Vào nội dung chính
VIỆT - TRUNG - KINH TẾ

Việt Nam sản xuất gia công cho Trung Quốc

Năm rồi, thỏa thuận tự do mậu dịch Trung Quốc-ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Hệ quả của thỏa thuận này là việc xuất khẩu của Việt Nam cho Trung Quốc tăng đột biến đến 49% một năm. Năm 2010 Việt Nam luôn ở vị trí nhập siêu với mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 8,7 tỷ euro. Thế mà bỗng chốc, “con hổ châu Á” này biến thành “người sản xuất gia công” cho Trung Quốc.

Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe đạp nhà máy Thống Nhất, Hà Nội.
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe đạp nhà máy Thống Nhất, Hà Nội. Reuters
Quảng cáo

Mấy tuần qua, báo giới tốn nhiều giấy mực phân tích quan hệ Việt- Trung trên phương diện địa chính trị. Tuần này, tạp chí kinh tế Pháp Challenges nhìn vào quan hệ kinh tế giữa hai nước với bài viết mang dòng tựa khá ấn tượng: “Việt Nam trở thành nước sản xuất gia công cho Trung Quốc”.

Năm rồi, thỏa thuận tự do mậu dịch Trung Quốc-ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Hệ quả kéo theo của thỏa thuận này là việc xuất khẩu của Việt Nam cho Trung Quốc tăng đột biến đến 49% một năm. Năm 2010 Việt Nam luôn ở vị trí nhập siêu với mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 8,7 tỷ euro. Thế mà bổng chốc, “con hổ châu Á” này biến thành “người sản xuất gia công” cho Trung Quốc.

Mỗi ngày, tại vùng biên giới, hàng trăm tàu xe chất đầy hàng made in Vietnam qua lại. Challenges dí dỏm, cảnh tượng tấp nập khiến không ai còn nghĩ đến cảnh cách đây 32 năm, quân đội Trung Quốc cũng bằng con đường biên giới này toan xâm chiếm Việt Nam nhưng thất bại.

Tại thành phố cửa khẩu Đông Hưng của Trung Quốc, có nhiều băng rôn, áp phích cổ vũ cho thương mại song phương, và thông báo hoàn thành công trình xây dựng khu chợ xuyên biên giới lớn nhất của ASEAN, với diện tích 51 hecta và vốn đầu tư đến 200 triệu euro.

Challenges nhận định, chắc chắn rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chọn Việt Nam làm nơi sản xuất những mặt hàng mà các nhà máy của mình ở Thâm Quyến hay ở nơi khác không muốn sản xuất nữa. Tại sao thế? Một nhà kinh tế Thượng Hải thừa nhận: “Trung Quốc muốn xóa đi hình ảnh sản xuất chạy theo giá thấp của mình”.

Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc gánh lấy hình ảnh này chăng? Theo Challenges, từ lâu, “anh bạn láng giềng nhỏ bé này”, từ mà nhiều người Trung Quốc hay dùng để gọi Việt Nam, nổi tiếng có giá thành sản xuất rất rẻ. Chính vì thế Trung Quốc đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất hàng hóa giá rẻ cho mình.

Hàng loạt xưởng gia công trên đất Việt

Challenges cho biết, cách đây vài năm, Bắc Ninh chỉ là ruộng lúa mênh mông, thế mà giờ đây ở đó mọc lên khối công ty đa quốc gia với các xưởng gia công địa phương của họ. Ở đó, có xưởng của tập đoàn Samsung với 9.600 công nhân, xưởng lớn nhất của hãng này trên thế giới, hãng Canon với 8.500 công nhân, hãng Foxconn với 5.600 lao động. Hãng Foxconn có trụ sở tại Đài Loan cho rằng, lý do họ tìm đến Việt Nam là do tại Trung Quốc, chính phủ đã buộc tăng lương công nhân, và theo lộ trình, tăng 15% một năm cho đến năm 2015. Từ đó, Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn do có giá nhân công rẻ hơn nhiều.

Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng điều chỉnh luật lao động theo hướng có lợi cho công nhân của họ. Vì thế, trước mắt, nhiều ngành công nghiệp như lắp ráp mô tô hay ngành điện gia dụng sẽ lũ lượt kéo sang Việt Nam.

Challenges cũng nêu nhiều nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư lìa bỏ Trung Quốc đến Việt Nam, trong đó tờ báo này nhấn mạnh nguyên nhân thuế quan. Một chuyên gia Pháp cho biết, Mỹ đánh thuế đến 37% bu-gi máy nổ của Trung Quốc, nhưng chỉ đánh có 5% đối với bu-gi Việt Nam; 6% đối với đèn tiết kiệm năng lượng LED Trung Quốc, nhưng lại không đánh thuế đối với đèn LED Việt Nam.

Vì thế, các tập đoàn Trung Quốc khuyên khách hàng của mình đến giao dịch với xưởng của họ trên lãnh thổ Việt Nam để được hưởng thuế xuất khẩu thấp hơn, trong khi chất lượng sản phẩm vẫn giống như hàng sản xuất tại chính hãng ở Trung Quốc.

Challenges nhận định, “Nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, Trung Quốc chuyển trụ sở đến Việt Nam và củng cố ảnh hưởng kinh tế của mình ở đó”. Cách đây vài tháng, Trung Quốc đã đạt được giấy phép của chính quyền trung ương Việt Nam trong hàng trăm dự án đầu tư nhỏ.

Nhiều công ty địa phương của Việt Nam đã than phiền về việc kinh tế đất nước quá lệ thuộc vào Trung Quốc, như Trung Quốc là nước nhập khẩu chính hàng hóa của Việt Nam, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn cho Việt Nam về thiết bị công nghiệp, điện tử, thép và sản phẩm dầu hỏa.

Challenges nhắc lại, hồi đầu năm nay, tờ báo tiếng Anh Vietnam News của Việt Nam đã bày tỏ lo ngại : “Hàng chế biến Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam”. Challenges cũng ghi nhận, Hà Nội đã có phản ứng qua việc cho giảm lượng nhập khẩu hàng ngàn sản phẩm nước ngoài, trong số đó có rượu vang và xa xỉ phẩm, đặc biệt là sản phẩm thông dụng, và rõ ràng là trong loại này hàng Trung Quốc nằm trong tầm ngắm.

Mỹ giúp Việt Nam tẩy chất độc dioxine

Nhìn về quan hệ Việt-Mỹ sau hơn 30 chiến tranh, tạp chí L’Express có bài “Hà Nội - Washington: chiến dịch đại tẩy độc”, phân tích về sự kiện Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam rửa nhiễm dioxine tại sân bay Đà Nẳng.

Trong thời chiến tranh Việt Nam, sân bay Đà Nẵng là nơi Hoa Kỳ trữ chất diệt cỏ, trong đó có chất độc da cam, được dùng để hủy diệt các khu rừng nhằm phá hủy nơi trú ẩn của Việt Cộng. Do đó, khu vực này bị nhiễm chất độc trầm trọng. Nước, đất, cây cỏ và người đều bị ảnh hưởng. Theo một nghiên cứu vào năm 2009 của Công ty tư vấn Hatfield (Canada), máu và sữa mẹ của một số người dân trong vùng có nồng độ dioxine cao hơn đến 100 lần mức thông thường trên thế giới.

Thế nhưng, tình trạng này sẽ trở thành dĩ vãng, bởi sắp tới đây Hoa Kỳ sẽ trở lại Đà Nẵng, không phải để tham chiến như năm xưa, mà lần này để khắc phục hậu quả chiến tranh, đó là tiến hành tẩy rửa khu vực sân bay này. Theo chương trình, đất sẽ được đào lên và xử lý ở nhiệt độ rất cao. Từ đây đến năm 2014, sẽ có đến 95% lượng dioxine được khử nhiễm. Tổng chi phí cho chiến dịch lên đến 34 triệu đô la. Tuy nhiên, đến hiện tại, Mỹ chỉ mới giải ngân có 6 triệu đô la cho các chương trình giúp đỡ nạn nhân.

Hoa Kỳ xem Việt Nam là đồng minh

Đánh giá về tầm quan trọng của chiến dịch này, ông Francis Donovan, giám đốc của Asaid, văn phòng đặc trách chiến dịch trên của chính phủ Mỹ, nhận định, đợt tẩy độc thể hiện một bước tiến quan trọng trọng việc tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thế thì tại sao Mỹ phải chờ đợi đến 35 năm sau chiến tranh mới bắt đầu tẩy độc? Ông Donovan giải thích là do kỹ thuật sử dụng lần này chỉ mới được hoàn thiện gần đây.

Tuy nhiên, theo L’Express, bên cạnh nguyên nhân kỹ thuật, còn có nguyên nhân địa chính trị khác. Đó là chính quyền Obama tìm cách kềm bớt sự lớn mạnh của Trung Quốc, mối quan ngại này được phía Việt Nam chia sẻ. Như vậy, thời thế hiện tại không còn là lúc để cho dĩ vãng gây cản trở cho bước đường Mỹ trở lại Việt Nam, bởi hiện tại Washington xem Hà Nội là một đồng minh. Tờ báo này cũng nhắc lại, vào tháng 5/2009, nghị viện Hoa Kỳ đã kêu gọi giải quyết vấn đề chất độc da cam để cải thiện hình ảnh của Mỹ ở Châu Á.

Thiếu tiền cho các phân tích y học có hệ thống

Đà Nẵng, nơi mà năm 1965, các binh sỹ đầu tiên của Hoa Kỳ đổ bộ, luôn có vị trí chiến lược quan trọng. Đây là một cảng nước sâu, cho phép đi trực tiếp vào Biển Đông. Hà Nội và Bắc Kinh vốn tranh chấp chủ quyền các đảo trên biển này, và tình hình tranh chấp đang rất căng thẳng. Hoa Kỳ đã tỏ mối quan tâm to lớn đến vụ việc khi tuyên bố có “quyền lợi quốc gia” tại đó.

L’Express cũng dẫn lại ý kiến của một vài nạn nhân chất độc da cam về chiến dịch tẩy rửa này. Một nạn nhân cho biết “đó là một khởi đầu tốt đẹp”. Một nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai khác cho biết “Tôi không hận thù gì người Mỹ. Chúng tôi đã tha thứ cho họ”.

Theo Hội Chữ thập đỏ địa phương, trong khu vực có đến 27.000 nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên con số này còn gây nhiều tranh cãi do thiếu các phân tích y học có hệ thống, bởi giá phân tích quá đắt đỏ. Theo quan sát, cứ càng gần sân bay Đà Nẵng, mật độ người nhiễm dioxine càng cao.

Nhật Bản: Thảm họa Fukushima đặt lại vấn đề về phương thức dân chủ

Thảm họa Fukushima không chỉ ảnh hưởng đến tương lai hạt nhân của Nhật Bản, mà còn tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị của người dân. Nội dung này được phản ánh trên tờ Asahi của Nhật, được Courrier International dẫn lại với hàng tựa “Hạt nhân tái khởi động tiến trình dân chủ”.

Tâm lý chống năng lượng nguyên tử ngày càng mạnh mẽ trong xã hội Nhật. Có người muốn quyết tâm loại bỏ chương trình hạt nhân, có người chỉ muốn giảm bớt số lượng nhà máy điện hạt nhân. Thế nhưng, vấn đề quan trọng không phải ở đó, mà là phải tiến hành lấy ý kiến toàn dân về vấn đề nguyên tử, tức phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý,chứ không phải chỉ chính phủ, đảng phái hay nghị viện có thể quyết định được.

Thế thì tại sao phải trưng cầu dân ý ? Asahi dẫn lại ý kiến một quan chức của Nhật, cho biết : Tương lai điện hạt nhân có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của tất cả người dân…Người ta không thể muốn lắng nghe ý kiến người dân chỉ bằng việc bám víu vào chính phủ hay nghị viện.

Như vậy, thảm họa Fukushima còn đặt ra vấn đề về phương thức dân chủ. Từ khi thảm họa nổ ra, đã có nhiều người yêu cầu cho tiến hành trưng cầu dân ý. Theo Asahi, mô hình dân chủ hiện tại ở Nhật không thể giải quyết được những vấn đề có tầm ảnh hưởng liên thế hệ. Chẳng hạn như vấn đề hạt nhân hay hiện tượng nóng lên của trái đất, hay đến các chính sách xã hội. Vì thế tờ báo cho rằng, thế hệ hiện tại cần phải biết hạn chế sự ích kỷ và khi quyết định điều gì nên biết nghĩ đến các thế hệ cháu con.

Bàn về giải pháp, Asahi nhấn mạnh vai trò của cái gọi là “thăm dò ý kiến qua tranh luận”. Phương pháp này đã được một trường đại học tại Tokyo tiến hành hồi cuối tháng 5 về chủ đề hưu trí. Mục tiêu của phương pháp không phải là đạt ngay được một giải pháp hay sự đồng thuận, mà là để mọi người tham gia nắm được nhiều luồng ý kiến khác nhau, để có nhiều thông tin hơn, để hiểu vấn đề rõ hơn, để khi cần thiết sẽ có quyết định sáng suốt nhất.

Asahi nhận định, hiện tại ở Nhật Bản, chế độ đại nghị và chính sách nặng tính đảng phái đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Vì thế, rất cần thiết tìm ra những phương thức dân chủ mới. Tờ báo này khuyến nghị thử nghiệm mô hình kết hợp giữa trưng cầu dân ý và phương thức “thăm dò ý kiến qua tranh luận” nói trên.

Như vậy, sau khi đến với Tây Ban Nha và một số nước, vấn đề về mô hình dân chủ đại diện đã đến với Nhật Bản, nhưng không phải do nguyên nhân xã hội, mà lại đến từ thảm họa hạt nhân. Một khi vấn đề liên quan đến toàn xã hội, thì tiếng nói của từng người là rất cần thiết. Đó cũng là nhận định của Asahi: “Một khi vấn đề có liên quan thật sự đến người dân, thì sự quan tâm và ý nghỉ của họ là rất quan trọng”.

Thua thiệt của phụ nữ Mỹ so với phụ nữ Pháp

Xì căn đan Dominique Strauss-Kahn (DSK) đã cung cấp cơ hội bằng vàng cho báo chí Mỹ bày tỏ lòng tự hào về tính công minh của hệ thống tư pháp Mỹ, trong việc bảo vệ người phụ nữ trước các đe dọa tình dục. Thế nhưng, nhật báo New York Times cảnh báo, phụ nữ Mỹ cũng bị phân biệt đối xử như ở Pháp, nhưng lại hưởng quyền lợi xã hội ít hơn nhiều.

Tờ báo cho rằng, trước khi người Mỹ muốn yêu cầu người Pháp cảm ơn vì đã dạy cho họ cách ứng xử với phụ nữ qua vụ DSK, thì người Mỹ nên tự hỏi xem tại Mỹ, số phận chị em phụ nữ có tốt hơn so với ở Pháp hay không!

Theo một nghiên cứu hồi năm 2010, chênh lệnh lương giữa nam và nữ tại Hoa Kỳ cao hơn tại Pháp. Rồi đến vấn đề nghỉ phép để trị bệnh hay chăm sóc người thân bị bệnh, tại Mỹ việc nghỉ bệnh này đối với nhiều nữ hầu phòng hay phục vụ kéo theo việc giảm lương đáng kể trong tuần, trong khi tại Pháp không hề có chuyện đó. Chỉ có 41% công việc thu nhập thấp trong lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ, một lĩnh vực đa số do phụ nữ đảm nhận, là cho phép nghỉ vì lí do có liên quan đến bệnh tật. Còn nói về nghỉ phụ sản, Mỹ và Úc là hai nước công nghiệp phát triển duy nhất không đảm bảo loại nghỉ phép này.

Tờ báo cho biết, phụ nữ Mỹ, ngay cả người làm việc ở những có quan cấp cao cũng ngại tố cáo hành vi xâm hại tình dục, do lo sợ thiệt thòi nhiều thứ. Mùa xuân rồi, một trường đại học ở nước này đã bị điều tra về việc để xảy ra nhiều chuyện gây  uất ức cho nhân viên nữ.

Liên quan đến các nhân vật cao cấp Hoa Kỳ từng dính bê bối tình dục, New York Times cho biết, họ bị ảnh hưởng tiếng tăm, chứ còn sự nghiệp thì chẳng bị tác hại gì. Như cựu Tổng thống Bill Clinton từng bị xì căn đan tình dục hồi đương chức, thế nhưng hiện tại, ông vẫn được xem là vị Tổng thống được lòng dân nhất. Và còn những nhân vật lớn khác nữa, sự nghiệp vẫn tiếp tục, trong khi các phụ nữ có liên quan lại bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuối cùng, tờ báo ví von: Các nữ hầu phòng và những bà mẹ góa tốt hơn nên đến Pháp sống, vì ít ra cũng được hưởng nhiều tiện ích xã hội mà các chính trị gia Hoa Kỳ không có thời gian nghỉ đến, do bận gửi hình ảnh sexy trên mạng (Ám chỉ việc hồi đầu tháng này, nghị sỹ đảng Dân chủ của New York, ông Anthony Weiner thừa nhận, qua Twitter, đã gửi ảnh nhạy cảm cho nhiều phụ nữ không quen biết).

Trang nhất các tạp chí Pháp

Tạp chí Le Monde quan tâm đến tình hình chính trị tại Soudan. Với bài viết chạy tít lớn trên trang nhất “Nam Soudan đối mặt với quỷ dữ”, tờ báo cho biết, ngày 9/7 tới đây nhà nước Nam Soudan sẽ chính thức được thành lập, nhưng hiện tại tình hình rất u ám, với nhiều nguy cơ tái bùng phát chiến tranh với miền Bắc, và xung đột sắc tộc nội bộ.

Courrier International nhìn về nước Bỉ với bài viết “Một câu chuyện về nước Bỉ”. Tờ báo cho biết, sau một năm không có chính phủ, hiện tại tình hình vẫn không có gì khả quan, tâm lý chán nản đang ngự trị. L’Express dành trang nhất chạy tựa “Ông Hollande có đủ tầm không?”. Tờ báo phân tích thế mạnh, điểm yếu để có thể trở thành Tổng thống của nhân vật đang lên của Đảng Xã hội này. Tuần san Le Figaro ưu tiên quảng bá du lịch Pháp với lời kêu gọi “Hãy đến Pháp!”. Tạp chí Challenges công bố một thông tin thú vị, đó là bảng xếp hạng thường niên 50 đại gia trong lĩnh vực rượu nho ở Pháp.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.