Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Tác động của “Cách Mạng Hoa Lài” đối với Việt Nam.

Đăng ngày:

Phong trào phản kháng xuất phát từ Tunisia, được mệnh danh là Cách Mạng Hoa Lài, rồi lan sang Ai Cập, Libya và nhiều nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi, đã được so sánh như là sự kiện bức tường Berlin sụp đổ lần thứ hai và không ít thì nhiều, nó cũng có tác động đến những chế độ độc tài độc đảng như Trung Quốc và Việt Nam.

Biểu tình ngày 6/1/2011 tại Yemen đòi tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Yemen là một trong những quốc gia đầu tiên noi gương " Cách Mạng Hoa Lài"
Biểu tình ngày 6/1/2011 tại Yemen đòi tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Yemen là một trong những quốc gia đầu tiên noi gương " Cách Mạng Hoa Lài" Reuters
Quảng cáo

Noi gương Cách Mạng Hoa Lài, trên mạng Internet, trong những ngày qua, một số cá nhân và tổ chức đã phát đi những lời kêu gọi biểu tình đòi dân chủ ở Việt Nam. Tiêu biểu là « Lời kêu gọi toàn dân xuống đường cứu nước » của bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Khối 8406 ngày 21/2 vừa qua đã ra Bản tuyên bố, nhận định về các sự kiện ở Bắc Phi và Trung Đông và qua đó kêu gọi người dân mạnh dạn giành lấy quyền dân chủ của mình. Một « nhóm bạn trẻ trong và ngoài nước », cũng phổ biến trên Internet một lời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân ở Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/2, vào mỗi chiều chủ nhật, tập hợp tại một địa điểm ở các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẳng, Hải Phòng, Nha Trang.

Hiện giờ, chưa có ai dám hưởng ứng những lời kêu gọi đó, một phần cũng là vì chính quyền đã tìm đủ mọi cách để ngăn chận mọi phong trào phản kháng, bằng cách bắt lên thẩm vấn bác sĩ Nguyễn Đan Quế, mời lên làm việc hoặc sách nhiễu một số blogger hay tăng cường kiểm duyệt Internet. Vụ câu lưu bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị phía Hoa Kỳ phản đối kịch liệt cho nên chỉ một ngày sau, dưới áp lực của quốc tế, chính quyền đã tạm thả bác sĩ Quế, tuy vẫn tiếp tục điều tra về cái gọi là « hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân » của nhà đối lập này. Nhưng theo tin của trang mạng “Dân Làm Báo” (danlambao.com), bác sĩ Quế đã tuyên bố vào ngày 1/3/2011 tại trụ sở công an rằng ông quyết định chấm dứt “làm việc” với bất cứ cơ quan, tổ chức nào của chính quyền.

Báo chí chính thức trong những ngày qua cũng đã đăng nhiều bài nhằm tìm cách hóa giải tác động của Cách Mạng Hoa Lài. Chẳng hạn như tờ Tạp Chí Cộng Sản hôm 25/2/11 vừa qua đã đăng trên mạng một bài có tựa đề « Vì sao người ta đòi Việt Nam không được « hạn chế Internet » ? », cố chứng minh rằng những phong trào phảng kháng ở Bắc Phi và Trung Đông chính là do Hoa Kỳ và phương Tây đứng đằng sau giựt dây, để lấy cớ can thiệp vào những quốc gia có nhiều dầu hỏa này.

Một dấu hiệu cho thấy chính quyền lo ngại sẽ bộc phát những phong trào biểu tình ở Việt Nam, đó là theo tin của Tờ Công An Nhân Dân ngày 23/2, công an Việt Nam đã mở một cuộc diễn tập tại tỉnh Bình Thuận đối phó với tình huống « Biểu tình, phá rối an ninh trật tự tại cổng trụ sở UBND tỉnh », do những người bị xem là « đối tượng quá khích » lợi dụng bức xúc của người dân về quyền lợi khi bị thu hồi đất để kích động. Thị sát cuộc diễn tập này là trung tướng Trần Đại Quang, uỷ viên Bộ Chính trị, thứ trưởng Bộ Công an và các lãnh đạo tỉnh ủy tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, nơi thường xảy ra các vụ khiếu kiện tập thể của nông dân.

Trong tình thế hiện nay, khả năng xảy ra một cuộc « Cách Mạng Hoa Sen » có lẻ là rất khó, nhưng dầu sao, làn sóng tự do đang thổi qua Trung Đông và Bắc Phi chắc chắn sẽ có tác động đến ý thức dân chủ của người dân Việt Nam, nhất là lớp trẻ và nó cũng sẽ buộc chính quyền phải chấp nhận một số thay đổi về chính trị để xoa dịu dân chúng, vốn ngày càng bất mãn trước nạn lạm quyền, tham nhũng, cách biệt giàu nghèo quá lớn và nay lại gặp vật giá leo thang.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney:

13:18

Nhà báo Lưu Tường Quang

Thanh Phương

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.