Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

"Nhẫn và Dương", vở hài của đoàn xiếc Việt Nam tại Liên hoan Avignon

Đăng ngày:

Vở hài Nhẫn và Dương là một trong số hơn một ngàn tiết mục tham gia chương trình không chính thức - còn được gọi là chương trình Off- của Liên hoan Avignon năm nay. Từ ngày 08/07/11 cho đến ngày bế mạc 31/07/11, hai nghệ sĩ thuộc Liên đoàn Xiếc Hà Nội cùng với hai nhạc công thuộc Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, mỗi ngày đều ra mắt công chúng Avignon trong xuất diễn từ 10 giờ 45 sáng đến 12 giờ trưa tại nhà hát Théâtre des Lucioles ngay trong khu phố cổ của thành phố.

Các nhạc sĩ với các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam trong vở hài "Nhẫn và Dương".
Các nhạc sĩ với các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam trong vở hài "Nhẫn và Dương". Thanh Hà
Quảng cáo

Chương trình Off của Avignon không chỉ là nơi mà chỉ có những Ionesco đối thoại với Brecht hay Feydeau với Jacques Prévert mà đấy còn là nơi để chúng ta khám phá tài năng của các đoàn kịch tự do Trung Quốc lần đầu tiên đến dự Liên hoan, là nơi để tìm đến với một vở kịch mà nhà báo Nga, Anna Politkoskaia đã soạn trước khi bị ám sát.

Chương trình Off của Liên hoan Avignon cũng là nơi các nhóm vũ công chinh phục đường phố, các gánh xiếc nhỏ làm mê hoặc khán giả tí hon. Trong khu rừng văn hóa đa dạng và nhiều màu sắc đó trong một rạp hát nhỏ ở phía bắc khu thành cổ Avignon, réo rắt những tiếng đàn đáy, đàn nhị cổ truyền Việt Nam. Trên sân khấu nhỏ của rạp hát Théâtre des Lucioles, bốn nghệ sĩ Việt Nam đang diễn vở hài "Nhẫn và Dương".

Lời thoại tương đối ít, mà hầu hết là bằng tiếng Việt, nhưng lối diễn xuất của hai nghệ sĩ hài Phùng Đắc Nhẫn và Phạm Thanh Dương trên nền nhạc do các anh Trần Văn Xâm và Mạc Đức Phương thuộc Viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội đủ sức để mua vui cho khán giả từ 7 đến 77 tuổi.

« Nhẫn và Dương » là câu chuyện của hai kẻ vô gia cư. Tuy sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhưng Nhẫn vẫn cố gắng vươn lên. Còn Dương thì chất phác, thật thà hồn nhiên và giản dị hơn : đói thì tìm ăn, khát thì kiếm nước uống.

Khi kiếm được đồng tiền Nhẫn tìm cách cải thiện cuộc sống của chính mình : anh mua cho mình bộ quần áo mới, đôi giầy mới. Khi khá giả được một chút, thì anh bắt đầu rơi vào cảnh gọi là "phú quý sinh lễ nghĩa". Nhẫn dậy cho Dương phải ăn uống như thế nào, chê thằng bạn khố rách áo ôm quê mùa và thiếu lịch sự ...

Xung đột nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của hai anh bạn cùng cảnh ngộ ấy tạo nên những tình huống cười ra nước mắt cho người trong cuộc nhưng đối với khán giả thì lại là một món quà tinh thần nhẹ nhàng và không kém phần thú vị -cho dù khán giả không hiểu được tiếng Việt Nam. Các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam tô điểm thêm cho vở hài và làm tăng thêm vẻ hài hước trong lối diễn của hai nhân vật Nhẫn và Dương.

Đến Avignon dưới sự bảo trợ của đoàn nghệ sĩ hài Matapest, bốn nghệ sĩ Việt Nam tuy không phải lo lắng về vấn đề ăn ở, hay thuê rạp nhưng trước và sau mỗi buổi diễn các anh đều phải tự túc dàn dựng hoạt cảnh, trang trí sân khấu và đến khi hạ màn thì cũng lại các anh phải nhanh chóng thu dọn các đạo cụ để nhường sân khấu của Théâtre des Lucioles lại cho một đoàn hát khác.

Sau buổi diễn đầu tiên, bốn nghệ sĩ Việt Nam, các anh Nhẫn, Dương, Xâm và Phương đã dành cho khán giả RFI một cuộc trao đổi.

Về phần mình Hugues Roches, một trong hai đạo diễn và là người cùng điều hành đoàn hề Matapest cho biết trong hoàn cảnh nào anh đã hợp tác với các diễn viên của Liên đoàn Xiếc Hà Nội :

« Không phải tình cờ mà chúng tôi hợp tác với các nghệ sĩ Việt Nam : vùng Poitou Charente là một trong những đối tác của Liên hoan Huế. Trong khuôn khổ hợp tác này, năm 2006 đoàn nghệ sĩ hài Matapest đã đến Việt Nam và chúng tôi đã có dịp giao lưu với đoàn xiếc của Thành phố Hồ Chí Minh và nhất là với đoàn Hà Nội. Mới đầu Matapest tập trung vào công việc đào tạo cho các nghệ sĩ hài của Việt Nam. Trong 10 năm qua nghệ thuật này đã chựng lại do vậy chúng tôi muốn đem lại một cái nhìn mới về thể loại nghệ thuật sân khấu này. Trước hết chúng tôi đã khuyến khích các đồng nghiệp Việt Nam sáng tác, soạn kịch bản. Kế tiếp chúng tôi quan niệm rằng một anh hề không chỉ là một người mua vui cho khán giả mà đấy phải là một nghệ sĩ thực thụ, và toàn phần. Có nghĩa là họ phải biết nhiều thứ từ ca, múa đến nhào lộn …

Vở hài « Nhẫn và Dương » lần đầu tiên đến dự Liên hoan sân khấu Avignon nhưng đã được diễn hai lần trong khuôn khổ các Liên hoan hài quốc tế và trước Avignon, thì đoàn đã lưu diễn ở Pháp. Chúng tôi thấy là đã đến lúc các nghệ sĩ Việt Nam cần đến Avignon để được phổ biến rộng rãi hơn đến các giới trong ngành. Họ cần gặp gỡ, giao lưu với các chủ rạp hát, với các ông bầu … »

Trong mùa Liên hoan năm nay, chương trình không chính thức dành đến 10 % các tiết mục để phục vụ cho các khán giả tí hon. Vở "Nhẫn và Dương" là một trong số những tiết mục đó. Chắc chắn là vẻ lôi thôi, lúng túng khi thì vụng về lúc thì huênh hoang của hai anh hề Nhẫn và Dương trên nền nhạc cổ truyền Việt Nam sẽ không phụ lòng khán giả dù ở bất kỳ độ tuổi nào và cho dù người xem nhìn vở hài này dưới bất kỳ góc độ nào.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.