Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Dự đoán các tác động của quy định mới của Chính phủ VN đến nghề trồng lúa

Cuối tháng 12/2010, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành một nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 2/2011. Nghị định này nhận được các đánh giá rất khác nhau, ủng hộ cũng như chỉ trích.

DR
Quảng cáo

Để tìm hiểu về tác động của quy chế mới đến thị trường gạo và những người trồng lúa Việt Nam, ban Việt ngữ RFI phỏng vấn Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành trồng lúa, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang.

07:55

Giáo sư Võ Tòng Xuân (Sài Gòn)


RFI : Thưa Giáo sư, ở Việt Nam hiện nay, những người trồng lúa, đặc biệt là những người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long rất quan tâm đến Nghị định mới của Chính phủ về xuất khẩu gạo. Theo giáo sư, những người nông dân đồng bằng sông Cửu Long mà Giáo sư biết, nhìn nhận như thế nào về tác động của nghị định này đối với việc trồng lúa tại Việt Nam ?

Ông Võ Tòng Xuân : Tôi tin tưởng là nghị định này là một nghị định rất sáng suốt của Nhà nước Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho người nông dân chúng ta, có thể sản xuẩt lúa gạo với chất lượng cao hơn, và với giá thành hạ hơn. Do đó, nông dân chúng ta sẽ có lời nhiều hơn. Khi mà các công ty nước ngoài vào đầu tư để sản xuất gạo cung cấp cho thị trường của họ, thì họ làm một biện pháp rất là hợp lý, tức là họ biểt cái lượng họ cần là bao nhiêu. Do đó, họ đi xuống đồng ruộng, họ sẽ hợp đồng với người nông dân làm thành một vùng nguyên liệu, huấn luyện người nông dân để sản xuất các loại gạo theo nhu cầu của họ. Do đó, người nông dân bây giờ không phải phập phồng lo sợ như là hiện nay.

Hiện nay, người nông dân trồng mà không biết là ai mua, và mua được bao nhiêu. Biết là, cuối cùng thì cũng tới mấy ông xuất khẩu, nhưng mà giữa ông xuất khẩu và người nông dân là có cả mấy hàng trung gian. Còn nếu làm trực tiếp với một công ty nước ngoài, hoặc với một công ty trong nước mà họ làm như nước ngoài, thì có nhà máy, có sân phơi, có kho chứa lúa, gạo và có vùng nguyên liệu để người nông dân, trong vùng nguyên liệu đó, sản xuất ra một giống lúa, chất lượng cao, giá thành hạ để cung cấp cho cơ sở chế biến này. Cơ sở này chỉ cần họ chỉ cần có một giống lúa thôi, chất lượng tốt, họ đăng ký nhãn hiệu, từ chỗ đó, gạo của chúng ta sẽ có uy tín hơn là so với cái cách mà các doanh nghiệp Việt Nam làm hiện nay.

Khi mà doanh nghiệp Việt Nam thấy những thực tế thành công như thế, thấy nông dân người ta chạy qua làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, thì doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải theo. Nói một cách khác, nghị định này sẽ kích thích các công ty Việt Nam phải làm ăn đàng hoàng, phải có căn cơ, phải có đối xử đạo đức với người nông dân. Nếu mà chúng ta cứ để tình trạng này kéo dài mãi, thì người nông dân cứ nghèo mãi. Bao nhiêu năm hòa bình rồi, mà người nông dân trồng lúa của Việt Nam vẫn là những người nghèo nhất của xã hội Việt Nam. Điều này rất là vô lý, vì trong khi đó, tổng công ty Vinafood và những công ty lương thực thì họ làm giàu trên mồ hôi nước mắt, trên lưng của người nông dân.

RFI : Thưa Giáo sư, như Giáo sư nói, việc mở cửa thị trường gạo của Việt Nam cho những công ty nước ngoài sẽ tạo điều kiện cải thiện chất lượng gạo, cải thiện hoạt động xuất khẩu gạo. Nhưng, thực tế là, theo Nghị định này, Hiệp hội lương thực Việt Nam vẫn là một tổ chức có ảnh hưởng rất lớn đối với xuất khẩu gạo « theo các hợp đồng tập trung ». Cách đây khoảng một năm, theo báo chí trong nước, trong một cuộc họp với các nhà kinh tế, một lãnh đạo của Hiệp hội đã không thể trả lời được chất vấn về việc Hiệp hội có sử dụng một con dấu đặc biệt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quan hệ thân thiết. Vậy, làm thế nào các công ty nước ngoài có thể hoạt động tại Việt Nam mà không bị kìm chế bởi các trở ngại do Hiệp hội lương thực đặt ra ?

Ông Võ Tòng Xuân : Đầu tư nước ngoài người ta có quyền xuất ra. Nếu Nhà nước không cho cái quyền đó thì họ không đầu tư. Hiện nay có một tiền lệ, là một công ty Nhật Bản sang An Giang để hợp đồng với bà con nông dân sản xuất ra cái gạo Nhật Bản để họ tái xuất. Trong 10 năm nay, họ làm cái này tốt rồi. Như vậy, nhìn chung, cho công ty nước ngoài vô không phải là chuyện mới. Với Nghị định mới này, công ty Nhật Bản kể trên họ sẽ muốn làm quy mô lớn hơn.

RFI : Cách đây ít hôm, có ý kiến từ một người phụ trách lĩnh vực lương thực của chính phủ, đưa ra vấn đề, nếu giá lương thực tăng cao, thì sẽ dẫn đến lạm phát, và, như vậy chính phủ buộc phải ngưng xuất khẩu lương thực. Vậy ý kiến Giáo sư ra sao về chuyện này ?

Ông Võ Tòng Xuân : Ngưng xuất khẩu lương thực thì người nông dân bị ảnh hưởng, vì phần lớn nông dân sống bằng nghề trồng lúa, mà không xuất khẩu thì lấy chỗ nào tiêu thụ. Chỉ trừ phi Nhà nước chuyển trồng lúa thành các cây trồng khác, và có các thị trường tiêu thụ cho những cây này thì người nông dân mới sống nổi, nếu không thì người ta chết luôn. Đúng ra, xuất khẩu gạo, doanh thu không bao nhiêu, giống như mình xuất nguyên liệu thô, không qua chế biến. Rất nhiều nhà kinh tế hiện nay nói, bây giờ cách khôn ngoan là chính phủ Việt Nam nên tìm thị trường cho các mặt hàng nông sản khác, thì vừa có thể nâng cao đời sống cho người nông dân, vừa giảm thiểu tác hại đến « biến đổi khí hậu », vì cây lúa cũng tham gia vào « biến đổi khí hậu »

RFI : Xin hỏi Giáo sư một câu cuối cùng. Trong việc xây dựng Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo này, có nhiều ý kiến cho rằng, đại diện cho quyền lợi của người nông dân không có mặt. Ví dụ như vấn đề dàn xếp giá cả, người nông dân không có ai bảo vệ trực tiếp quyền lợi cho mình. Xin Giáo sư cho biết ý kiến về chuyện này, cụ thể vai trò của Hội Nông dân ra sao ?

Ông Võ Tòng Xuân : Hội Nông dân cũng là tổ chức của Nhà nước thôi. Họ cũng nói là đại diện cho quyền lợi của nông dân, nhưng lại không bênh nông dân trong những vấn đề giá cả như thế, bởi vì chuyện này đụng tới mấy « ông, » như Vinafood và các tổng công ty lương thực. Bây giờ mình có thể nhận thấy là, các công ty lương thực ở các tỉnh, và các tổng công ty lương thực của Nhà nước là nơi phải có tiền, để bao các cuộc ăn uống, rồi đãi tiếp các khách của tỉnh và của Trung ương. Thành ra, mặc dầu xã hội kêu dữ lắm, Quốc hội kêu dữ lắm, nhưng mà Thủ tướng cũng vẫn bình tâm không thay đổi gì cả, để cho mấy « ông » công ty lương thực, mấy ổng mạnh tay siết bà con nông dân của mình, làm cho bà con nông dân luôn luôn là ca thán.

Tôi hy vọng sau nghị quyết Đại hội đảng lần thứ 11 này, các vị đã được đắc cử trong đảng (Cộng sản Việt Nam) kỳ này, thấy rõ việc này, thấy rõ nỗi khổ của bà con nông dân trồng lúa, để có một cái quyết tâm chính trị, thay đổi cục diện thu mua và lưu thông lúa gạo trong nước Việt Nam chúng ta, để người nông dân chúng ta có thể làm giàu hơn.

Nếu không, rất khó để chúng ta gọi đây là một nước xã hội chủ nghĩa. Một nước xã hội chủ nghĩa làm thế nào mà lại để cho nông dân cứ nghèo mãi, còn các công ty của Nhà nước thì cứ giầu lên.

RFI : Ban Việt ngữ Đài Phát thanh Quốc tế Pháp xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Võ Tòng Xuân.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.