Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Ủy ban bảo vệ nhà báo quốc tế phê phán Việt Nam truy bức phóng viên theo dõi biểu tình

Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) - một tổ chức độc lập có cơ sở tại Mỹ - yêu cầu Hà Nội chấm dứt hành động sách nhiễu phóng viên, nhân cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn hôm chủ nhật 10/7/2011 vừa qua tại Việt Nam. Khoảng 10 người biểu tình và ba nhà báo thu thập tin tức và làm phóng sự đã bị công an câu lưu.

Biểu tình lần thứ sáu liên tiếp phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, 10/7/2011.
Biểu tình lần thứ sáu liên tiếp phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, 10/7/2011. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Hôm nay, 12/07/2011, đại diện của Ủy ban bảo vệ nhà báo đặc trách Đông Nam Á, ông Shawn Crispin nhận định rằng : « phóng viên không phải là những quân cờ để Việt Nam mặc cả với Trung Quốc ». Ông kêu gọi, Việt Nam đáng lý ra nên để cho ký giả tự do thu thập thông tin về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.

Trong số những người bị công an câu lưu có nhà báo Đinh Hậu, cộng tác viên của hãng tin Mỹ AP, một phóng viên của đài truyền hình Nhật Bản NHK và một nhà báo của tờ báo Nhật Asahi Shimbum.

AFP ghi nhận có một nhóm người biểu tình đã bị công an thường phục chận bắt, khi họ sắp đến gần sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Ủy ban bảo vệ nhà báo bày tỏ quan ngại về tin các nhà báo bị trừng phạt, chỉ vì họ làm công tác thông tin.

Ủy ban ghi nhận, trong thời gian gần đây báo chí chính thức được bật đèn xanh để đề cập đến những vấn đề tranh chấp với Bắc Kinh.

Tuy nhiên Ủy ban đặt nghi vấn « phải chăng vụ trấn áp hôm chủ nhật vừa qua là dấu hiệu cánh cửa vừa hé mở đã đóng kín lại ».

Trong một phản ứng tương tự, hôm qua, Tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ Human Rights Watch đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam bắt giữ người biểu tình phản đối Trung Quốc.

Theo AFP, báo mạng chính thức Vietnam News cho biết Bắc Kinh và Hà Nội cùng nhấn mạnh đến nhu cầu « định hướng công luận ».

Tuy nhiên thông tin « lề trái » vẫn nở rộ trên các trang báo, trang blog độc lập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.