Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Đối phó với dịch tay - chân - miệng và sốt xuất huyết tại Việt Nam

Đăng ngày:

Tại Việt Nam, bệnh tay-chân-miệng đang phát triển mạnh. Tính đến giữa tháng Tám này, có đến hơn 30.000 người bị mắc bệnh, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, và đã có hơn 80 người tử vong. Cùng lúc với bệnh dịch tay-chân-miệng chưa dịu bớt và có khả năng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, là mùa dịch sốt xuất huyết đang đến.

Nhiều bệnh viện Việt Nam rơi vào tình trạng quá tải vì hai bệnh dịch (DR)
Nhiều bệnh viện Việt Nam rơi vào tình trạng quá tải vì hai bệnh dịch (DR)
Quảng cáo

Việt Nam đối mặt như thế nào với hai bệnh dịch truyền nhiễm lớn nhất này và các phụ huynh cần lưu ý đến những điều gì, khi con em mình bị mắc bệnh hay nghi là bị mắc một trong hai bệnh này ? Đó là hai vấn đề chính trong tạp chí này.  

Hôm 15/8/2011 vừa qua, theo báo chí trong nước, trong một hội nghị khẩn cấp tại Viện Pasteur Sài Gòn, tân bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định bệnh dịch chân – tay – miệng « đã bùng phát » (chứ không phải chỉ « có nguy cơ bùng phát ») và yêu cầu các cơ quan của Bộ điều chỉnh cấp thời các biện pháp đối phó, đặc biệt tăng cường các biện pháp dự phòng. Người lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu nhận xét, dịch chân – tay – miệng có số lượng tử vong cao nhất trong các căn bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam hiện nay, và Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á bị ảnh hưởng bệnh này, xét theo tỷ lệ dân số, chỉ sau Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Việt Nam cũng thừa nhận ngành dịch tễ hiện nay chưa dự báo được mức độ phát triển của dịch bệnh. Có ý kiến cho rằng phản ứng của Bộ Y tế Việt Nam là chậm trễ và hoàn toàn chưa tương thích với tầm mức nghiêm trọng của bệnh dịch hiện nay

Ngày 18/8/2011, Thủ tướng Việt Nam đã ra công lệnh khẩn yêu cầu chính quyền các địa phương và các bộ Y tế, Giáo dục-Đào tạo và Thông tin-Truyền thông ... nỗ lực hơn và phối hợp trong việc hạn chế bệnh dịch tay-chân-miệng. 

Theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hữu, giám đốc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, được Vietnamnet dẫn lại, một năm dịch tay – chân – miệng có hai đỉnh, đỉnh tháng 5 và tháng 6 đã quá, và trước mắt là tháng 9 đến tháng 11. Đỉnh sau nói chung sẽ nặng hơn so với đỉnh trước.

Cũng theo Bộ Y tế, bệnh dịch chân - tay – miệng đã có mặt tại gần 20 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, chủ yếu là ở miền Nam và miền Trung. Trên thực tế, ngay Hà Nội và một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã rải rác có các trường hợp mắc bệnh này. Nhiều phụ huynh lo ngại con em ngã bệnh, không nhập học được khi năm học mới sắp sửa bắt đầu.

Riêng về bệnh sốt xuất huyết mặc dù là bệnh theo mùa, trở đi, trở lại, tại Việt Nam gần đây bệnh dịch này có xu hướng tăng mạnh. Việt Nam mới đây được Tổ chức Y tế Thế giới coi là một trong sáu nước của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chịu tác động nặng nề nhất của căn bệnh này, với khoảng 125.000 người mắc bệnh năm ngoái 2010 và hơn 100 trường hợp tử vong. Ngày 15/6/2011, lần đầu tiên 10 quốc gia Asean họp lại tại Việt Nam để bàn về cách đối phó với bệnh dịch này.

Tình hình chung hai bệnh dịch

Nhận định về tình hình bệnh dịch chân - tay – miệng và sốt xuất huyết nói chung, giáo sư Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và giám đốc nghiên cứu lâm sàng của OUCRU tại Việt Nam, thuộc đơn vị nghiên cứu lâm sàng của đại học Oxford (Anh), cho biết ý kiến :

« Bệnh chân – tay – miệng trước kia cũng có, nhưng không có nhiều. Từ đầu năm đến nay, nói chính xác là khoảng từ tháng Ba, tháng Tư đến nay, cái bệnh đó tăng lên rất là nhiều, rất là cao, cao hơn những năm khác. Hiện nay, điều này cũng gây những khó khăn, vì số lượng bệnh nhân nhiều quá. Các cháu đặc biệt từ 6 tháng cho đến 5 tuổi là bị nhiều và đồng thời bị nặng.

Thật ra cái này, người ta cũng biết là ở châu Á, mình gọi là Hand - Foot - Mouth Disease, châu Âu cũng có, châu Mỹ cũng có, nhưng không có biến chứng nhiều về thần kinh, tim mạch. Về việc tại sao châu Á bị nhiều, thì các nhà khoa học hiện nay đang tìm cách giải thích rằng, trong đó có một số yếu tố về di truyền, ở trẻ em châu Á có một số yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của con virut tay – chân – miệng. Thứ hai là về đời sống nói chung. Về vệ sinh, rõ ràng là các nước đang phát triển, các nước nghèo rõ ràng là không bằng các nước đã phát triển. Đó là hai chuyện làm cho bệnh tăng lên.

Tất nhiên, bệnh tăng, dịch lớn như thế thì gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị, theo dõi trong các bệnh viện, đặc biệt là ở thành phố là có các bệnh viện nhi lớn rất là đông. 

Về điều trị, hiện nay trên thế giới chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên công tác điều trị càng khó khăn hơn. Ở đây, chủ yếu các bệnh viện theo dõi sát để có thể can thiệp, hỗ trợ, điều trị kịp thời. Đó là về tay – chân – miệng.

Còn về sốt xuất huyết, bây giờ là mùa sốt xuất huyết nên nó cũng tăng. Bệnh này năm nào ở các tỉnh phía Nam cũng có hết. Năm nay cũng chưa có thể nói là nhiều hơn các năm trước. Nhưng vào mùa này cũng bắt đầu nhiều rồi, lồng trên cái backround, trong cái bối cảnh có bệnh tay – chân - miệng, thì cũng hơi khó khăn. Vì bệnh nào cũng bắt đầu bằng sốt cả, và cũng ở trẻ em hết. Tất nhiên là nó các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ xét nghiệm máu, có thể phát hiện được. Nhưng đối với người dân có khó khăn, vì thấy con em sốt, mình không biết bây giờ nó sốt tay – chân – miệng hay sốt xuất huyết. Rồi phải theo dõi và đưa đi bệnh viện. Khó khăn là ở chỗ ấy. Chứ còn bây giờ, thật ra đối với sốt xuất huyết các phương tiện chẩn đoán mới cho phép xác định rất sớm, chứ không phải chờ đến sau ngày thứ 5 như trước đây nữa. »

Những biểu hiện của hai bệnh

Về biểu hiện của hai căn bệnh tay – chân – miệng và sốt xuất huyết, bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Thu Hằng cho biết như sau :

* Các triệu chứng bệnh tay - chân - miệng

Bên cạnh một số triệu chứng giống sốt vi rút nói chung như sốt, đau họng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó ngủ, hay quấy khóc … thì có các bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng và có thể ở một số vùng khác như mông, đầu gối. Bóng nước có kích thước từ 2 – 10 mm, màu xám, hình ô van, sờ vào thấy hơi cộm, và thường ấn không đau. Thường thì khó thấy các bóng nước trên niêm mạc miệng vì nó vỡ rất nhanh tạo thành những vết loét, trẻ rất đau khi ăn và tăng tiết nước bọt. 

Bệnh có thể biểu hiện không điển hình khác như: bóng nước xen kẽ rất ít với những ban màu hồng đỏ, hoặc một số trường hợp chỉ biểu hiện ban và không có biểu hiện bóng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần.

Tuy các biểu hiện bệnh tay – chân – miệng có vẻ rầm rộ, nhưng trẻ mắc hội chứng chân – tay – miệng thường khỏi trong vòng 1 tuần nếu được điều trị đúng cách, không có biến chứng. Nếu không được điều trị đúng cách hoặc diễn tiến nặng, bệnh sẽ gây những biến chứng thần kinh rất nặng như viêm não, viêm màng não hoặc có biến chứng tim mạch.

Vì vậy, sự theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh ở trẻ là rất quan trọng.

* Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có những triệu chứng như sốt cao 39-40độ C, một cách đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền. Xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng: xuất huyết dưới da làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Nặng hơn thì có thể có chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, đau bụng nhiều, ói hoặc đi ngoài ra máu.

Sốc là dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt, trẻ mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi ngoài ra máu.

Chỉ đến khi trẻ hết sốt trên 48 giờ mà không dùng thuốc hạ sốt, trẻ tươi tỉnh, đòi ăn đòi chơi, tiểu hóa tốt trở lại, chúng ta có thể yên tâm là trẻ đã qua giai đoạn nguy hiểm.

Tình hình bệnh dịch tại một số khu vực Sài Gòn, Hà Nội và Đồng Tháp

Sài Gòn là nơi được coi như bệnh tay – chân – miệng hoành hành mạnh nhất với tổng số hơn 7.000 trường hợp. Theo báo chí trong nước, hiện tại các bệnh viện nhi đồng và bệnh viện truyền nhiệm ở đây đã quá tải. Riêng bệnh viện Nhi đồng 1 đã có hơn 2.000 trường hợp điều trị nội trú và có tới 1/3 trong số đó đang có chuyển biến nặng hơn. Về sốt xuất huyết cũng có tới hơn 2.000 trường hợp phải nhập viện. Bệnh viện đã phải dời bệnh nhân thuộc các bệnh truyền nhiễm khác đi khoa khác để dành chỗ cho những em bị mắc hai bệnh kể trên. Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh riêng trong nửa đầu tháng 8 đã phải khám hơn 4.000 trường hợp nghi mắc bệnh tay – chân – miệng, và nhận điều trị nội trú đối với khoảng 500 bệnh nhi.

Hiện tại, ở các tỉnh miền Bắc, có vẻ như hai căn bệnh này không gây ra một không khí căng thẳng, mặc dù lác đác có bệnh viện đã bắt đầu phải nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết. Sau đây là nhận xét của bác sĩ Trịnh Thị Ngọc, trưởng Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai :

00:46

Bác sĩ Trịnh Thị Ngọc (Hà Nội)

 

  Trong số các tỉnh phía Nam mắc dịch chân – tay – miệng, Đồng Tháp là tỉnh được coi là có nhiều bệnh nhân thứ ba. Tuy nhiên, căn bệnh này có vẻ không thực sự hoành hành tại tỉnh này. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp giải thích lý do vì sao:

« (…) là do ở Đồng Tháp, mạng lưới thông tin đại chúng, truyền thông tốt, nên người dân nhận thức được, người ta khi phát hiện được bệnh đưa cháu đi đến bệnh viện sớm, cho nên khi đến bệnh viện nếu bác sĩ phát hiện được các biểu hiện nặng thì điều trị sớm, thì tỷ lệ tử vong thấp (…) ».

01:08

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Đồng Tháp)

 

 

 

 

 

 Triển vọng của điều trị sốt xuất huyết và tay – chân – miệng trong tương lai

Về triển vọng của việc đối phó với hai bệnh dịch mãn tính trong tương lai gần, một đã tồn tại từ hàng chục năm nay là bệnh sốt xuất huyết và trường hợp kia là một bệnh mới xuất hiện là dịch chân – tay – miệng, giáo sư Trần Tịnh Hiền nói :

01:15

Giáo sư Trần Tịnh Hiền (Sài Gòn)

 

 

 

 

Một số lời khuyên các phụ huynh

Bệnh chân – tay – miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh sốt huyết chưa có thuốc tiêm chủng, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sau đây là một số lời khuyên của bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Thu Hằng đối với các phụ huynh :

DR

 * Điều trị bệnh tay – chân – miệng

Việc đầu tiên khi phát hiện thấy các triệu chứng như tôi vừa nói thì gia đình cần đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Nếu trẻ bị bệnh ở mức độ nhẹ thì bác sĩ thường hướng dẫn gia đình về điều trị tại nhà. Nếu trẻ được chỉ định chăm sóc tại nhà, cần thực hiện những điều sau đây :

- Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước.

- Giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc.

- Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, cho ăn trẻ ăn lỏng, mềm, ăn thành nhiều bữa, nếu trẻ bị đau miệng quá, cho trẻ uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.

- Có thể cho trẻ uống thêm vitamin tổng hợp hoặc một số loại khác như vitamin C, PP, B2, kẽm … theo hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc nhằm làm cho niêm mạc sớm lành

- Không cậy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng.

- Có thể bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng sinh phòng nhiễm trùng hoặc điều trị nhiễm trùng.

- Theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng lên như: dễ giật mình, hoảng hốt, run chân tay, đi loạng choạng, chới với, co giật, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên đây cần đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. 

* Điều trị bệnh sốt xuất huyết

- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo liều chỉ định của bác sĩ, lau nước ấm giúp trẻ hạ sốt.

- Cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu, có thể cho uống thêm chút vitamin tổng hợp theo chỉ định của bác sĩ.

- Lưu ý đặc biệt là không nên dùng thuốc Aspirin để hạ sốt, cắt lễ, cạo gió vì dễ gây chảy máu, không nên uống hoặc ăn những chất có màu đỏ, nâu, đen, vì khi trẻ ói có thể nhầm với triệu chứng ói máu.

Điều quan trọng là gia đình cần mang trẻ đi khám lại theo đúng hẹn của bác sĩ, và chúng ta phải nhận biết các dấu hiệu trở nặng như đã nêu ở trên để có thể đem trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Vấn đề khó khăn trong quá trình chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết là để phân biệt sốt xuất huyết với những bệnh nhiễm siêu vi khác trong những ngày đầu mới phát bệnh là rất khó. Vì sốt xuất huyết cũng như các bệnh cảm cúm, sốt phát ban, sởi, ... đều là bệnh nhiễm vi rút, thường thì trong ba ngày đầu, mấy bệnh nhiễm vi rút này đều có các triệu chứng khá giống nhau như: sốt, có thể đau nhức mình mẩy, sổ mũi, đau họng nhẹ. Ngay cả chẩn đoán trên các xét nghiệm thông thường như xét nghiệm công thức máu, kết quả cũng giống những bệnh nhiễm siêu vi khác.

Vì khó chẩn đoán, nên các bậc cha mẹ phải nắm rõ : sốt xuất huyết là bệnh rất thường gặp ở trẻ, sốt xuất huyết khó chẩn đoán sớm ngay từ đầu, sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nặng và tử vong cho trẻ, nếu không phát hiện kịp thời.

Một số biện pháp phòng bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết

Phòng bệnh tay chân miệng

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu có chăm sóc trẻ nhỏ, thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ.

- Khi chăm sóc người bệnh cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ.

- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%.

- Vệ sinh ăn uống, không ăn chung bát đĩa và tráng bát đĩa bằng nước sôi

- Đeo khẩu trang mũi miệng khi bị hắt hơi hoặc ho.

- Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh.

...

Phòng bệnh sốt xuất huyết

- Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay vẫn là “diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngừa muỗi chích”.

- Nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt), thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc.
....

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.