Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam chưa đủ điều kiện để thu hút tốt giới đầu tư muốn rời Trung Quốc

Đăng ngày:

Với chi phí nhân công tại Trung Quốc càng ngày càng tăng cao, các nhà đầu tư nước ngoài, ngay từ giữa thập niên 2000, đã tính đến phương án phân tán cơ sở kinh doanh, không tập trung ở Trung Quốc, mà chuyển công việc sản xuất qua các nước khác, được cho là hấp dẫn hơn. Việt Nam thường được cho là điểm đến nhiều triển vọng trong chiến lược được mệnh danh là “Trung Quốc cộng Một” (China plus one).

Công trình làm đường tại Hà Nội ngày 17/05/2011. Sự yếu kém về hạ tầng cơ sở là một trong những cản lực khiến giới đầu tư nước ngoài ngần ngại.
Công trình làm đường tại Hà Nội ngày 17/05/2011. Sự yếu kém về hạ tầng cơ sở là một trong những cản lực khiến giới đầu tư nước ngoài ngần ngại. Reuters
Quảng cáo

Lược qua một số bài báo hoặc công trình nghiên cứu trong những năm gần đây, mọi người có thể ghi nhận ngay lập tức thái độ quan tâm của các tập đoàn quốc tế đối với Việt Nam trong phương án chuyển hướng đầu tư đó.

Chẳng hạn như ngày 02/05 vừa qua, trong bài phóng sự về tập đoàn công nghiệp nhẹ East West Manufacturing, trụ sở tại Atlanta (Hoa Kỳ), tờ báo trên mạng Global Atlanta đã nêu bật thái độ hài lòng của tập đoàn này sau khi quyết định dời cơ sở sản xuất qua Việt Nam từ năm 2003, để rồi trên nền tảng đó khuếch trương thêm công việc kinh doanh của họ. Nhận xét của tờ Global Atlanta rất rõ “Việt Nam cùng một số thị trường Á châu khác đang hấp dẫn vào lúc việc ‘Made in China’ (Chế tạo tại Trung Quốc) ngày càng đắt đỏ thêm.

Ngay từ năm 2008, ngân hàng Anh Quốc HSBC đã nghiên cứu kỹ về chiến lược "Trung Quốc cộng Một" và đi đến kết luận rằng xu hướng đó đã lôi kéo giới đầu tư vào Việt Nam.

Trong một bài nghiên cứu công bố ngày 31/01/2008, công ty tham vấn Dezan Shira & Associates chuyên nghiên cứu môi trường kinh doanh tại Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ... đã giải thích rõ về chiến lược China plus One, vốn được rất nhiều nhà kinh doanh và đầu tư Mỹ hưởng ứng :

“Lập luận kinh tế đằng sau chiến lược "Trung Quốc cộng Một" là như sau : Trung Quốc ngày càng giàu lên, dân số Trung Quốc ngày càng già đi, điều đó làm cho chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ hơn. Tiền lương tại Trung Quốc đang tăng lên, giá cả các mặt hàng cũng vậy…Xu hướng lạm phát đáng ngại đang nâng giá của tất cả mọi thứ, từ bát cơm cho đến tiền thuê nhà.

Thêm vào đó, Trung Quốc lại thống nhất hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2007), đưa mức thấp mà các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng trước đây trong một số trường hợp từ 15% lên thành 25%. Một số ưu đãi thuế cũng đã biến mất, làm cho các nước khác ở châu Á trở thành hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ lại có hệ thống quota nhắm vào hàng dệt may Trung Quốc, các sản phẩm nông nghiệp và một loạt mặt hàng khác, có nghĩa là một khi hạn ngạch đã sử dụng hết - và quota hàng năm thường cạn kiệt sau 9 tháng – thì hàng không được phép nhập vào Mỹ.

Vì thế, một số nhà sản xuất đang tính đến việc tìm kiếm nơi kinh doanh khác - hoặc di dời hoàn toàn các hoạt động của họ.

Việt Nam, với tư cách là nước được hưởng quy chế tối huệ quốc của Hoa Kỳ, là nơi tiếp nhận hàng đầu của nguồn đầu tư đó, đặc biệt đầu tư của giới sản xuất hàng xuất khẩu muốn bán ngược trở lại thị trường Mỹ hay bán qua nơi khác…"

Chuyên gia phân tích của Dezan Shira & Asociates ghi nhận : “Tất cả các công ty Mỹ mà tôi tiếp xúc ở California… đều áp dụng chiến lược "Trung Quốc cộng một", cho dù có thể là họ không gọi rõ ràng như vậy. Họ luôn hỏi tôi “Ông biết gì về Việt Nam ?"…”

Việc các tập đoàn Mỹ như tập đoàn điện tử Intel thiết lập cơ sở trị giá hơn 1 tỷ đô la tại Thành phố Hồ Chí Minh, hay General Electric Energy xây dựng nhà máy linh kiện tuốc bin tại Hải Phòng được cho là nằm trong chiều hướng đó.

Tương tự như vậy, trong những năm qua, số lượng các đề án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam từ các tập đoàn vốn tập trung tại Trung Quốc trước đó, ngày càng nhiều, từ tập đoàn điện tử Canon, hay hãng xe hơi Nissan của Nhật, cho đến các công ty Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông…

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đã xuất hiện một luồng dư luận băn khoăn tự hỏi là Việt Nam có đủ điều kiện để thu hút giới đầu tư quốc tế muốn rời thị trường Trung Quốc hay không. Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh lạm phát đang tăng nhanh trở lại tại Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam phần nào bị sứt mẻ do vụ Vinashin, tình trạng đình công đòi tăng lương tại các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng càng lúc càng nhiều...

Trong tình hình đó, Việt Nam có thể làm gì để tăng thêm sức hấp dẫn của một điểm đầu tư được các doanh nhân quốc tế coi là nhiều triển vọng. Để trả lời cho câu hỏi này, RFI đã phỏng vấn nhà báo Ngô Nhân Dụng, tại California (Hoa Kỳ), một người thường xuyên theo dõi tình hình Việt Nam và Trung Quốc.

23:54

Ngô Nhân Dụng, nhà bình luận báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

Theo ông Ngô Nhân Dụng, hiện tượng di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam trong thời gian qua là có thực, nhưng chủ yếu liên quan đến các ngành lắp ráp, may mặc, trị giá gia tăng thấp. Còn những ngành công nghệ cao cấp thì không nhiều.

Vấn đề lương công nhân tại Việt Nam thấp, đội ngũ lao động trẻ... chỉ là một lợi thế rất tương đối, còn trong lãnh vực hạ tầng cơ sở, môi trường sản xuất, khuôn khổ luật lệ, Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với Trung Quốc. Ngay cả trong trường hợp các tập đoàn lớn muốn có một cơ sở sản xuất khác ngoài Trung Quốc, họ còn có thể chọn một số nước châu Á khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia..., có những điều kiện tốt hơn Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.