lớn trong cuộc chơi này. Mặc dù, thủ tướng Việt Nam đã bị yếu đi sau hai vụ bê bối lớn năm ngoái, nhưng mạng lưới trong quân đội và nhất là công an vẫn ủng hộ ông đến cùng.

Người ta đang chờ đợi tân thủ tướng tiếp tục xích gần lại với Hoa Kỳ trong quan hệ ngoại giao. Trong khi, tân tổng bí thư, người được coi là thân Trung Quốc, sẽ đảm nhiệm các quan hệ đầy xung đột với Bắc Kinh, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải thực thi quyết tâm cải cách kinh tế, được thông qua tại đại hội Đảng vừa rồi.

Nhiều thành viên của Bộ Chính trị đã phải thừa nhận nạn tham nhũng, hay sự thâm hụt cán cân thương mại là các yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước."

Ngoài ba nhân vật đứng đầu Đảng và Nhà nước, sáu nhân vật tái đắc cử vào Bộ chính trị là các ông Nguyễn Sinh Hùng, hiện là phó thủ tướng và trên nguyên tắc sẽ là tân chủ tịch Quốc hội, các ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an, Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM và Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong Bộ chính trị mới, lần đầu tiên từ năm 1996 có một phụ nữ và cũng là một người sắc tộc thiểu số đó là bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội. Bốn ủy viên mới kia là các ông Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Ngô Văn Dụ, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ và Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công An.

Trong cuộc họp báo quốc tế đầu tiên với cương vị Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng cam kết sẽ đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng trong cuộc họp báo này, ông Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, khẳng định là lạm phát và nợ nước ngoài ở Việt Nam « đều trong tầm kiểm soát » và ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo mới sẽ là ổn định kinh tế vĩ mô, để tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng. 

Như vậy là mặc dù Việt Nam có nguy cơ mất ổn định kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ nguyên đường lối. Đây sẽ là chủ đề của mục "Mỗi ngày một sự kiện" hôm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.