Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NGA

Nga bắt đầu thả một số trong nhóm 500 lao động Việt bị bắt hôm 5/5

Ngày hôm qua 5/5, hãng thông tấn Nga Rianovosti dẫn lời cơ quan cảnh sát Nga, cho biết, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 500 công nhân Việt Nam làm việc bất hợp pháp. Hôm nay, nhiều người đã được thả sau khi chấp nhận nộp phạt.

Ảnh chụp lại từ truyền hình Nga vụ những người lao động Việt Nam không giấy tờ bị bắt hồi năm 2009.
Ảnh chụp lại từ truyền hình Nga vụ những người lao động Việt Nam không giấy tờ bị bắt hồi năm 2009. Nguồn: bee.net
Quảng cáo

Những người Việt Nam bị bắt hôm qua làm việc và cư trú tại các xưởng may thuộc làng Malakhovka, thuộc ngoại ô thành phố Matxcơva. Những người bị bắt đều không có giấy tờ hợp lệ. Chuyện những người Việt làm việc bất hợp pháp tại Nga bị bắt xảy ra rất thường xuyên trong những năm gần đây, tuy nhiên, vụ hôm qua gây nhiều chú ý vì số lượng người bị bắt giữ rất lớn.

Sau đây mời quý vị theo dõi lời kể của một nhân chứng, là một công nhân tại một trong các xưởng may bị cảnh sát đột nhập. Người trả lời phỏng vấn vừa được thả ra vào khoảng hai giờ sáng nay, sau khi chủ doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền « phạt ». 

03:42

Nhân chứng về vụ bắt giữ (Matxcơva)

Trọng Thành

Nhân chứng : Khủng khiếp nhất là cái đợt này. Chính mặt tôi nhìn thấy. Đầu tiên họ vào, họ kiểm tra, họ lôi tất cả ra, họ tịch thu điện thoại, rồi họ không trả. Điện thoại đắt tiền cũng như điện thoại không đắt tiền họ cũng thu. Đến chiều tối, họ cho về các xưởng. Nhưng họ không cho ăn, cũng không cho ra ngoài, không cho nấu nướng, cũng không cho đi toa-lét. Có người không nhịn được,  phải đi toa-lét ngay tại trong phòng. Bắt được là đánh.

Một số người lo sợ bị vào trại, bị vào tù, người ta vượt tường ra. Có người rơi xuống ngã gẫy chân, sai khớp, hầu hết chân tay đều sây sướt hết. Nếu mà bắt được thì đánh ác lắm.

RFI : Thưa chị, hôm nay tình hình như thế nào rồi ?

Nhân chứng : lăn tay, rồi chụp ảnh, rồi cho lên truyền hình. phát đồ ăn rồi chụp ảnh. Từ Tết đến giờ, sang tháng Tư, tháng Năm, chúng tôi chạy tổng cộng là bốn lần rồi. Chủ cũng không còn vực được lên nữa. Chúng tôi cũng cứ sống vạ vật. Hiện nay, tôi phải ra chợ để tin bạn bè, mỗi người giúp đỡ cho một tý. Thậm chí tôi chạy, chẳng còn quần áo, hộ chiếu tôi cũng bị mất luôn. Hầu như tất cả chúng tôi đều bị mất, không phải chỉ mình tôi.
Lúc hai giờ rưỡi sáng nay, chủ đến chuộc cho tôi về. Hôm nay, tôi ra chợ để đi tìm việc làm khác.

RFI : Chị có thể giải thích cho thính giả biết, vì sao các công nhân lại chấp nhận làm việc trong môi trường thường xuyên xảy ra các vụ bắt giữ như vậy được không ?

Nhân chứng : Ví dụ, chúng tôi thuê ở địa điểm này, chủ mặt bằng bảo chúng tôi là, đã « bảo kê » công an địa phương tốt rồi. Chúng tôi là những công nhân đến làm, chúng tôi cũng hỏi chủ rằng, nếu chỗ này an ninh có an toàn thì công nhân chúng tôi mới đến. Cũng có chủ làm được một năm, cũng có chủ làm được năm rưỡi, hai năm, đấy là mấy năm trước là được như thế.

Chúng tôi bảo, cứ nuôi béo rồi chúng nó lại thịt. Tức là đến làm được ít tháng, cho mình hồi hồi vốn, song rồi lại gọi quan trên đến, thu xong tiền, rồi ... Hầu như đến mặt bằng nào cũng vậy, được ba bốn tháng là đóng. Đấy là hai năm trước. Còn từ hai năm nay, cứ đến mặt bằng này được một vài tháng, tháng đầu phải bỏ vốn ra để làm nhà, làm xưởng, máy móc. Chủ mặt bằng bảo : thuê tốt, công an tốt, yên tâm ! Làm được hai tháng, ba tháng, thế là tự nhiên các « ban bệ » lại đến, thế là tự nhiên chúng tôi lại mất trắng.

Người được bảo kê cũng là công an. Thường là ở bên này, các chủ mặt bằng cho thuê đều có vai, có vế, có chức vụ. Cứ được vài tháng, lại bảo đây không phải là công an địa phương, mà do Ô-môn (cảnh sát đặc nhiệm), OVIR (tên cũ của Cục phụ trách visa) - sở Ngoại kiều đến, vì vậy không kịp báo cho mình. Cũng có lúc tăng (giá) lên vào tháng thứ ba, tháng thứ tư. Nếu chúng tôi không chấp nhập lên giá, vài ngày sau là sở Ngoại kiều đến, là công an Kinh tế đến bắt luôn. 

RFI : Thưa chị, bây giờ, ngoài xưởng của chị được thả hết, còn ai vẫn bị giữ không ?

Nhân chứng : Bây giờ còn xưởng khác. Xưởng khác không ra được. Chỉ có mua vé về nước thôi. Tôi có mấy người bạn. Họ về từ ngày 25 tháng trước rồi. Cứ về là coi như trục xuất luôn. Nếu chủ mà không xuống tiền, thì   hành công nhân, bắt cho về.

RFI : Xin phép hỏi chị một câu cuối cùng : tại sao hoàn cảnh của thợ không có giấy tờ, khổ như thế, bị bắt bớ như thế, các chủ xưởng họ thu hoạch được gì từ chuyện này, mà họ vẫn tiếp tục tổ chức các xưởng như vậy ?

Nhân chứng : Nói thật với anh, các chủ xưởng cũng như công nhân, đã chót bán nhà, bán cửa ở Việt Nam sang rồi. Cứ thua keo này, lại bày keo khác, cứ cố. Xấu hổ với bà con, chẳng nhẽ « mang chuông đi đấm nước người », đi rồi chẳng lẽ về tay không. Người ta ở nhà làm ăn ầm ầm. Người ta cứ tuần tự vi tiến, trăng đến rằm, trăng tròn, là người ta tiến được. Nhưng mình cứ cố gắng theo, bây giờ về xấu hổ với bà con hàng xóm, với họ hàng, cho nên biết là bắt bớ vẫn cứ phải sống chui, sống lủi, như vậy. Thân của những người tha phương cầu thực là thế đấy chú ạ. Chứ còn bây giờ, bạn bè tôi những người nào bị trục xuất thì về hết, nếu không thì sống chui lủi, sống vườn rau, lao động rất khổ sở.

Cũng nói thật với chú là chỉ mong sao đủ tiền để về thôi chú ạ !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.