Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Giới trẻ ở Việt Nam và tâm lý "lãng quên chiến tranh"

Bob Dylan, ca sĩ lừng danh với những bài hát phản chiến đã có buổi biểu diễn hôm 10/4 tại trường đại học RMIT tại TPHCM. Đặc phái viên báo Le Monde có bài phân tích về buổi biểu diễn này với dòng tựa khá ấn tượng "Good Evening Vietnam", nhại lại tựa đề bộ phim "Good Morning Việt Nam" với tài tử Robin William.

Bob Dylan
Bob Dylan
Quảng cáo

Đêm diễn hôm 10/04 đã thu hút hàng ngàn khán giả, thế nhưng sự ủng hộ theo Le Monde là thiếu « cuồng nhiệt ». Khán giả chủ yếu là thanh niên, họ tìm đến trước nhất là vì tiếng tăm của ca sỹ nhạc rock Bob Dylan, chứ không phải danh tiếng về một ca sỹ chống chiến tranh.

Nói về những bài hát phản chiến của Bob Dylan, Le Monde cho rằng, những bài hát này mang nội dung chống chiến tranh nói chung, chứ không phải chỉ dành riêng cho chiến tranh Việt Nam. Thậm chí đến bài hát nổi tiếng Masters of wars cũng đã từng bị ngộ nhận là viết để lên án Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, Le Monde nhấn mạnh. Tờ báo này cho rằng, bài hát ra đời năm 1963, năm mà chỉ có vài trăm lính Mỹ có mặt ở miền nam Việt Nam.

Ý định của ban tổ chức trong việc lôi kéo khán giả bằng một biểu tượng gắn với chiến tranh Việt Nam hình như đã không thành công ở một đất nước hiện tại có hơn phân nữa dân số dưới 30 tuổi. Thế hệ này chưa hề sống qua những năm tháng khắc nghiệt nhất của các cuộc chiến giai đoạn trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành chính sách đổi mới trong những năm 1980.

Le Monde dẫn lại lời của anh Nguyễn Tiến Huy, 27 tuổi, giám đốc của một trang Internet về marketing và khuyến mãi. Tờ báo cho biết, lời tâm sự của Tiến Huy thể hiện khá rõ cảm nhận chung của khán giả. Tiến Huy cho biết : « Tôi đến đây vì Bob Dylan là một huyền thoại. Vâng, ông ấy đã từng là ca sỹ nỗi tiếng với dòng nhạc phản chiến, nhưng đối với thế hệ của chúng tôi, chiến tranh mà đất nước chúng tôi đã hứng chịu hiện tại không phải là một lí do để bận tâm ».

Tại sao lại có sự lãng quên này, hay nói cách khác là tâm lý gác lại nỗi kinh hoàng ? Tiến Huy cho rằng, đó là tâm lý đặc trưng của người Việt Nam : « Nét đặc trưng của chúng tôi là biết sống cho hiện tại ». Theo Tiến Huy, cũng nên phân biệt các kiểu chiếm đóng : « Người Pháp và Mỹ đã thừa nhận sai lầm đối với chúng tôi, trong khi đó người Trung Quốc thì không. Tôi đã đến Côn Minh thủ phủ của tỉnh Vân Nam vào năm 2010. Ở đó, có người nói với tôi rằng một ngày kia, Việt Nam sẽ lại thuộc về Trung Quốc ».

Chuyến lưu diễn của Bob Dylan ở Trung Quốc và ở Việt Nam đã bị giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích. Theo họ, cũng giống như ở Bắc Kinh và Thượng Hải, những bài hát « đinh » về chủ đề chống chiến tranh và ủng hộ phong trào nhân quyền như Blowin' in the Wind và The Times They Are a-Changin đã không được Dylan biểu diễn, có thể là do nội dung quá đậm mùi chính trị.

Dylan có bị chính quyền Việt Nam kiểm duyệt không ? Ông Rod Quinton, giám đốc điều hành của Saigon Sound System, đơn vị tổ chức đêm diễn, khẳng định là « Không ! ». Ngay cả người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam bà Nguyễn Phương Nga cũng cho biết, bà thậm chí còn không biết danh sách các bài hát của đêm diễn có được trình trước cho chính quyền không ?

Trong khi đó, một quan chức của Human Rights Watch (Tổ chức theo dỏi nhân quyền), đã cho công bố bản thông cáo lên án « thái độ trung lập » của nam ca sỹ Bob Dylan và cho rằng người được xem là « biểu tượng của phong trào các bài hát phản kháng, đáng lẽ ra phải xấu hổ » !

Khó đo lường mức độ nguy hiểm ở Fukushima

Hôm qua cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản đã nâng mức nguy hiểm của Fukushima lên ngang tầm Tchernobyl (cấp 7). Đâu là những nguy cơ phóng xạ thật sự ? Libération trả lời câu hỏi này với bài nhận định : « Phóng xạ ở nhà máy Fukushima : khó đo lường chính xác mức độ nguy hiểm ».

Đầu tiên cần xác định đã có bao nhiêu phóng xạ bị thoát ra ngoài ? Lượng phóng xạ chủ yếu được thải ra vào khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 3. Lượng phóng xạ được đo trong khu nhà máy hạt nhân, cách lò phản ứng số 2, lò để thoát nhiều phóng xạ nhất, 500m. Mức độ cao nhất là 12 millisieverts/giờ. Thế nhưng, đơn vị millisieverts chỉ được tính đến ngày 21/3, sau đó đơn vị được tính là microsieverts, tức thấp hơn 1000 lần.

Đây là kết quả đo lường của Viện Phòng ngừa phóng xạ và an toàn hạt nhân của Pháp (IRSN), được tiến hành ngay sau ngày 20/3. Kết quả này cũng đã được Mỹ và Châu Âu xác nhận.

Về mức độ nguy hiểm của phóng xạ thoát ra ngoài, theo các chuyên gia, cần xem xét 2 việc, đó là phần phóng xạ chủ yếu đã bị hướng về Thái Bình Dương và việc dân cư quanh vùng trong khuôn viên 20 cây số đã được di tản trước khi phóng xạ thoát ra ngoài.

Liberation cũng quan tâm đến những người ở lại cứu nhà máy Fukhushima. Họ đang làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Tập đoàn TEPCO đã được phép cho nhân viên ở lại làm việc phơi nhiễm đến mức 250 millisieverts. Hiện tại, 19 nhân viên bám trụ nhà máy đang phơi nhiễm ở mức từ 100 đến 180 millisieverts. Theo các chuyên gia, nếu phơi nhiễm ở mức 250 millisiverts, người ta có thể bị ung thư. Như vậy, họ làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ, nhưng chưa đến nổi phải hy sinh tính mạng.

Chính phủ Nhật Bản đã cho di tản dân chúng trong phạm vị 20 km quanh nhà máy, và đến từ 20 đến 30 km đối với thai phụ và trẻ em. Trong khu vực 30 km, kết quả đo phóng xạ thu được cũng rất đa dạng, thậm chí có nơi còn bị nhiễm xạ cao. IRSN vừa lập xong bản đồ cụ thể ước tính lượng phơi nhiễm phóng xạ đối với một hộ gia đình/một năm. Theo bản đồ này, sự nhiễm phóng xạ chủ yếu tập trung về hướng tây bắc trong phạm vi 40 km. Trong những vùng bị nhiễm cao nhất, số đo được là 30 millisieverts/năm. Đây là mức độ ít nguy cơ, thế nhưng, lại rất cao so với mức phơi nhiễm của một hộ sống gần nhà máy hạt nhân trong điều kiện bình thường.

Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ cho di tản bổ sung ở những vùng có nguy cơ. Liberation đánh giá, nước này sẽ phải mất nhiều năm cho công tác khử nhiễm.

Nợ công ở các nước phát triển sẽ đạt kỉ lục kể từ năm 1945

Ở các nước phát triển, năm nay nợ công sẽ vượt mức 100% GDP, đó là thông tin được Le Figaro phản ảnh trong bài nhận định «Nợ công cao nhất kể từ năm 1945 ».

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, mặc dù các nước đã cố gắng bằng mọi cách để giảm nợ công, nhưng sự cân đối tài chính công trên thế giới vẫn còn rất bấp bênh. Cũng theo tổ chức này, mức nợ công sẽ vượt 100% GDP, mức cao nhất kể từ sau thế chiến thứ hai.

Năm 2011, nợ công của Hoa Kỳ có thể ở mức 10,8% GDP. Ở Nhật Bản, con số này lên đến 200%, đó là chưa kể đến hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân.

IMF cho biết, mức thâm hụt trên thế giới còn rất cao so với mức mong muốn. Trên thực tế, nợ công tiếp tục bùng nổ. Theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE), năm nay mức nợ công sẽ lên đến mức 99,8% GDP trên tổng thể các nước thành viên, và 96,7% cho khu vực đồng euro. Trong đó, cao nhất là Hy Lạp 138,6% và Italie 134,7%.

IMF cho biết, các nước mới nổi đã đạt được kết quả khả quan hơn trong việc giảm nợ công, và tình hình sẽ tiếp tục tiến triển trong năm nay ở các nước này, với mức dự báo là 2,6%.

Theo IMF, tình hình rất đáng báo động, trong khi nợ công thế giới vẫn còn cao, nhất là ở các nước phát triển, thì nhu cầu chi tiêu đã đạt mức kỷ lục. IMF kêu gọi, tất cả các quốc gia, không phân biệt phát triển hay đang phát triển, hãy hành động ngay lập tức, thay vì chờ đợi để phản ứng muộn màng và gấp gáp.

Libya : Lối thoát cho cuộc chiến vẫn còn rối rắm !

Tiếp tục thông tin về chiến sự tại Libya, Le Figaro có bài phân tích « NATO dưới sức ép của Anh và Pháp ».

Pháp và Anh hôm qua đã đề nghị NATO tăng cường oanh tạc vào các lực lượng pháo binh của Kadhafi, trong khi quân đội của ông này đang xiết chặt vòng vây quanh thành phố Misrata và một số pháo đài khác của quân nổi dậy.

Ngoại trưởng Pháp tuyên bố : « NATO đã cương quyết muốn nắm quyền lãnh đạo liên quân, tôi tin tưởng NATO có thể tập hợp được những phương tiện cần thiết. Thật không thể nào chấp nhận việc Misrata vẫn còn bị khốn khổ dưới vòng bom đạn. Lực lượng pháo binh phải bị phát hiện và vô hiệu hóa». « Đồng khí tương cầu », ngoại trưởng Anh kêu gọi nên tăng cường máy bay tham chiến.

Hai nước này cho rằng, một số nước đã cam kết tham gia lại không chịu tiến hành không kích, ngay cả những nước chịu không kích cũng bị ràng buộc bởi các qui định ngặt nghèo. Một nhà ngoại giao cho rằng, vẫn có thể không kích nhiều hơn nữa, nhưng ngại gây thêm nguy hiểm cho tính mạng thường dân.

Việc tìm kiếm sự cân bằng giữa « sự thận trọng và hiệu quả » sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp mặt tại Berlin của 28 bộ trưởng ngoại giao của NATO.

Lối thoát cho cuộc chiến ở Libya rất rối rắm. Đối với quân nổi dậy, điều kiện tiên quyết là ông Kadhafi và các con trai phải ra đi. Đây cũng là quan điểm của Anh, Pháp và Ý. Le Figaro nhận định, dựa vào sự ủng hộ này, phe nổi dậy đã từ chối kế hoạch hòa bình của Liên hiệp Châu Phi. Về phần mình, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đảo thứ tự ưu tiên, khi đặt điều kiện đình chiến lên trên yêu cầu ông Kadhafi phải ra đi.

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao cho biết, dù bị cô lập trên trường quốc tế, nhưng ông Kadhafi khẳng định « Lúc này, không có lí do gì phải ra đi ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.