Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Linh mục Nguyễn Văn Lý tuyệt thực phản đối chính quyền

Linh mục Nguyễn Văn Lý đã thực hiện tuyệt thực một tuần để phản đối việc chính quyền đưa ông trở lại nhà tù sau một thời gian được tại ngoại để chữa bệnh. Hãng tin AFP hôm nay 5/8/2011 dẫn nguồn tin của gia đình linh mục ly khai với chế độ cho biết tình trạng sức khỏe của cha Lý không bị xấu đi sau một tuần tuyệt thực.

Linh mục Nguyễn Văn Lý
Linh mục Nguyễn Văn Lý Reuters/Stringer
Quảng cáo

Ngay sau khi bị bắt giam trở lại hôm 25 tháng 7, cha Lý đã tuyệt thực như đã tuyên bố trước khi bị đưa trở lại nhà tù. Sau một tuần nhịn ăn, cha Lý đã bắt đầu ăn trở lại khi có chị ông vào thăm trong tuần này. Tuy nhiên những người thân của linh mục cũng cho biết không loại trừ khả năng linh mục Lý sẽ lại tiếp tục tuyệt thực. Một người trong gia đình, giấu tên, nói với AFP rằng : « Đây là cách đấu tranh của ông, nếu có điều gì không đồng ý thì ông sẽ lại tiếp tục tuyệt thực ».

Quyết định của chính quyền Việt Nam đưa linh mục Nguyễn Văn Lý trở lại trại giam với lý do tiếp tục những hoạt động chống chính quyền, liền sau đó đã bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Canada và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu phải trả tự do ngay lập tức cho ông.

Linh mục Nguyễn văn Lý 65 tuổi, là người khởi xướng thành lập « khối 8406 » một phong trào tập hợp nhiều trí thức và tôn giáo kêu gọi đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam thành lập năm 2006. Trước đó linh mục Lý đã từng phải ngồi tù cả chục năm vì chỉ trích chế độ và đòi tự do ngôn luận và đến năm 2007 nhà ly khai này lại bị kết án 8 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Tháng 3 năm 2010, chính quyền cho phép linh mục Lý được hoãn thi hành án tù để điều trị bệnh u não tại Nhà chung Tòa Tổng giám mục Huế, nhưng vẫn dưới sự giám sát chặt chẽ của an ninh.

Việc đưa linh mục Lý trở lại nhà tù, diễn ra trước ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức được tiếp tục tại chức thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Theo các nhà bảo vệ nhân quyền, đây là dấu hiệu báo trước một thời kỳ khó khăn cho những người bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.