Vào nội dung chính
THỦY ĐIỆN TRÊN MÊKÔNG

Bất đồng xung quanh việc xây đập thủy điện trên sông Mêkông

Về vấn đề môi trường, hôm nay nhật báo Le Monde có bài viết « Bất đồng xảy ra quanh việc xây đập thủy điện trên sông Mêkông ». Bài báo cho biết, việc Lào cho tiến hành xây đập Xayaburi trên sông Mêkông, nằm trên vùng cao nguyên của Lào, đã gây căng thẳng giữa bốn nước trong khu vực Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và Lào.

Hai cậu bé đánh cá trên dòng sông Xe Bang Fai River (Lào).
Hai cậu bé đánh cá trên dòng sông Xe Bang Fai River (Lào). INTERNATIONALRIVERS/Shannon Lawrence
Quảng cáo

Chính phủ Việt Nam quan ngại cho hệ quả của việc xây đập sẽ có những tác động nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản trên sông Mêkông. Các trang trại cá phải đối mặt với khả năng lượng nước đổ về đồng bằng sẽ bị giảm xuống. Đó là chưa nói đến hiện tượng nhiễm mặn trên các diện tích trồng trọt.

Các chuyên gia môi trường nhận định rằng, xây đập giữ nước có nguy cơ gây ra tăng sinh các loài thực tảo và tạo trầm tích bùn ngay tại hồ trữ nước, ngăn cản các loài cá lội ngược dòng trong mùa sinh sản. Nhất là, họ e ngại sự biến mất loài cá tra khổng lồ trên sông Mêkông.

Việt Nam kêu gọi tạm hoãn việc thi công trong thời hạn ít nhất 10 năm để xem xét kỹ các hệ quả của nó. Trên nguyên tắc, việc xây đập phải có ý kiến thông qua của 4 nước thành viên trong Ủy Ban sông Mêkông – MRC (được thành lập năm 1995). Tuy nhiên, về phía chính phủ Lào, họ vẫn cương quyết giữ vững lập trường, cho rằng Lào có đủ quyền quyết định thời điểm xây đập. Họ cũng khẳng định rằng, công trình này hoàn toàn tôn trọng việc bảo vệ môi trường, và việc xây dựng sẽ không có tác động đáng kể nào.

Theo Le Monde, tổng số vốn đầu tư cho công trình này là 3,8 tỷ đô-la (tương đương với 2,6 tỷ euro), Lào hy vọng sẽ thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Điều trớ trêu là, mặc dù Thái Lan cũng tỏ ra lo ngại các tác động của việc xây đập đến môi trường, nhưng họ sẽ tài trợ một phần vào dự án này bằng cách mua lại 95% lượng điện sản xuất ra.

Trong bối cảnh phát triển chung của Đông Nam Á, lượng tiêu thụ điện sẽ gia tăng từ 6% đến 7%/ năm từ đây đến 2025, trong đó, Thái Lan và Việt Nam, hai nước mạnh nhất về kinh tế trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bất chấp thảm họa hạt nhân Fukushima, Thái Lan và Việt Nam vẫn tuyên bố chương trình xây dựng các trung tâm hạt nhân của mình.

Riêng về phần Lào, một đất nước nằm lọt thỏm giữa các vùng miền núi với khoảng 6 triệu dân, bằng dự án đập thủy điện Xayaburi với công suất ước tính khoảng 1.260 MGW, Lào mơ ước trở thành « bộ pin điện » cho cả khu vực, và thoát khỏi đói nghèo khi ước đoán sự tăng trưởng 8% mỗi năm, nhờ vào nguồn thu từ thủy điện. Đối với Lào, thủy điện là một nguồn năng lượng xanh 100%, một loại năng lượng thay thế cho các lò nhiệt điện ô nhiễm.

Cuối cùng, Le Monde trích dẫn một nhận định trong bản báo cáo của MRC, đánh giá hiệu quả của việc xây đập : « trong điều kiện hiện tại, thì bể chứa nước sẽ mất đi 60% các khả năng của nó trong vòng 30 năm nữa, do đất tích đọng lại ».

Doanh nghiệp châu Âu vẫn bị gạt ra khỏi các đấu thầu trong lĩnh vực công tại Trung Quốc

Về vấn đề quan hệ kinh tế châu Âu – Trung Quốc, nhật báo Les Echos có bài tựa «Các doanh nghiệp châu Âu vẫn bị gạt ra khỏi các cuộc đấu thầu trong lĩnh vực công tại Trung Quốc », cho biết các khó khăn của các doanh nghiệp châu Âu trong việc tham gia đấu thầu ở một số lĩnh vực công.

Les Echos cho biết, Văn phòng Thương mại Châu Âu vừa cho công bố một nghiên cứu về thị trường công tại Trung Quốc, đồng thời đưa ra yêu sách Trung Quốc phải độc lập về tài chính đối với quyền lực chính trị. Theo nội dung bản nghiên cứu, các doanh nghiệp châu Âu bị phân biệt đối xử khi tham gia đấu thầu trong các lĩnh vực này. Thị trường công tại Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20% của nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu vẫn bị nằm ngoài các cuộc chơi, ngoại trừ việc cung cấp đội xe công cho các quan chức chính phủ, mà hãng xe hơi Audi đang dẫn đầu.

Theo Les Echos, nguyên nhân chính là do thiếu minh bạch trong gọi thầu. Tiến trình gọi thầu không hợp lệ. Đầu tiên hết là việc xác định nhu cầu không rõ ràng. Thường họ chỉ dựa vào các mẫu hàng từ các quyển catalogue để gạt ra ngoài cuộc chơi một vài người tham gia. Kế đến, các chính quyền sử dụng đến các ràng buộc về kỹ thuật để phân biệt các doanh nghiệp. Thông báo gọi thầu cũng không tuân theo khổ chuẩn và khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Không những thế, thông báo gọi thầu được công bố trong một thời hạn cực ngắn, trong khi cuộc chơi thực chất đã được bắt đầu từ lâu.

Và cuối cùng vấn đề đến từ ủy ban xét chọn ứng viên chiến thắng. Ông Jacques de Boisséson, chủ tịch Văn phòng Thương mại Châu Âu, không dấu giếm khi cho biết rằng « các xung đột quyền lợi » bóp méo sự chọn lựa khách quan của Ủy ban này.

Bản nghiên cứu kết luận rằng : các ứng viên khác nhau tham gia đấu thầu không được đối xử công bằng.

Tuy nhiên, Văn phòng Thương mại Châu Âu cũng tỏ ra khá lạc quan khi nhận định rằng « những năm vừa qua, Trung Quốc đã có những tiến bộ không thể nào chối cãi được ». Nhưng họ cũng đe dọa : « Nếu Trung Quốc vẫn đi quá đà, một ngày nào đó, các doanh nghiệp này có lẽ sẽ buông xuôi và rút đi hết ».

Hãy chấm dứt hành động vô liêm sỉ. Buôn bán vũ khí cần phải có trách nhiệm hơn !

Liên quan đến chiến sự tại Libya, tờ báo Le Monde hôm nay có bài nhận định «Hãy chấm dứt thái độ vô liêm sỉ. Buôn bán vũ khí cần phải có trách nhiệm hơn ! ». Theo bài báo, số máy bay của Kadhafi do Pháp hủy diệt là do chính Pháp bán cho lãnh đạo Libya.

Theo Le Monde, thật mỉa mai thay, Pháp cho oanh tạc các súng cối của Kadhafi bằng chính chiếc Rafale, chiếc chiến đấu cơ mà trước đây Pháp đã từng chào mời rất nhiệt tình với ông Kadhafi. Không những thế, kho vũ khí của Kadhafi đều do các ông lớn phương Tây, những người cầm đầu liên quân, bán cho. Ở đây người ta có thể tìm thấy đủ loại vũ khí từ nhiều nguồn gốc khác nhau : từ chiến đấu cơ Mirage F-1 do tập đoàn sản xuất vũ khí Dassault Pháp đến tên lửa chống xe tăng Milan, mà lô hàng cuối cùng được Pháp giao vào hồi đầu năm nay.

Ý thì cho NATO sử dụng các khu căn cứ quân sự chính để triển khai các chiến dịch chống lại lực lượng Kadhafi. Nhưng trước đó, Ý đã bán cho Libya các loại trực thăng dùng trong quân sự và kiểm soát an ninh biên giới với Libya.

Nước Anh cũng không nằm ngoài cuộc chơi, khi đã cung cấp một hệ thống viễn thông hoàn chỉnh cho các xe tăng T-72 của Libya.

Ngoài ra, còn có các loại vũ khí hạng nhẹ khác như các loại súng trường, tên lửa hạng nhẹ chống máy bay có xuất xứ từ Nga, Ukraina, Bỉ và Ý.

Le Monde cho biết, trước khi xảy ra chiến sự, có thể nói, Libya từng là một thị trường vũ khí béo bở của phương Tây, ngay khi lệnh cấm vận vũ khí dược dỡ bỏ vào năm 2003 và 2004.

Tuy nhiên, điều mà tác giả bài báo quan tâm là có quá nhiều mối hiểm họa tiềm ẩn. Đầu tiên, tác giả quan ngại, nếu như số vũ khí này rơi vào tay quân nổi dậy, chúng sẽ đe dọa an ninh của các nước đồng minh với Pháp tại Bắc Phi như Algeri, Mali, Niger và Tchad. Không những số vũ khí này làm gia tăng nguy cơ bạo lực dữ dội và kéo dài tại Libya, mà nó còn có thể lan rộng ra các vùng xung đột khác xung quanh Libya. Le Monde cho rằng, khó có thể thiết lập được một mối liên hệ trực tiếp, một mặt, giữa việc buôn bán vũ khí và mặt khác, hành động bạo lực do Kadhafi gây ra. Ngược lại, cũng không thể nào khẳng định một cách chắc chắn rằng, việc nghiêm cấm vũ khí, nếu như đã được thực hiện, chưa chắc gì có thể ngăn cản được các cuộc tàn sát ở mức độ lớn vừa xảy ra ở Libya.

Le Monde cho rằng, việc các nước phương Tây bán vũ khí cho Kadhafi, cũng đồng nghĩa với sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây với chế độ Kadhafi. Cũng còn may mắn là một số hợp đồng vũ khí chưa được thực hiện như việc đặt mua hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga và Jernas của Anh, hay hệ thống ra-đa bảo vệ phòng không Pháp, nếu không việc áp đặt vùng cấm bay sẽ còn phức tạp hơn nhiều.

Cuối cùng, bài báo cho rằng các chính phủ nên suy nghĩ kỹ trước khi xuất khẩu vũ khí. Đừng để rơi vào trường hợp Saddam Hussein. Ông này đã dùng các vũ khí do Nga và Pháp cung cấp để chống lại nước láng giềng ôn hòa, và cuối cùng chống lại lực lượng can thiệp quân sự do Liên Hiệp Quốc ủy quyền. Bài học Libya là cơ hội để các nước này xem lại chính sách xuất khẩu vũ khí, đánh giá các nguy cơ mà chính sách này làm tăng sức mạnh các chế độ độc tài, và nhấn mạnh rằng lợi ích quốc gia và thương mại có thể làm cho các chính phủ này trở nên mù quáng như thế nào trước các tác động tiêu cực ngược trở lại của kiểu thương mại này.

Bầu cử Tổng thống, trò chơi xổ số ngay vòng một

Liên quan đến tình hình chính trị tại Pháp, nhật báo Libération hôm nay có bài tựa « Bầu cử Tổng thống, trò chơi xổ số ngay vòng một ». Khi mà các chiến dịch tranh cử bắt đầu khởi động, đối đầu với sự nổi lên của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp do bà Marine Le Pen lãnh đạo và việc có quá nhiều ứng viên chức Tổng thống, các đảng phái chính trị dù là tả hay hữu đang tìm mọi cách né tránh một lần nữa cơn ác mộng « 21 tháng 4 » vào năm 2012. Theo bài báo, vào thời điểm này cách đây 9 năm, lần đầu tiên, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia lúc đó do ông Jean-Marie Le Pen lãnh đạo, đã lọt vào vòng hai, đã khiến các cử tri phải ồ ạt dồn phiếu cho ông Jacques Chirac.

Còn trên trang nhất tờ Cộng sản L’Humanité, với hàng tựa « 21 tháng 4 2002, cánh tả đã rút ra được bài học nào ? ». L’Humanité cho rằng, cánh tả đang đối diện với sự phức tạp của ngày 21 tháng 4, ngày mà cánh tả gọi là « trận động đất » chính trị. Trước sự trỗi dậy của đảng cực hữu, ngày càng có nhiều lời kêu gọi một ứng viên duy nhất đại diện cho cánh tả.

Cuối cùng, tờ La Croix với bài viết « Một năm trước kỳ bầu cử Tổng thống, bóng ma của '‘21 tháng 4’' đè nặng lên mặt chiến lược ». Theo bài báo, nhằm né tránh ứng cử viên của đảng cực hữu lọt vào vòng hai, mỗi đảng phái chọn một chiến lược khác nhau, có đảng hướng đến cử tri, lại có đảng muốn hạn chế số ứng viên.

Đời sống văn phòng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng gấp đôi

Liên quan đến vấn đề sức khỏe, nhật báo Le Figaro, có bài viết «Đời sống văn phòng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng gấp đôi». Bài báo trích dẫn kết quả của một nghiên cứu thuộc một trường Đại học Úc, đăng trên tạp chí American Journal of Epidemiology.

Le Figaro cho biết, những ai làm công việc ít vận động trong hơn mười năm có nguy cơ bị ung thư đại tràng tăng gấp đôi, bất kể việc rèn luyện cơ thể mỗi ngày. Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu do một trường đại học ở phía Tây Úc thực hiện qua việc khảo sát nhóm 918 bệnh nhân trong độ tuổi từ 40 đến 79 tuổi. Theo nhóm nghiên cứu, béo phì và dư thừa calorie, nhất là dùng quá nhiều thịt và thịt ướp, và tính thụ động được cho là những tác nhân gây bệnh ung thư. Kết quả quan sát cho thấy, việc dùng nhiều rau củ thường xuyên là những yếu tố bảo vệ bệnh, nhất là phải thường xuyên thực hiện các hoạt động thể lực.

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, mối quan hệ nguy hiểm giữa tình trạng thiếu vận động và bệnh ung thư đại trực tràng có thể bắt nguồn từ nhiều cơ chế. Thiếu các hoạt động thể dục sẽ làm tăng đường huyết và làm giảm tính nhạy cảm với chất insuline, là hai tác nhân chính, kích thích quá trình gây ung thư tại các tế bào ruột. Các tác nhân gây viêm nhiễm do sự thụ động có lẽ cũng đóng một vai trò nhất định cho quá trình gây bệnh.

Cuối cùng, Le Figaro kết luận rằng, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Úc cho thấy lợi ích của việc chống lại tình trạng thụ động tại công sở bằng cách thường xuyên đứng dậy đi vài bước, hít thở thật sâu, uống nước v.v…. Chỉ một vài cử chỉ nhỏ cũng giúp làm giảm stress.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.