Vào nội dung chính
SÔNG MÊKÔNG

Áp lực đè nặng trên Lào và Thái Lan về đề án xây đập Xayaburi

Trong hai ngày 25-26/03/2011, Ủy hội Sông Mêkông sẽ họp tại thành phố Sihanoukville (Cam Bốt) để bàn về đề án đập thủy điện Xayaburi trên sông Mêkông. Đây là công trình của chính phủ Lào, nhưng do nhà thầu Thái Lan thực hiện và điện làm ra cũng bán cho Thái Lan. Trước ngày họp, sức ép lại gia tăng trên chính quyền Bangkok và Viêng Chăn để yêu cầu đình hoãn đề án.

Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện.
Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện. DR
Quảng cáo

Hôm thứ hai 21/03, trong một bức thư gửi đến thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, một nhóm bao gồm 263 tổ chức phi chính phủ đến từ 51 quốc gia đã kêu gọi Viêng Chăn là nên hủy bỏ dự án đập thủy điện tại tỉnh Xayaburi. Liên minh tập hợp các tổ chức bảo vệ môi trường và bảo vệ dân quyền đã kêu gọi ông Thongsing đưa ra quyết định theo chiều hướng trên nhân cuộc họp của Ủy hội Sông Mêkông.

Ủy Hội Sông Mêkông là một tổ chức liên chính phủ, bao gồm 4 nước hạ nguồn sông MêKông là Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan. Theo quy định, thì việc xây dựng các con đập trên dòng chính con sông phải thông qua chu kỳ tham vấn cả 4 nước trong khu vực.

Cho đến nay, Việt Nam đã công khai tỏ ý phản đối dự án Xayaburi, ở miền Bắc nước Lào, với lý do là công trình này có thể tác hại rất lớn đến nguồn thủy sản cũng như đến thổ nhưỡng ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, vựa thóc chính của cả nước.

Cam Bốt cũng có ý kiến dè dặt vì đập Xayaburi có thể ảnh hưởng đến nguồn cá ở Biển Hồ, là nơi được cho là nuôi sống biết bao cư dân Cam Bốt.

Riêng chính phủ Lào thì có dấu hiệu vẫn muốn xúc tiến công trình thủy điện này, nhân danh chủ quyền đất nước và quyền được tự do phát triển. Viêng Chăn như đã làm ngơ trước ý kiến dè dặt hay phản đối của Việt Nam, Cam Bốt, và nhiều nước khác như Hoa Kỳ, Úc, cũng như của giới nghiên cứu khoa học quốc tế, vốn lo ngại trước tác hại vĩnh viễn đối với môi trường. Chính vì vậy mà các tổ chức phi chính phủ đã phải khẩn cấp kêu gọi chính quyền Lào xét lại ý định của mình.

Trong đề án Xayaburi, còn có một tác nhân thứ hai là Thái Lan, mà chính quyền vẫn giữ thái độ im lặng cho đến nay. Thế nhưng, vai trò của Thái Lan rất quan trọng đối với đề án Xayaburi vì hầu như toàn bộ nguồn điện do nhà máy này làm ra sẽ được bán cho Thái Lan. Trong tình hình trên, liên minh của 256 tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi Thái Lan hủy bỏ kế hoạch mua điện từ nhà máy Xayaburi.

Bà Chanida Chanyapate Bamford, thuộc tổ chức Focus on Global South đã nhắc lại quan điểm từng được chính quyền Thái Lan bày tỏ : « Chính phủ Thái từng xem đập thủy điện thuộc loại dự án có thể có gây hại cho môi trường. Như vậy làm sao mà chính phủ Thái có thể để cho đập Xayaburi được xây dựng mà không cần tìm hiểu cặn kẽ xem con đập này tác động đến hàng triệu người trong toàn lưu vực dòng sông như thế nào ? ».

Bà Shalmali Guttal, cũng thuộc tổ chức Focus on Global South, báo động : « Đập Xayaburi sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng sinh thái trên quy mô cực lớn… Chúng tôi kêu gọi hai thủ tướng Lào và Thái Lan chứng tỏ tư thế lãnh đạo bằng cách hủy bỏ dự án này ».

Đây không phải là lần đầu tiên mà các hội đoàn phi chính phủ lên tiếng. Ngay từ năm 2009, khi kế hoạch được tiết lộ, hàng chục ngàn người đã gửi thư từ và kiến nghị cho 4 vị thủ tướng trong vùng cũng như cho Ủy Hội sông Mêkông, kêu gọi các nước để cho dòng Cửu Long tiếp tục được chảy tự do, và yêu cầu Thái Lan đình chỉ quyết định mua điện do đập Xayaburi làm ra.

Đối với giới bảo vệ môi trường, do việc Xayaburi là con đập đầu tiên trong loạt 11 đập thủy điện được đề nghị trên dòng chính của sông MêKông ở vùng hạ nguồn, nếu đề án này được thông qua, điều đó sẽ mở đường cho 10 công trình còn lại, với hậu hoạn khôn lường cho môi trường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.