Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Việt Nam bị tố cáo dùng trực thăng vũ trang để đàn áp người Hmong

Hôm qua, Trung tâm Phân tích Chính sách Công ( CPPA ) trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, vừa ra một thông cáo báo chí tố cáo Việt Nam đã sử dụng trực thăng vũ trang để đàn áp người sắc tộc Hmong ở tỉnh Điện Biên.

Nhà sàn của người sắc tộc Hmong ở Hòa Bình.
Nhà sàn của người sắc tộc Hmong ở Hòa Bình. DR / FLICKR
Quảng cáo

Các thông tin của trung tâm này, cũng như các nguồn tin Hmong và Việt Nam cho biết là hôm qua, quân đội Việt Nam đã huy động trực thăng MI-24 « Hind » sản xuất từ thời Liên Xô để truy kích những người bị tình nghi đã tham gia vào cuộc biểu tình vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 của hàng ngàn người Hmong, trong đó có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo. Các đơn vị đặc nhiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bao gồm các đơn vị đặc công, cùng với các thông dịch viên Việt-Hmong đã được huy động để yểm trợ lực lượng trực thăng vận trong việc truy tìm, bắt giữ, thẩm vấn và hành quyết những người biểu tình Hmong đang chạy trốn vào sâu trong tỉnh Điện Biên.

Trong bản thông cáo báo chí, Giám đốc Điều hành của CPPA, ông Philip Smith cho biết là số người Việt Hmong bị chết và bị bắt tăng mỗi ngày, vì quân đội Việt Nam tiếp tục cuộc đàn áp và chiến dịch an ninh ở tỉnh Điện Biên đã được tăng cường.

Trung tâm CPPA còn trích lời một đại diện của Liên đoàn Đoàn kết vì Dân chủ ở Lào tố cáo là binh lính Việt Nam, cùng với các cố vấn đặc biệt và công an đang phối hợp với quân đội Lào để giúp phong tỏa vùng biên giới Việt-Lào, cũng như để giúp truy bắt những người định vượt biên sang Lào để lánh nạn.

Những thông tin nói trên thật ra rất khó kiểm chứng bằng những nguồn tin độc lập, vì phóng viên nước ngoài và các nhà ngoại giao ngoại quốc không được vào khu vực Mường Nhé, Điện Biên. Một người dân hôm qua cho hãng tin AFP biết là hàng trăm người sắc tộc Hmong vẫn đang lẩn trốn trong rừng vì sợ bị bằt, trái với những tuyên bố của chính quyền cho rằng tình hình đã trở lại bình thường và mọi người đã trở về nhà. Cũng theo người dân nói trên, quân đội đã nói với dân chúng là họ sẽ ở lại đây cho đến cuối tháng 5. Còn theo một tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo của Anh quốc Christian Solidarity Worldwide, nhiều tín đồ Hmong từ những nơi khác hiện vẫn còn ở Điện Biên để chờ ngày tận thế.

Theo nhận định của ông Philip Smith, Giám đốc Điều hành của CPPA, " Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, cũng như các lãnh đạo khác trong quân đội và trong Bộ Chính trị rất lo ngại là các cuộc biểu tình ở Điện Biên sẽ lan sang những nơi khác, với yêu sách đòi cải tổ dân chủ, đòi tự do hơn và đòi thay đổi chế độ ở Việt Nam và Lào".

Cho tới nay, chính quyền Việt Nam vẫn cho rằng một số người Hmong nhẹ dạ đã tin vào những « thông tin lừa bịp của kẻ xấu » để chờ đón sự xuất hiện của « Thế lực siêu nhiên ». Hà Nội cũng khẳng định là các « phần tử xấu » đã lợi dụng tình hình đó để kích động, vận động đòi thành lập « vương quốc Hmong ».

Thực tế là cuộc tập hợp ở Mường Nhé ban đầu mang tính tôn giáo hơn là chính trị. Hàng ngàn người Hmong, không chỉ ở Điện Biên, mà ở các những nơi khác ở Việt Nam, đã kéo đến Mường Nhé từ cuối tháng 4, sau khi nghe các chương trình phát thanh Tin Lành của Mỹ. Theo chương trình này thì Chúa Giêsu sẽ hiện ra đúng ngày hôm nay 21/5, được cho là Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Các vụ xung đột đã nổ ra giữa người biểu tình Hmong với quân đội, và chính quyền loan báo đã bắt giữ nhiều người.

Tổ chức Human Rights Watch hôm thứ ba vừa qua đã lên án việc chính quyền Việt Nam bưng bít thông tin về vụ Mường Nhé, và yêu cầu Hà Nội mở một cuộc điều tra để làm minh bạch trước những cáo buộc về việc sử dụng vũ lực quá đáng từ phía chính quyền và từ phía những người biểu tình.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.