Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Linh mục Nguyễn Văn Lý vào tù trở lại. Các tổ chức nhân quyền lo ngại

Nhật báo Công giáo La Croix hôm nay quan tâm đến sự kiện linh mục Nguyễn Văn Lý bị đưa trở lại nhà tù sau thời gian được tạm thả vì lý do sức khỏe. Tờ báo nhận định việc bắt giam trở lại linh mục Nguyễn Văn Lý không phải là bất ngờ nhưng gây ra nhiều quan ngại.

Linh mục Nguyễn Văn Lý tại tòa tổng giám mục Huế, 15/03/2010 (DR)
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại tòa tổng giám mục Huế, 15/03/2010 (DR)
Quảng cáo

Báo Công giáo La Croix nhận định : Vị linh mục 65 tuổi này là một trong những gương mặt đối lập điển hình với chế độ cộng sản Việt Nam. Ông bị chính quyền kết án vì tham gia khối « 8406 », một phong trào dân chủ ra đời năm 2006, chủ trương kêu gọi đa nguyên đa đảng ở đất nước mà đảng cộng sản thực thi quyền lực không chia sẻ với ai.

Ông Regis Anouill, tổng biên tập một tờ báo Công giáo châu Á tại Paris cho biết « Về mặt chính thức thì linh mục Lý được thả ra vì lý do sức khỏe, nhưng một cách không chính thức thì chính quyền muốn ông phải giữ im lặng ». Thế nhưng trong một thông cáo hồi tháng ba, linh mục ly khai này đã tuyên bố nếu bị bắt trở lại nhà tù ông sẽ tuyệt thực và không chấp nhận điều trị. Theo La Croix, có lẽ lời tuyên bố này đã khiến ông bị đưa trở lại nhà tù sớm hơn. Phải đến năm 2015, linh mục Lý mới hết hạn tù.

La Croix đặt câu hỏi, việc bắt giam trở lại linh mục Lý có ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa Vatican và Hà Nội vừa mới được hình thành hay không ? Ông Regis Anouill không nghĩ việc này sẽ gây căng thẳng trong quan hệ giữa giáo hội Công giáo và chính phủ. Hội đồng giám mục chắc sẽ không lên tiếng để bảo vệ linh mục Lý. Ông Anouill cho biết thêm : "Linh mục Lý có chung mục đích đấu tranh với các giám mục ở Việt Nam nhưng phương pháp đấu tranh thì khác".

Các giám mục chỉ trích chế độ nhưng không trực diện như cha Lý, họ không can dự vào chuyện chính trị nhưng vẫn bảo vệ những nguyên tắc chủ yếu. Đại diện của tòa Thánh tại Singapore, đức ông Leopoldo Girelli phụ trách Việt Nam từ tháng giêng năm 2011, cũng có quan điểm như vậy. Từ khi ông nhận sứ mệnh này, ngài mới chỉ đến Việt Nam có 2 lần.

La Croix kết luận việc bắt cha Lý trở lại nhà tù khiến các nhà bảo vệ nhân quyền lo ngại, nhất là nó diễn ra trước hôm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chính thức thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Gia công sản phẩm : mô hình kinh tế có lợi cho các nước đang phát triển

 

Trang kinh tế báo La Croix hôm nay quan tâm đến hình thức kinh tế gia công sản phẩm ở những nước đang phát triển. Trong một bản báo cáo mới đây, Cnuced, Cơ quan Liên hiệp Quốc về thương mại và phát triển, đã thống kê được doanh số của việc gia công sản phẩm và các hình thức sản xuất không bỏ vốn, trong năm 2010 trên thế giới là trên 2000 tỷ đô la, tức chiếm 1% tổng thu nhập của thế giới.

Theo La Croix xu hướng gia công các sản phẩm hàng hóa cho các nước phát triển đã trở nên phổ biến từ vài thập kỷ trở lại đây. Là một hình thức đầu tư ít rủi ro và có giá thành thấp, hình thức làm ăn này đang ngày càng lôi cuốn các tập đoàn đa quốc gia của các nước công nghiệp phát triển. Giờ đây hầu hết các sản phẩm từ dệt may đơn giản đến sản phẩm công nghệ cao cấp đều được sản xuất hay lắp ráp từ các nước nam bán cầu, tức là các nước đang phát triển.

Mặc dù hình thức thuê gia công này vẫn bị nhiều tổ chức phi chính phủ chỉ trích là lợi dụng nguồn nhân công rẻ mạt làm việc trong các điều kiện tồi tệ….. Nhưng cơ quan phát triển của Liên hiệp quốc vẫn cho rằng hình thức này đem lại cơ hội phát triển cho các nước nhận gia công hàng hóa. Trong số khoảng hai chục triệu công ăn việc làm mới được tạo ra trong năm 2010 trên thế giới thì 80% là nhờ các hợp đồng gia công sản phẩm.

Trường hợp của Đông Nam Á

Ở một số nước, nhất là trong khu vực Đông Nam Á, thì các họat động sản xuất liên quan đến đến gia công chiếm tới 15% thu nhập nội địa. Theo Cnuced thì hình thái sản xuất này còn hỗ trợ tích cực cho phát triển dài hạn ở các nước gia công nhờ được chuyển giao công nghệ và chuyên môn. Chính các nước Đông Nam Á được hưởng lợi nhiều nhất từ việc nhận ủy thác sản xuất của các công ty đa quốc gia.

Thường những nước này đều có một lực lượng nhân công có tay nghề và đặc biệt là công lao động rẻ. Điển hình như Foxconn, một công ty chuyên gia công sản phẩm của Đài Loan. Công ty này chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc lục địa đủ loại sản phẩm công nghệ cao của nhiều nhãn hiệu hàng điện tử cao cấp như Apple, Hewlett-Packard, Dell, Nokia, Sony, Samsung, Acer….

Giờ đây Foxconn đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia có hơn 600 nghìn công nhân ở bống nước. Nếu như hình thái gia công đang nở rộ ở châu Á thì châu Phi lại không hấp dẫn được các công ty nước ngòai. Nguyên nhân của yếu, theo báo cáo của cơ quan phát triển Liên hiệp quốc, là do hạ tầng cơ sở ở các nước châu Phi không đáp ứng được yêu cầu của các công ty đa quốc gia. 

Tác giả vụ thảm sát Oslo kẻ cuồng tín hay tâm thần ? 

Về thời sự quốc tế các báo Pháp hôm nay vẫn dành sự chú ý nhiều vào vụ thảm sát tại Na Uy. Le Monde dành kín một trang báo cố gắng giải mã nội dung 1518 trang viết của kẻ cuồng tín Anders Behring Breivik được tung lên mạng trước khi y thực hiện hai vụ tấn công kinh hoàng hôm 22 tháng 7 tại thủ đô Oslo của na Uy. Tài liệu đã được soạn thảo kỹ lưỡng từ ba năm nay cho thấy tác giả của vụ thảm sát Oslo là một kẻ cuồng tín, chống lại mọi giá trị dân chủ .

Le Figaro đặt vấn đề đánh giá « mức độ điên rồ của Breivik ». Theo tờ báo thì bên biện hộ gợi đến khả năng nghi phạm bị tâm thần. Trong khi đó thì cảnh sát Na Uy thì muốn khẳng định hành động của Breivik là « tội ác chống nhân loại ».

Ngày hôm thứ hai, thủ phạm của vụ thảm sát khiến 76 người dân thường thiệt lạng đã ra trước tòa. Tại đây y đã đưa ra những lời khai gây bất ngờ dễ khiến người ta hiểu đó là lời lẽ của kẻ mắc bệnh tâm thần. Breivik không hề tỏ một chút hối hận về hành động của mình mà còn khăng khăng nghĩ rằng y đang tiến hành một cuộc thập tự chinh để « cứu Na Uy và châu Âu khỏi sự xâm lăng của đạo Hồi ».

Luật sư của Breivik cho biết y suy nghĩ rằng đang ở trong một cuộc chiến mà trong chiến tranh thì người ta có thể bắn giết như thế và vì vậy y không nhận đó là có tội. Bản thân luật sư của nghi phạm cũng bất ngờ với những tuyên bố của thân chủ. Ông yêu cầu phải kiểm tra tâm lý của Breivik, và nếu thân chủ từ chối thì ông cũng sẽ rút bào chữa.

Về phần mình, cảnh sát Na Uy muốn dựa vào các điều luật mới đưa vào Bộ luật Hình sự Na Uy năm 2008 để truy tố can phạm vì «tội ác chống nhân loại » với khung hình phạt tối đa là 30 năm tù, còn không nếu xử theo tội danh khủng bố thì Breivik chỉ bị tối đa 21 năm tù.

Nhưng câu hỏi sau thảm kịch

Báo Libération đề cập đến phản ứng của cảnh sát Na Uy. Đã 5 ngày sau vụ bắn giết điên cuồng trên đảo Utoya, đấy nước Na Uy vẫn chưa ra khỏi cơn bàng hoàng. Người dân Na Uy giờ đây đặt câu hỏi tại sao lực lượng cảnh sát lại có mặt tại đảo muộn đến hơn một tiếng đồng hồ sau vụ xả súng.

Tờ báo thuật lại lời kể của một nhân chứng tên là Julie Breme cho biết : Từ khi sát thủ Breivik nổ những phát súng đầu tiên trên đảo, lúc 17 h 10 phút, cô đã cố gọi điện thoại cho cảnh sát nhưng không được vì máy luôn bận. Cô liên lạc với mẹ yêu cầu bà gọi cảnh sát gấp ngay sau đó. Trong vòng 1 giờ, hai mẹ con cô đã trao đỏi với nhau 36 tin nhắn. Lực lượng cứu hộ vẫn không đến ngay.Từ điện thoại dị động của mình cô liên tục tung ra các tin nhắn kêu cứu trên mạng Twitter. Nhưng sự việc như đã biết cảnh sát Na Uy chỉ có mặt sau khi hung thủ thả sức bắn giết hơn một tiếng đồng hồ.

Giờ đây tất cả mọi người đều có chung một câu hỏi cảnh sát đã làm gì trong thời gian đó ? Cảnh sát thừa nhận đã nhận được thông tin về vụ bán giết lúc 17giờ 27 nhưng đến 18 giờ 25 mới tới được đảo vì thiếu phương tiện và bị động. Ngoài ra còn câu hỏi tại sao can phạm lại không nằm trong tầm ngắm của an ninh Na Uy trong một thời gian dài tỏ rõ là một kẻ cực đoan như vậy. Nhà chức trách Na Uy đang cố gắng giải thích sự châm chễ của mình nhưng điều có thể dễ nhận thấy đó là an ninh Na Uy đã một thời gian dài lơ là, mất cảnh giác với bạo lực tiềm ẩn bởi họ vẫn nghĩ rằng Na Uy là một đất nước thanh bình. 

Luân Đôn sẵn sàng đón Thế vận hội 2012  

Đúng ngày này sang năm tới sẽ là lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa hè Luân Đôn. Le Figaro đề cập đến sự kiện này còn bởi một lý do, năm 2005 tại Singapore, chính Luân Đôn đã nẫng quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè ngay trước mũi thành phố Paris. Còn đúng một năm nữa, Le Figaro tin tưởng « Luân Đôn đúng hẹn ».

Tờ báo nhận Thấy thành phố Luân Đôn đã rất cố gắng để tiến độ xây dựng các công trình chuẩn bị cho sự kiện không bị chậm. Không giống như kỳ Thế vận hội ở Athenes hồi năm 2004, đến phút chót mới hoàn thiện, hầu hết các các công trình phục vụ Olympic 2012 đều đã sẵn sàng đi vào hoàn thiện ngay từ bây giờ.

Thủ đô của Anh quốc đang có một bộ mặt mới đặc biệt trên những khu cư dân nghèo ở phía đông Luân Đôn. Nơi đây sẽ là trung tâm của Thế vận hội mùa hè 2012. Rất nhiều công trình, không chỉ các tổ hợp thi đấu thể thao mà còn cả các trung tâm thương mại, công viên … đang dần mọc lên tại đây.

Giờ đây nước Anh đang mở một chiến dịch thông tin rộng khắp để quảng bá cho việc chuẩn bị Olympic 2012. Đây là lần thứ ba thành phố châu Âu này đón tiếp Thế vận hội mùa hè ( hai lần trước vào năm 1908 và 1948) và cũng chỉ mới có duy nhất Luân Đôn có được cái may mắn và vinh dự này. Vì vậy mà thành phố đã dốc tổng lực để sao cho tương xứng. Ngân sách chi cho xây dựng và trang thiết bị lên đến trên 10 tỷ euro. Việc quyết toán sẽ được hoàn thành sau Thế vận hội, nhưng ngay từ bây giờ người dân Luân Đôn đã nghĩ tới chuyện sẽ bị tăng thuế.

Đúng một năm nữa, 10500 vận động viên đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tề tựu về Luân Đôn cùng nhau tranh tài 300 nội dung thi đấu của 26 môn thể thao. Ngoài ra tất nhiên sẽ còn hàng triệu du khách từ khắp thế giới đổ về để tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này. Một thách thức không nhỏ cho các nhà tổ chức đó là vấn đề an ninh. Luân Đôn sẽ được dặt dưới sự giám sát an ninh ở mức cao nhất ngay từ bây giờ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.