Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ ngừng can dự vào tranh chấp Biển Đông

Theo hãng tin Reuters, hôm nay thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải vừa yêu cầu Hoa Kỳ nên rút ra khỏi tranh chấp chủ quyền Biển Đông, cho rằng sự can dự của Mỹ có thể khiến tình hình xấu đi. Ông Thôi Thiên Khải còn khẳng định rằng Trung Quốc rất lo ngại do những "hành động gây hấn thường xuyên của các bên khác trên Biển Đông".

Tàu tuần hải 31 của Trung Quốc ở Biển Đông (DR)
Tàu tuần hải 31 của Trung Quốc ở Biển Đông (DR)
Quảng cáo

Tuyên bố của thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải được đưa ra sau khi thượng nghị sĩ John McCain tại một cuộc hội thảo ở Washington hôm thứ hai vừa qua đã kêu gọi Hoa Kỳ giúp các nước Đông Nam Á tăng cường lực lượng trên biển để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền « không có cơ sở vững chắc » của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Trong khi đó, theo hãng tin AP, các giới chức Philippines hôm nay cho rằng quân đội Mỹ có nghĩa vụ giúp bảo vệ binh lính, chiến hạm và phi cơ của Philippines chiếu theo Hiệp ước Tương trợ Phòng thủ ký năm 1951 giữa hai nước, nếu quân đội Philippines bị tấn công ở vùng quần đảo Trường Sa. 

Chiếu theo hiệp ước Mỹ- Philippines 1951, nước này có nghĩa vụ giúp nước kia phòng thủ trong trường hợp bị một quốc gia khác tấn công trên lảnh thổ chính quốc hoặc trên vùng Thái Bình Dương. Nhưng vấn đề đang được đặt ra là hiệp ước này có thể được áp dụng trong trường hợp quân đội Philippines bị tấn công trên một vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Trung Quốc và một số nước khác hay không. 

Hãng tin AP cho biết, theo một tài liệu của Bộ Ngoại giao Philippines, do vùng Thái Bình Dương mà hiệp ước 1951 quy định bao gồm cả Biển Đông, nên Washington có nghĩa vụ giúp bảo vệ quân đội Philippines nếu họ bị tấn công ở khu vực Trường Sa. Nhưng đại sứ quán Mỹ ở Manila từ chối thảo luận về chi tiết của việc thi hành hiệp ước nói trên. 

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng, một tờ báo của Hồng Kông hôm qua loan tin là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc sẽ hoạt động thử trên biển vào ngày 1/7 tới, tức là sớm hơm dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, chiếc hàng không mẫu hạm này đến tháng 10 năm 2012 với chính thức đi vào hoạt động.

Chiếc tàu dài 300 mét này nguyên là một chiến hạm từ thời Liên Xô mà Trung Quốc đã mua lại của Ukraina vào năm 1998. Mãi đến đầu tháng 6 vừa qua, quân đội Trung Quốc mới chính thức công nhận sự hiện hữu của chiếc hàng không mẫu hạm, biểu tượng cho tham vọng của Bắc Kinh trên biển.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.