Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam cần 600 triệu đôla để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Ba mươi sáu năm sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền Việt Nam cho biết cần ít nhất 600 triệu đô la để xử lý bom mìn còn để lại trên chiến trường. Theo lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì hơn 100 ngàn người đã chết hoặc bị thương từ năm 1975 đến nay. Cũng liên quan đến cuộc chiến 20 năm, một tài liệu của Hà Nội được giải mật xác nhận Bắc Triều Tiên có quân tham chiến tại Việt Nam.

Một chuyên viên gỡ mìn biểu diễn trước báo chí ngày 27/11/2011 nhân Hội nghị quốc tế về bom mìn tại Cam Bốt;
Một chuyên viên gỡ mìn biểu diễn trước báo chí ngày 27/11/2011 nhân Hội nghị quốc tế về bom mìn tại Cam Bốt; REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Theo hãng thông tấn Reuters, trong cuộc hội thảo do Liên Hiệp Quốc bảo trợ vào hôm nay 05/12/2011 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Việt Nam Bùi Hồng Lĩnh tuyên bố là Việt nam có ngân sách 200 triệu đôla để tháo gỡ bom mìn trên một diện tích 500.000 hecta ở 14 tỉnh từ nay đến 2015, tương đương với 7,6% diện tích cần phải xử lý.

Trong khi đó thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết là số nạn nhân vì bom mìn sau chiến tranh lên đến 42 ngàn người chết và 62 ngàn người bị thương. Thủ tướng Việt Nam nói rằng Hoa Kỳ đã sử dụng 16 triệu tấn bom và đạn dược trong 20 năm chiến tranh.

Cùng tham dự hội thảo, đại sứ Mỹ David Shear cho biết Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam 62 triệu đôla để khắc phục hậu quả. Tổ chức thiện nguyện Humanitarian Mine Action Program cũng đã hỗ trợ cho Việt nam 37 triệu đôla từ năm 1989.

Kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn mà chính phủ Việt Nam thông báo nhân hội thảo tại Hà Nội được chia làm hai giai đoạn : giai đoạn điều tra khảo sát từ 2010 đến 2015 và giai đoạn rà, gỡ từ 2015 đến 2025. Trong giai đoạn một, chính quyền Việt Nam cho biết cần 595 triệu đôla .

Tài liệu chính thức : Bắc Triều Tiên tham chiến tại Việt Nam

Theo các tài liệu của Hà Nội được giải mật, trong thập niên 1960 và 1970, nhiều chục phi công và chuyên viên Bắc Triều Tiên đã giúp miền Bắc Việt Nam bảo trì và lái máy bay chiến đấu Mig 15 và Mig 17 đương đầu với không lực Hoa Kỳ.

Tài liệu quân sử của Quân đội Nhân Dân (Bắc Việt) tường thuật vào ngày 21/09/1966, một viên chức Bắc Triều Tiên đến Hà Nội đề nghị gởi một trung đoàn không quân sang Việt Nam. Đề nghị này đã được Quân ủy Trung ương do đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ nhiệm đã chấp thuận.

Hãng Yonhap bổ túc thêm là ba ngày sau, tướng Choi Kwang, Tham mưu trưởng quân đội Bắc Triều Tiên và tướng Văn Tiến Dũng đã có một cuộc thảo luận chi tiết về vai trò của Bình Nhưỡng trong cuộc chiến.

Vào năm 2000, lần đầu tiên Hà Nội và Bình Nhưỡng chính thức xác nhận có phi công Bắc Triều Tiên tham chiến tại miền Bắc.

Các tại liệu mới được giải mật và đăng trên mạng của cơ quan nghiên cứu Mỹ Woodrow Wilson International Center for Scholar, tại Washington, xác nhận tổng cộng, Bình Nhưỡng đã giúp cho Hà Nội xây dựng hai phi đoàn Mig 17 và một phi đoàn Mig 21, mỗi phi đoàn có 10 chiếc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.