Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Human Rights Watch đòi Việt Nam mở điều tra vụ trấn áp người Hmong

Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch, hôm nay, 17/05/2011, yêu cầu chính quyền Việt Nam mở điều tra minh bạch về thông tin có hơn 60 người Hmong ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, bị quân đội thảm sát. Các nhà báo độc lập, giới ngoại giao quốc tế và các nhà quan sát phải được lên tận nơi để kiểm chứng chuyện gì đã xảy ra từ ngày 30/04 ở khu vực người Hmong theo đạo Thiên chúa tại đây.

Quảng cáo

Theo báo chí Nhà nước thì người Hmong nghe lời « xúi giục của các phần tử xấu » biểu tình đòi tự trị và tự do theo đạo.

Trong bản thông cáo công bố hôm nay, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ghi rõ “ Ngày 30/04/2011, hàng ngàn người Hmong tụ họp gần bản Huổi Khon, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đến ngày 04 và 05/05, quân đội điều động binh sĩ và trực thăng đàn áp những người tập họp. Nhiều thông tin chưa được kiểm chứng cho biết có hàng chục người Hmong chết và bị thương. Chính quyền phong tỏa khu vực không cho giới ngoại giao và báo chí nước ngoài tới tận nơi ".

HRW nhắc lại những lời tuyên bố của phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định « tình hình đã yên ổn » và của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói rằng chính quyền đã bắt giữ một số « đối tượng có hành vi quá khích » nhưng không cho biết con số cụ thể.

HRW tố giác Hà Nội đã « chụp một bức màn đen » che kín tình hình và để nói rằng mọi việc đã « trở lại bình thường ». Do vậy, tổ chức nhân quyền Mỹ kêu gọi Việt Nam phải lập tức :

- Tiến hành điều tra đầy đủ, khách quan và minh bạch có sự giám sát của đại diện cộng đồng Hmong về nguyên nhân của cuộc nổi dậy, về mức độ bạo động của người biểu tình cũng như những tố giác về việc chính quyền sử dụng vũ lực quá mức.

- Thứ hai là phải cho phép phóng viên nước ngoài, đại diện ngoại giao quốc tế tại Hà Nội, cơ quan Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tự Quốc Tế đến tận huyện Mường Nhé, các vùng lân cận để điều tra độc lập.

- Thứ ba là phải công bố danh sách những người bị bắt, bị bắt vì tội gì và hiện giam ở đâu.

HRW cũng yêu cầu Việt Nam để cho những người bị giam tiếp xúc với gia đình và luật sư, không được tra tấn và không trả thù những người đã tham gia biểu tình ôn hòa.

Giám đốc Á châu của HRW, Phil Robertson nhận định là trong các vụ xử lý tình hình người sắc tộc thiểu số, chính quyền Việt Nam thường áp đặt tội danh và sử dụng bạo lực đàn áp.

Theo bản tin của AFP, một nguồn tin quân sự xác nhận có đụng độ giữa người Hmong biểu tình và quân đội. Chính quyền Việt Nam viện cớ thời tiết và giao thống xấu để không cho phóng viên của Thông Tấn Xã Pháp lên tận nơi quan sát và kiểm chứng những thông tin mà phát ngôn viên bộ Ngoại giao hôm thứ năm cho là « bị phóng đại và bóp méo ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.