Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Ca sĩ Tuấn Ngọc : Trong nghệ thuật, "một là có, hai là không có"

Đăng ngày:

Riêng một góc trời, một sáng tác quen thuộc của Ngô Thụy Miên có lẽ là nhạc phẩm mà trước đó cũng như sau này, chưa một nam ca sĩ nào thể hiện thành công bằng Tuấn Ngọc. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, định mệnh âm nhạc đã khiến cho "Người đàn ông hát" này dường như trở thành một "tượng đài" của nền tân nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Tuấn Ngọc (Ảnh : DR)
Ca sĩ Tuấn Ngọc (Ảnh : DR)
Quảng cáo

Phần đông các ca sĩ thành danh ở hải ngoại, ít nhiều đều khởi nghiệp và tạo dựng tên tuổi của mình từ trong nước, nhưng trường hợp của Tuấn Ngọc lại là một ngoại lệ. Mặc dù đến với âm nhạc rất sớm, nhờ thừa hưởng những kết tinh nghệ thuật từ gia đình, nhưng giai đoạn trước 1975, người ta không thấy nhiều những lưu trữ về các ca khúc do Tuấn Ngọc thể hiện.

Điều gì cũng có nguyên nhân của nó. Suốt thời tuổi trẻ, các nhạc phẩm mà Tuấn Ngọc chọn hát thường là nhạc ngoại quốc, trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng của Sài Gòn ngày ấy, đa phần các ca sĩ lại chú tâm thu băng đĩa nhạc Việt nhiều hơn.

Từ nhạc ngoại quốc đến nhạc Việt

Tuy nhiên, nếu đã là định mệnh thì con người ta khó mà chối bỏ. Sau khi rời Sài Gòn năm 1975 qua Mỹ định cư, vào giữa thập niên 80, Tuấn Ngọc bắt đầu quay trở lại hát nhạc Việt, qua những nhạc phẩm vượt thời gian, những tuyệt tác của tân nhạc Việt Nam, mà có lẽ hơn ai hết, giọng hát của anh là một minh chứng suất sắc nhất để truyền tải từ những tận cùng của cảm xúc.

Tuấn Ngọc hát mà như không hát, anh cứ thản nhiên buông lơi tự sự, khiến người nghe hồn phách ngẩn ngơ, như thể đang lạc bước về một phương trời xa tắp.

Nhân dịp vào ngày 17/03/2011 ca sĩ Tuấn Ngọc sẽ có buổi biểu diễn phục vụ khán giả người Việt tại Paris và vùng phụ cận, anh đã dành cho thính giả của đài RFI buổi phỏng vấn ngắn.

RFI : Suốt hơn 50 năm qua đứng trên sân khấu ca nhạc, chắc hẳn sẽ là thừa nếu chúng ta nêu ra định nghĩa Tuấn Ngọc là ai. Tuy nhiên cũng thật thú vị nếu anh có thể khái quát một vài nét về chằng đường âm nhạc vừa qua, dường như nó đã đạt đến điểm tuyệt đối ?

Tuấn Ngọc : Thực sự tôi nghĩ trên đời này không có gì là tuyệt đối, nhưng tôi luôn cố gắng hết sức mình trong nghề nghiệp, lúc nào cũng học hỏi, nghiên cứu mỗi ngày, vì tôi là người rất khó tính ngay cả đối với bản thân mình.

Trên đời này, vẫn cần đến yếu tố may mắn, và phải có duyên

RFI : Đối với một gia đình nghệ sĩ theo các bộ môn nghệ thuật truyền thống, như tuồng, chèo, cải lương v.v…, người ta thường gặp mô hình là có nhiều thành viên trong gia đình duy trì và nối nghiệp cha mẹ, nhưng một gia đình tân nhạc, nơi mà cả từ thân phụ cho đến các anh chị em trong gia đình, không những nhất lượt đã trở thành các nghệ sĩ, mà còn là những nghệ sĩ, ca sĩ xuất sắc, có nhiều thành tựu đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, có lẽ ở Việt Nam chỉ có một gia đình duy nhất được như gia đình Tuấn Ngọc, chắc hẳn anh chẳng bao giờ có điều gì phàn nàn về gia đình nghệ sĩ thật đặc biệt của mình ? Liệu chỉ có toàn hoa thơm quả ngọt hay cũng còn có cả những bụi đường gai góc ?

Tuấn Ngọc : Tôi vẫn nghĩ trên đời này mặc dù mình luôn cố gắng hết sức trong bất kì lĩnh vực nghề nghiệp nào, thì vẫn phải cần đến yếu tố may mắn, và phải có duyên nữa. Thực sự trong gia đình tôi thì anh em dạy dỗ lẫn nhau, trước hết là bố tôi đem chị em tôi vào thế giới âm nhạc, khi mà chúng tôi sinh ra ở thành phố Đà Lạt. Sau này lớn lên, tôi cũng chỉ lại cho các em của tôi những kinh nghiệm của mình. Trong một gia đình, anh em cùng làm một nghề với nhau thì cũng rất có lợi là vì mình cùng phê bình và chỉ bảo lẫn nhau, nhưng trong nghệ thuật, một là anh có, hai là anh không có, nó hoàn toàn không giống những nghề khác cứ học hoài thì sẽ có, thành ra tôi nghĩ điều may mắn nhất của chúng tôi là chọn đúng nghề, và từ đó mình học hỏi nghiên cứu thêm.

Nhưng chắc chắn là cũng có những yếu tố xung đột nhỏ trong gia đình, là vì anh em chúng tôi phê bình và "sát phạt" nhau dữ lắm, nhưng mang tính xây dựng, đó cũng là điều tốt, nhiều khi bị chê nó lại giúp cho mình tiến bộ hơn, vì ngay cả cá nhân mình cũng còn có những xung đột nữa mà.

RFI : Tuấn Ngọc không những là nam ca sỹ luôn giữ được một lượng công chúng mến mộ đông đảo, bền lâu, nhiều khi chúng tôi có dịp trò chuyện với những ca sĩ trẻ thuộc thế hệ sau này, khi nhắc đến Tuấn Ngọc, thấy toát lên một điều là họ rất khâm phục và kính nể anh, có lẽ không phải ca sĩ nào cũng may mắn được các "đàn em" ưu ái như thế khi có điều kiền bộc bạch sau lưng, vậy theo anh thì đó là nhờ vào yếu tố gì ?

Tuấn Ngọc : Trước hết tôi nghĩ lúc nào cũng học hỏi, đến ngày hôm nay cũng vậy, thành ra tôi nghĩ những cố gắng của mình cũng đem lại kết quả. Ngoài ra, thể loại nhạc tôi chọn hát là dòng nhạc xưa, và dường như cũng đã trở thành tiêu chuẩn của âm nhạc Việt Nam. Cũng may mắn vì tôi hát loại nhạc hợp với mình.

Tôi thường hay khuyên các ca sĩ trẻ nên chọn những dòng nhạc thích hợp thì dễ thành công hơn. Một người ca sĩ "hay", là người biết giấu đi những khuyết điểm và phô trương những điều hay của mình, ngược lại, người ca sĩ "dở" là người giấu đi những cái hay của mình, và phô bầy những cái dở. Thành ra tôi nghĩ mình thành công là nhờ sự khôn ngoan nhiều hơn là tài năng thật sự.

Paris là thành phố mà chẳng ai trên đời này lại không yêu

RFI : Lần gần đây nhất mà anh diễn tại Pháp là vào dịp nào ?

Tuấn Ngọc : Lâu lắm rồi tôi không có dịp trở lại Pháp, hi vọng lần này khán giả vẫn còn nhớ đến tôi và nhận ra tôi.

RFI : Cảm nhận của anh về Paris như thế nào ?

Tuấn Ngọc : Paris là thành phố mà chẳng ai trên đời này lại không yêu, nhất là những người nghệ sĩ, nó rất hợp với tinh thần người nghệ sĩ. Thực ra đối với người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ của tôi, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Hồi còn nhỏ cả gia đình tôi không nhiều thì ít ai cũng đều học tiếng Pháp, rồi sau đó mới học tiếng Anh, nên cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp.

Chắc anh cũng biết là tôi bắt đầu đi hát khi lên 5 tuổi, lúc đó tôi chỉ hát tiếng Việt, nhưng khi lớn hơn khoảng 11-12 tuổi, tôi chọn con đường hát nhạc Anh, Mỹ, còn các em của tôi thì chọn hát cả nhạc Anh lẫn nhạc Pháp. Tuy nhiên tính tôi khi đã chú trọng đến một lĩnh vực nào thì hoàn toàn muốn chuyên sâu nghiên cứu hẳn về lĩnh vực đó, thành ra tôi hát nhạc Anh nhiều hơn nhạc Pháp.

Không thể bắt khán giả trẻ nghe hoài nhạc xưa

RFI : Gần đây anh có nhiều dịp về lưu diễn trong nước, anh thấy bức tranh âm nhạc trong nước hiện nay ra sao ?

Tuấn Ngọc : Riêng về âm nhạc, có thể cái nhìn của tôi chưa đúng, nhưng tôi thấy đa số các nước đều bị ảnh hưởng âm nhạc của Mỹ chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn yêu nhạc thời xưa hơn, những dòng nhạc của các nhạc sĩ như : Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An v.v… gần như đã trở thành nhạc "classic" của Việt Nam mình, cũng giống như nhạc cổ điển của Châu Âu vậy.

Trở lại vấn đề âm nhạc trong nước, tôi thấy các ca sĩ trẻ bây giờ hát đều có "style" riêng, tuy chưa đúng với tinh thần của nhạc hồi xưa, nhưng về nghệ thuật, khó có thể nói thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là hay, thế nào là dở. Tất cả tùy theo ý thích của mỗi người. Vấn đề khó khăn bây giờ là ta không thể bắt khán giả trẻ nghe hoài nhạc xưa, đi lùi lại như thế thì cũng không nên, đó cũng là vấn đề không dễ xử.

Còn nhạc mới, về nghệ thuật, nhiều khi trong giới chúng tôi gọi là "mỳ ăn liền" làm sao bán cho mau, cho dễ, mà tôi thì thực sự cả đời rất kị làm như vậy, thành ra những người nghệ sĩ nên cẩn thận hơn khi cho phát hành một tác phẩm.

RFI : Anh không những sinh ra và trưởng thành trong một gia đình mà ở nơi đó hội tủ đầy đủ những yếu tố Nhân Hòa Địa Lợi của âm nhạc, bên cạnh đó, anh còn là rể của gia đình nhạc sỹ Pham Duy – cũng là một gia đình có rất nhiều nhân tài và có những đóng góp to lớn cho âm nhạc Việt Nam, tuy nhiên các con cái anh không ai theo nghề của ông bà hay cha mẹ, phải chăng đó là vì họ sinh ra tại Mỹ, còn nếu sinh trưởng tại Việt Nam thì chắc cũng sẽ có người theo nghiệp của bố mẹ ?

Tuấn Ngọc : Cái đó cũng có phần đúng, con cái bên này (Mỹ) đi học ở trường nói tiếng Mỹ, về nhà nghe nhạc Mỹ, thành ra khó mà bắt con cái hát nhạc Việt Nam như chúng tôi, đó là cái khó khăn. Nếu phải chi con cái tôi sinh trưởng ở Việt Nam thì tôi nghĩ sẽ dễ hơn. Thực sự tôi rất muốn con cái tôi đi theo con đường âm nhạc, là vì tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được hát, nhưng mà tôi không bắt buộc.

RFI : Xin cảm ơn ca sĩ Tuấn Ngọc.

(Buổi biểu diễn của ca sĩ Tuấn Ngọc diễn ra vào chủ nhật, 17/04/2011, hồi 15h15, tại Espace Reuilly (metro Montgallet) – 21 rue Henard – 75012 PARIS)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.