Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Việt Nam : Điều trị ma túy với các nhóm tương trợ tình nguyện

Đăng ngày:

Tại Việt Nam, nghiện ma túy được coi là một căn bệnh rất nguy hiểm và có sức tàn phá cao. Trong khi đó, hệ thống điều trị và chăm chữa của nhà nước Việt Nam hiện nay đã tỏ ra bất cập và bất lực trong việc giải quyết toàn diện vấn nạn ma túy, với ít nhất 70% người tái nghiện sau khi trở về từ các trung tâm. Đáng chú ý là, trong cộng đồng, trong thời gian khoảng vài ba năm trở lại đây, đã phát triển nhiều hoạt động có hiệu quả của các nhóm "tương trợ tình nguyện" giữa những người đã hoặc đang cai nghiện.

Pano tại triển lãm "Đối mặt với ma túy", Hà Nội, từ 20/6 đến 25/6/2011.
Pano tại triển lãm "Đối mặt với ma túy", Hà Nội, từ 20/6 đến 25/6/2011. Ảnh Phạm Hoài Thanh
Quảng cáo

Hệ thống điều trị cho người sử dụng ma túy do nhà nước tổ chức gồm hai nhóm chính. Thứ nhất là các trung tâm phụ trách việc cai nghiện của khoảng từ 40.000 đến 50.000 người hàng năm (trên tổng số gần 150.000 người dùng ma túy mà nhà nước có hồ sơ). Khoảng 80% số người vào các trung tâm thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Tác động của các trung tâm cai nghiện rất bị giới hạn. Tỷ lệ tái nghiện ma túy trong số hàng chục nghìn người được cai nghiện tại các trung tâm lên đến 70%, theo số liệu mới được công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Bên cạnh các trung tâm, còn có hàng nghìn "tổ công tác cai nghiện" do chính quyền địa phương phụ trách. Khoảng 1/3 số người được điều trị cai nghiện là tại gia đình và địa phương, tuy nhiên, theo báo chí trong nước, phần lớn các cán bộ của các tổ công tác cai nghiện lại chưa qua đào tạo nghiệp vụ. 

Điều đáng chú ý là, trong cộng đồng, trong thời gian khoảng vài ba năm trở lại đây, đã phát triển một số nhóm tương trợ tình nguyện giữa những người đã hoặc đang cai nghiện. Những kinh nghiệm thành công bước đầu của họ trong việc hỗ trợ cai nghiện một phần chủ yếu dựa trên thái độ tình nguyện trợ giúp nhau giữa những người đồng cảnh.  Hoạt động đặc biệt sôi nổi là mạng lưới các nhóm "Tự lực" hỗ trợ những người nhiễm HIV, mà khá đông trong số đó có sử dụng ma túy. Hiện tại, khó lòng đưa ra một con số thống kế chính xác về số người tham gia vào các nhóm tương trợ tình nguyện này. Tuy nhiên, điều quan trọng là, các tổ chức có nguồn gốc xã hội dân sự kể trên đang mang lại một cái nhìn rất mới mẻ về những người sử dụng ma túy, vốn phải chịu nhiều kỳ thị.

Đầu mùa hè vừa qua, từ ngày 20/6 đến 25/6/2011 tại Hà Nội, nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh đã chủ trì một cuộc triển lãm ảnh đầu tiên dành riêng cho chủ đề « nghiện » ma túy, có tên gọi « Đối mặt với ma túy », dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI). Triển lãm « Đối mặt với ma túy » cho phép những người hoạt động trong các nhóm tương trợ tình nguyện giữa những người đồng cảnh, trực tiếp đưa tiếng nói của họ đến với công luận.

Thông qua nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh, chúng tôi tiếp xúc được với anh Đặng Minh Tuấn và chị Ngô Thị Mộng Linh, hai nhân chứng trong cuộc triển lãm kể trên. Theo tâm sự của họ, anh Đặng Minh Tuấn và chị Ngô Thị Mộng Linh có thể coi là những người đã bước đầu điều trị thành công tại cộng đồng, trong làn sóng các nhóm tương trợ tình nguyện, mới hình thành trong mấy năm gần đây. Anh Đặng Minh Tuấn và chị Ngô Thị Mộng Linh là thành viên của nhóm Tự lực "Bạn tôi và chúng ta" tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trước hết, RFI Việt ngữ hỏi ý kiến bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ chuyên ngành dịch tễ học và sức khỏe dân cư, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo cộng đồng Việt Nam (RTCCD), về những đặc điểm của « căn bệnh ma túy » và những khó khăn trong việc đối trị.

02:09

Bác sĩ Trần Tuấn (Sài Gòn)

 

 

 

 

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh giải thích về ý nghĩa của triển lãm kể trên đối với việc thay đổi cách nhìn nhận về những người sử dụng ma túy trong xã hội Việt Nam hiện nay và đối với sự thay đổi nhận thức của chính bản thân những người sử dụng ma túy.

01:25

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh (Hà Nội)

 

 

 

 

 

Pano triển lãm "Đối mặt với ma túy"
Pano triển lãm "Đối mặt với ma túy" Ảnh Phạm Hoài Thanh

Anh Đặng Minh Tuấn, một trong những người tham gia vào cuộc triển lãm « Đối mặt với ma túy » do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng và nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh tổ chức, cho biết những trải nghiệm của anh trên con đường rời bỏ ma túy.

03:28

Anh Đặng Minh Tuấn (Sài Gòn)

 

 

 

 

 

Ma túy gây nghiện rất mạnh. Những người bị phụ thuộc vào nó khó lòng thoát ra được. Anh Đặng Minh Tuấn, như tâm sự của anh, sở dĩ có thể bỏ hẳn được ma túy từ khoảng hai năm nay là nhờ ở phương pháp trị liệu dùng thuốc thay thế Methadone, hiện đang được nhà nước Việt Nam áp dụng thí điểm. Trường hợp của chị Ngô Thị Mộng Linh thì lại khác. Sở dĩ chị bắt đầu quyết tâm bỏ, vì chị có một khát vọng lớn hơn. Chị Mộng Linh cho biết, việc tham gia vào các nhóm xã hội có tác dụng quyết định đối với việc chị ngưng hẳn ma túy.

03:19

Chị Ngô Thị Mộng Linh (Sài Gòn)

 

 

 

 

 

Cũng giống như chị Mộng Linh, anh Minh Tuấn tham gia vào các nhóm tương trợ tình nguyện, bao gồm những người đã dứt hẳn hay vẫn trên con đường cai nghiện, tập hợp lại để chia sẻ các trải nghiệm và hỗ trợ nhau trong đời sống. Anh Minh Tuấn cũng là người tham gia phụ trách một trang web hỗ trợ những người muốn từ bỏ ma túy. Anh cho biết ý nghĩa của sự tham gia này đối với bản thân anh và đối với những người khác.

 

02:34

Anh Đặng Minh Tuấn (Sài Gòn)

 

 

 

 

 

Đối trị ma túy là một câu chuyện dài. Tại Việt Nam, những gian nan trong việc giải quyết vấn nạn ma túy cũng là một dịp để cộng đồng xã hội chấp nhận những hạn chế của nhiều phương pháp được áp dụng từ trước đến nay, và mở ra để đón nhận những cách nhìn mới, các biện pháp mới. Các nhóm xã hội tình nguyện của những người đang cai nghiện tập hợp lại để hỗ trợ lẫn nhau là các thử nghiệm xã hội mới, bước đầu đã có những kết quả, như một số lời kể trên đây của những người trong cuộc.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.