Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÂU ÂU - THUẾ QUAN

Châu Âu sắp bỏ thuế chống phá giá đánh lên giày mũ da Việt Nam

Hôm qua (16/3/2011), Ủy ban châu Âu đã loan báo sẽ chấm dứt việc đánh thuế chống bán phá giá lên giày mũ da có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc. Biện pháp này đã gây chia rẽ ý kiến các nước châu Âu trong những năm gần đây, và làm Trung Quốc bất bình.

Trong xưởng sản xuất của một nhà máy sản xuất giày dép tại tỉnh An Huy (Trung Quốc)
Trong xưởng sản xuất của một nhà máy sản xuất giày dép tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) Reuters
Quảng cáo

Trong thông cáo được đăng hôm qua trên Công báo Liên hiệp châu Âu, Ủy ban châu Âu cho biết : « Không có yêu cầu tái thẩm nào được đệ trình, sau khi đã có thông báo, nên Ủy ban xin loan báo là biện pháp chống phá giá liên quan đến giày Trung Quốc và Việt Nam sẽ hết hạn vào ngày 31/3/2011 ».

Thông cáo cũng nói thêm, « Ủy ban cảm thấy cần thiết phải theo dõi sát, trong vòng một năm, diễn tiến của việc nhập khẩu các loại giày liên quan, ngõ hầu có thể nhanh chóng có biện pháp đối phó trong trường hợp cần thiết ».

Mức thuế chống phá giá 10% đánh lên giày mũ da nhập từ Việt Nam, và từ 9,7% đến 16,5% đối với giày Trung Quốc, đã được áp dụng từ tháng 10/2006. Đến cuối năm 2009, châu Âu đã quyết định gia hạn thêm 15 tháng nữa.

Số các nước châu Âu bỏ phiếu ủng hộ  việc gia hạn, vào lúc đó, chỉ quá bán một ít, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trên hồ sơ này ngay từ đầu. Các nước còn duy trì công nghiệp giày, như Ý, muốn gia hạn đánh thuế chống phá giá, ngược lại, các nước Bắc Âu chủ trương tự do như Anh quốc, thì chống đối lại. Hồi đầu tháng 2, Trung Quốc đã đưa đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới kiện Liên hiệp châu Âu về vấn đề này.

Trong một thông báo cũng đưa ra vào hôm qua, Liên minh giày châu Âu gồm các nhà sản xuất châu Âu vẫn gia công phần lớn sản phẩm giày tại châu Á (như Adidas, Puma, Timberland và một số công ty loại trung bình khác), đã hoan nghênh việc ngưng đánh thuế chống bán phá giá trên. Tuy nhiên, Liên minh cũng nói thêm là « vẫn cảnh giác và thận trọng trước việc Ủy ban châu Âu muốn theo dõi tiếp một năm nữa », và hy vọng sẽ «duy trì một cuộc đối thoại cởi mở» với Bruxelles về chủ đề này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.