Vào nội dung chính
THƯƠNG MẠI VIỆT - MỸ

Chặn đường cá da trơn Việt Nam : giới bảo hộ catfish Mỹ bị "gậy ông đập lưng ông"

Trên trường cạnh tranh ngoại thương giữa các nước, có nhiều thủ đoạn và luật lệ kỳ lạ. Liên quan tới cá da trơn Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ thì lại còn nhiều chuyện khôi hài tới bất ngờ. Con cá bị bắt đổi tên để khỏi lầm với cá Mỹ, rồi phải bơi qua hàng rào thuế quan cao hơn, chịu chế độ kiểm soát chặt chẽ hơn, v.v....

Một nhà máy chế biến cá xuất khẩu tại Cần Thơ (Reuters)
Một nhà máy chế biến cá xuất khẩu tại Cần Thơ (Reuters)
Quảng cáo

Nhưng hình như là ngần ấy biện pháp cạnh tranh lại gây phản tác dụng, khiến ngành nuôi cá tại Hoa Kỳ đang phân vân nghĩ lại, xem sẽ phải xoay trở ra sao. Cuối tháng 02/2011, trên nguyên tắc, bộ Nông nghiệp Mỹ phải ra quyết định về chương trình kiểm tra phẩm chất loại cá da trơn bán trên thị trường Mỹ, mà cụ thể là loại cá được chính thức mệnh danh là catfish. Chương trình này được đề ra nhằm đáp ứng đòi hỏi của giới nuôi catfish tại Hoa Kỳ, muốn mượn tay luật lệ, để chặn đường cá tra và ba sa nhậpkhẩu từ Việt Nam, vốn cạnh tranh dữ dội với catfish tại Mỹ.

Tuy nhiên, mới đây, bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết là công việc chuẩn bị chưa hoàn chỉnh và cần phải có thêm 6 tháng nữa để xem xét thấu đáo hơn. Chính quyền Mỹ đã tỏ thái độ chần chờ trong lúc nhiều tiếng nói vang lên đòi xét lại tính đúng đắn của công việc kiểm tra đó.

08:06

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

Trong một lần phát thanh trước đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từng đề cập đến hồ sơ cá da trơn Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ khi đạo luật Nông nghiệp năm 2008 đặt ra những điều kiện nhập nội khó khăn hơn thỏa mãn đòi hỏi của giới nuôi catfish Hoa Kỳ. Bây giờ thì tình hình lại có vẻ đảo ngược vì các nhóm áp lực tại Mỹ từng muốn giăng lưới để chặn con cá Việt Nam có nguy cơ bị mắc kẹt vì tấm lưới đó. Trả lời RFI, anh Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích đầu đuôi câu chuyện.

Nguyễn Xuân Nghĩa : - Hoa Kỳ là nơi là nông gia không đông nhưng có thế lực rất mạnh để đòi chính quyền giúp đỡ bằng luật lệ thật ra có tính chất bảo hộ mậu dịch. Nổi tiếng trong loại này là Đạo luật Canh nông, thường có giá trị năm năm là phải tái tục, mỗi lần tái tục là một lần cài thêm điều kiện hạn chế sức cạnh tranh của nông ngư sản xứ khác.

Riêng về ngư sản thì Hoa Kỳ mới chỉ nuôi cá loại da trơn mà họ gọi là catfish từ cỡ 50 năm thôi, tập trung tại các tiểu bang Đông Nam, nhất là Mississippi, Alabama, Arkansas và Louisiana với số thương vụ có năm sáu triệu đô la một năm. Nhưng ngành nuôi cá của họ rất giỏi vận động vào Quốc hội để đưa ra những luật lệ có tính chất hạn chế cạnh tranh.

- Như Đạo luật Canh nông năm 2002 đòi chỉ dùng tên catfish cho cá Mỹ; còn cá da trơn xứ khác thì phải gọi là cá "tra" hay "basa", v.v... để giới tiêu thụ khỏi lầm. Đạo luật Canh nông năm 2008 còn khó hơn vậy, đòi cá catfish phải qua chế độ kiểm phẩm của bộ Canh Nông thay vì Cơ quan Kiểm soát Lương thực và Dược phẩm FDA. Đây là một đòn cạnh tranh khá độc đáo và độc ác.

RFI : Xin đề nghị anh giải thích đòn cạnh tranh đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa : - Quy chế kiểm phẩm của Cơ quan Lương Dược FDA là chỉ kiểm soát khi hàng vào tới Hoa Kỳ và ngẫu biến mà chọn một số mẫu hàng để kiểm soát thôi và trong các loại lương thực thì kiểm soát cả ngư hải sản. Bộ Canh Nông thì kiểm soát thịt và gà theo quy tắc thẩm tra từ gốc, chẳng hạn là từ nơi chăn nuôi tại xứ khác xem có đạt tiêu chuẩn Mỹ hay không.

- Bây giờ Đạo luật Canh nông 2008 đòi đưa riêng loại cá catfish qua chế độ kiểm phẩm của bộ Canh Nông chứ không phải là cơ quan Lương Dược FDA. Việc kiểm soát nhiêu khê và tốn kém cho dân nuôi cá xứ khác vì phải lập hệ thống sản xuất y như Mỹ. Có hai Nghị sĩ ở miền Nam, một Cộng Hoà, một Dân Chủ, đã gài điều này vào trong luật. Sau đó mới đòi gọi lại mọi loại cá da trơn là catfish, tức là trái ngược với đòi hỏi của Đạo luật Canh Nông năm 2002. Mục đích là bắt cá da trơn nhập khẩu cũng phải chui vào lưới kiểm soát chặt chẽ hơn của bộ Canh Nông ! Đầu tháng Bảy năm 2009, khi đài RFI phỏng vấn về chuyện đó, tôi có nói đùa rằng không biết là ta nên gọi "cá da trơn" hay "mặt da trơn" vì chuyện lật lọng ấy từ một số thế lực chính trị Mỹ !

RFI : Anh nói về Đạo luật Nông nghiệp năm 2008, mà bây giờ đã qua năm 2011 rồi, sự thể này tiến hành ra sao ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : - Chúng ta gặp sự phi lý rất Mỹ. Đó là hai cơ chế cùng có trách nhiệm kiểm phẩm chòng chéo lên nhau. Cơ quan Lương Dược thì kiểm soát mọi loại lương thực, kể cả tôm, cá, thịt - nhưng trừ cá catfish. Còn bộ Canh Nông thì xét riêng loại cá catfish trong rất nhiều thủy sản và nông phẩm. Ba năm sau khi Đạo luật Canh nông 2008 được ban hành dù Tổng thống Bush khi đó đã phủ quyết mà không chặn nổi, thì bộ Canh nông vẫn chưa quyết định nổi là những loại cá nào thì gọi là "catfish".

- Chuyện ấy có nghĩa là gì ? Thứ nhất, cá catfish của Mỹ, vì xưng danh như vậy, bị rơi vào chế độ kiểm soát khắt khe của bộ Canh nông Hoa Kỳ. Trong khi đó, cá da trơn của Việt Nam thì vẫn bị gọi là cá tra hay cá basa theo quy định cũ của Đạo luật Canh nông 2002 nên chưa lọt vào lưới của bộ Canh Nông! Tuần qua, ông Tổng trưởng Canh nông là Tom Vilsack còn cho biết rằng có lẽ phải qua năm tới thì bộ mới có phán quyết về việc gọi tên, tức là về quy chế kiểm soát.

- Ngẫm lại thì Đạo luật Canh nông 2008 gài vào một chương trình kiểm soát cá da trơn gây tốn kém cho công quỹ 30 triệu đô la và bộ Canh nông nhẩn nha xài mất 15 triệu trong số này mà chưa đi tới kết quả, trong khi cả nước than phiền về nạn bội chi ngân sách.

RFI : Như vậy thì có phải là ngành nuôi cá và một số chính khách Hoa Kỳ đã tự mắc vào tấm lưới họ giăng ra, tức là bị "gậy ông lại đập lưng ông" hay không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : - Nhiều người tại Hoa Kỳ cũng nghĩ như vậy. Các nhóm áp lực cho con cá Mỹ đã gặp quy luật gọi là "hậu quả bất lường" vì tính một đằng mà kết quả lại ra một nẻo.

- Trước hết, cơ quan Lương Dược FDA cho biết là không thấy một mức đào thải đáng kể nào trong các mẫu hàng từ Việt Nam. Thứ nữa, các cơ quan công quyền nghiên cứu hồ sơ thì kết luận rằng quy chế kiểm soát cá catfish chỉ gây tốn kém vô ích và là thủ đoạn cạnh tranh chứ cũng chẳng nhắm vào cải thiện vệ sinh hay an toàn thực phẩm. Thứ ba, các nhà nhập khẩu và phân phối cá da trơn từ Á Châu và Việt Nam cũng phản ứng với biện pháp cạnh tranh bất chính đó.

Đáng chú ý nhất, Nghị sĩ Cộng Hoà John McCain của tiểu bang Arizona đả kích đạo luật Canh nông 2008 là bảo hộ mậu dịch, kết quả của những nhóm quyền lợi riêng tư nên đang vận động việc thu hồi đạo luật này. Nhiều người dự đoán là đạo luật này không bị thu hồi thì cũng sẽ được tu chính lại khi Hạ viện đã nằm trong tay đảng Cộng Hoà vốn có xu hướng tự do ngoại thương mạnh hơn. Chúng ta sẽ còn cơ hội theo dõi những đòn phép kỳ lạ này.

- Trong khi ấy, con cá da trơn Việt Nam vẫn sống hùng sống mạnh và được nhiều thị trường trên thế giới chiếu cố nên đem lại thu nhập về xuất khẩu tới một tỷ rưỡi đô la, coi như gần một nửa của nguồn lợi từ thủy sản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.