Vào nội dung chính
ASEAN - BIỂN ĐÔNG

Diễn đàn Khu vực ASEAN sẽ ra tuyên bố về tranh chấp Biển Đông

Các Ngoại trưởng của ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ họp lại ở Bali, Indonesia vào tuần tới trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) để bàn về những vấn đề an ninh ở châu Á. Diễn đàn ARF dự kiến kêu gọi thực hiện "ngoại giao ngăn ngừa", đề ra các biện pháp để tránh xảy ra tranh chấp. 

Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Đà Nẵng hồi tháng  5/2010 (DR)
Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Đà Nẵng hồi tháng 5/2010 (DR)
Quảng cáo

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chống lại việc diễn đàn ARF đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải ra bàn thảo, trong khi những nước có liên hệ đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông như Việt Nam và Philippines muốn giải quyết vấn đề này với sự hợp tác của những nước như Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Theo nhật báo Nikkei, số ra chiều hôm qua, bản tuyên bố của chủ tịch Diễn đàn Khu vực ASEAN, dự kiến được công bố ngày 23/7, có thể sẽ nhấn mạnh rằng ARF « phải đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực », trong một nỗ lực dường như là nhằm mở rộng vai trò của cơ chế này. Bản tuyên bố của Diễn đàn ARF theo dự kiến cũng sẽ kêu gọi thực hiện « ngoại giao ngăn ngừa », cũng như kêu gọi những nước tham gia diễn đàn đề ra các biện pháp để tránh xảy ra các tranh chấp.

Bản tuyên bố có thể cũng sẽ khẳng định rằng Trung Quốc và ASEAN đều cần một môi trường hoà bình, hữu nghị và hài hòa, ý muốn nhắc việc cần thiết phải giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Cách đây vài ngày, Tổng thư ký của ASEAN, ông Surin Pitsuwan cũng đã tỏ ý hy vọng rằng tại Diễn đàn ARF ở Bali, ASEAN và toàn bộ các cường quốc khu vực, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ có cuộc « thảo luận mang tính xây dựng » về tranh chấp Biển Đông và các tranh chấp chủ quyền lãnh hải khác.

Nhưng vấn đề là cho tới nay, Trung Quốc vẫn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ song phương với Việt Nam hay Philippines, chứ không muốn đưa vấn đề này ra bàn trong các cuộc họp đa phương. Mặt khác, Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối việc Hoa Kỳ can dự vào vấn đề Biển Đông, yêu cầu Washington phải tôn trọng « quyền lợi cốt lõi » của Trung Quốc trong khu vực này.

Trước thái độ dứt khoát như vậy của Bắc Kinh, trước mắt, điều mà ASEAN có thể làm được với tư cách tổ chức khu vực đó là lập ra một cơ chế để giải quyết các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Theo hãng tin Kyodo, cuộc họp lần thứ 44, tại Bali giữa các ngoại trưởng ASEAN (họp trước Diễn đàn ARF) dự kiến sẽ tiến thêm một bước trong việc đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC). Bản dự thảo thông cáo chung, mà hãng tin Kyodo có được, ghi rằng : « ASEAN và Trung Quốc nỗ lực để hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông trước cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 11 của ASEAN tại Bali vào tháng 11. »

ASEAN và Trung Quốc đã ký bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002 để làm khuôn khổ giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền của vùng này. Nhưng đây chỉ là « tuyên bố », không có tính chất bó buộc thi hành. Từ nhiều năm qua, các nỗ lực nhằm tiến tới một văn bản có tính chất bó buộc vẫn bị cản trở do lập trường của Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp lãnh hải trên cơ sở song phương.

Nhưng cho dù có ý kết được trong năm nay, Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông thật ra chỉ là nhằm ngăn ngừa xảy ra khủng hoảng do tranh chấp chủ quyền, chứ không thể giải quyết vấn đề cốt lõi, đó là tham vọng bành trướng của Trung Quốc, thể hiện qua đường lưỡi bò trên Biển Đông. Trong quan hệ với các nước ASEAN, Bắc Kinh chỉ dùng thế mạnh để áp đảo, tuy rằng ngoài miệng vẫn nói là muốn hòa bình, không sử dụng vũ lực.

Vấn đề là, đối lại với một nước Trung Quốc bành trướng là một ASEAN đầy chia rẽ và bị Bắc Kinh lũng đoạn bằng cách gia tăng ảnh hưởng lên một số nước như Miến Điện hay Cam Bốt.Thành ra những nước như Việt Nam và Philippines cảm thấy rằng không thể trông chờ vào ASEAN, mà chỉ có thể dựa vào thế lực của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.